Home » Tiêu Điểm, Xã hội » “Biển của ta sợ chi ai !”

Các ngư dân trên ghe cá 4337-VT sẵn sàng ra khơi

Thông tin phía Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam khai thác đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa của Việt Nam từ 16.5 tới 1.8 đã gây bất bình cho ngư dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, song không phải vì thế mà họ từ bỏ ý định đi biển. “Biển đảo của ta, ta đi đánh cá, sợ chi ai”, đó là câu cửa miệng của các ngư dân Bến Đình trước ngày giong tàu ra khơi.

Chưa bao giờ từ bỏ ngư trường

Đến cảng Bến Đình thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) những ngày đầu tháng 6 này, điều dễ dàng nhận thấy là hàng trăm ghe cá kề nhau san sát. Bên ô tàu này hơn chục ghe vừa đi biển về cá đầy ắp khoang, người khiêng người vác nhập cho lái buôn, phía cầu cảng kia đông đảo ngư dân vác những bao đá lạnh đã xay sẵn ủ dưới hầm cho chuyến biển mới.

Anh Trần Văn Độ, chủ ghe 4337-VT có thâm niên lâu năm và kinh nghiệm khai đánh bắt hải sản trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Thềm lục địa của Việt Nam vui vẻ cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ ngư trường của mình ở Biển Đông. Từ Tết đến giờ chúng tôi đã 6 lần đi biển thì có 4 lần gặp tàu của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của ta. Tuy không khai thác vùng giáp ranh nhưng họ vẫn có ý đồ xấu như xua đuổi, bắn súng tín hiệu. Chúng tôi gặp cả những ghe cá của họ đánh bắt trên vùng biển của ta. Ngư dân Vũng Tàu không bao giờ từ bỏ ngư trường, bởi chúng tôi có quyền khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển của Tổ quốc mình”.

Khi hỏi các ngư dân có quyết tâm ra biển không, ngư dân Nguyễn Văn Thành đến từ Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa làm công cho anh Độ nói liền: “Có chứ, đi biển là nghề nghiệp của chúng tôi, nếu không đi lấy gì sinh sống. Biển của ta, ta đánh cá sợ chi chứ”.

Tàu cá của anh Độ đã chuẩn bị chu đáo lương thực, nước uống và ra khơi. Đi biển lần này, tàu của anh trang bị thêm một máy thông tin I-com sóng cực ngắn để sẵn sàng liên lạc với Bộ đội Biên phòng, Hải quân khi cần thiết. Các phương án ứng phó nếu gặp nạn cũng được tập dượt kỹ cho anh em trên tàu.

Chiều 2.6 tại Bãi Trước Vũng Tàu, hàng trăm ghe cá vừa cập bến xuất cá và sẵn sàng ra khơi. Ông Trần Văn Ơn, chủ ghe số hiệu 5792-VT cho biết: Từ đầu năm đến giờ ông đã đi 7 chuyến ra vùng biển Trường Sa đánh bắt hải sản. Lần nào cũng gặp tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta.

Ngay cả khi ghe của ông chạy về đất liền khu vực thềm lục địa DK1 cũng gặp tàu cá hoặc tàu nghiên cứu biển của Trung Quốc. “Trung Quốc không có quyền gì cấm ngư dân Việt Nam khai thác trên biển của mình. Ngư dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn cứ đi biển làm ăn. Biển của ta, ta khai thác giữ gìn. Tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam là vi phạm Luật Biển và Công ước quốc tế. Chúng tôi là ngư dân làm ăn lương thiện, rất mong được bảo vệ chính đáng”.


Bám biển, giữ ngư trường

Hải quân sẵn sàng bảo vệ ngư dân

Trung tá Vũ Viết Lịch, Trưởng ban Dân vận tuyên truyền đặc biệt Vùng 2 Hải quân cho biết: “Trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc luôn có các lực lượng bộ đội hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình. Chúng tôi xác định bảo vệ ngư dân làm ăn trên biển không tách rời nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Lúc nào tàu hải quân cũng bên cạnh ngư dân, sẵn sàng bảo vệ, ứng cứu, giúp đỡ ngư dân”.

Nói về vụ tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 02 khi đang thăm dò địa chấn trên thềm lục địa của Việt Nam sáng 26.5, thiếu tá Trang Hải Âu, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/2 bãi cạn Phúc Tần, người theo dõi thông tin và có nhiều năm liên tục làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1, cho biết: “Thời gian gần đây phía Trung Quốc nhiều lần cho tàu nghiên cứu biển, tàu thăm dò giả dạng ghe cá xuống quấy nhiễu nhiều lần trên vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, đặc biệt vụ tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 ngày 26.5, ba tàu quân sự của Trung Quốc nổ súng bắn liên tiếp vào bốn ghe cá của ngư dân Phú Yên chiều tối 31.5 là hành động không thể chấp nhận được.

Hành động ngang ngược ấy đã vi phạm Luật Biển, trái với Công ước quốc tế. Tôi nghĩ, ngư dân Việt Nam không sợ gì cả, cứ ra khơi đánh cá bình thường, bởi vùng biển của ta, ta có quyền khai thác, giữ gìn và bảo vệ. Đối với chiến sĩ nhà giàn DK1, bảo vệ ngư dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh. Ngoài nhiệm vụ chốt giữ, canh gác, bảo vệ vùng biển, vùng trời thềm lục địa của Tổ quốc, chúng tôi luôn xác định trong bất cứ tình huống nào cũng bảo vệ ngư dân”.


MỘT SỐ VỤ TÀU TRUNG QUỐC QUẤY NHIỄU GẦN ĐÂY

* Tàu nghiên cứu biển Xương-Zang-Hong đã nhiều lần ngang nhiên xuống vùng biển thềm lục địa của Việt Nam, và tự tiện thăm dò khảo sát tại đây, nhất là ở vùng biển có các nhà giàn DK1.

*Đầu tháng 3. 2011, Philippines triển khai 2 máy bay chiến đấu để bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của nước mình thì bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu ở khu vực tàu Philippines hoạt động rồi bỏ đi. Chính phủ Philippines đã yêu cầu Chính phủ Trung Quốc giải thích về việc này.

* Sáng 26.5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi 200 hải lý thềm lục địa của Việt nam, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam đã bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Vị trí 3 tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách Mũi Đại Lãnh tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

* Tối 31.5, bốn tàu cá của ngư dân phường 6 thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) bị ba tàu của Trung Quốc bao vây và dùng súng AK bắn liên tiếp vào tàu cá của ta. Trần Mạnh Tuấn (tổng hợp)

Trần Mạnh Tuấn

Theo baovanhoa.com.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc