Home » Xã hội » Những “kỹ nghệ” móc túi khó tin ở xe buýt TPHCM
Sau một thời gian yên ắng, nạn móc túi trên xe buýt lại bắt đầu rầm rộ trở lại ở các bến xe buýt quanh khu vực Suối Tiên, đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, kéo dài đến ngã ba Vũng Tàu (tỉnh Đồng Nai).

 

“Kỹ nghệ” hành nghề hai ngón

Trưa một cuối tuần giữa tháng 5.2013, chúng tôi có mặt tại trạm dừng xe buýt trước cổng Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9, TP.HCM). Lúc này có tới 5 chiếc xe buýt đang đậu chờ khách. Ở phía dưới chân cầu bộ hành gần đó, một người đàn ông 40 tuổi, đội mũ lưỡi trai cụp mặt, mặc áo màu nâu rộng thùng thình lúc nào cũng một tay cho vào túi quần, tay còn lại cầm tờ báo cũ rồi đi lượn lờ trước cửa lên xuống những chiếc xe buýt đang chuẩn bị lăn bánh.

 
Hình ảnh quy trình móc túi của một đối tượng.

Một lúc sau, có một thanh niên mặt “cô hồn” đi bộ tới chỗ người đàn ông, họ nói với nhau vài câu ngắn rồi nhanh chóng cùng bước lên xe buýt số 12 chạy xuống Trảng Bom (Đồng Nai). Vừa lên xe, gã đội mũ không ngồi xuống nghề mà thường xuyên nhường cho người khác.

Lúc này cả hai chuyển dần dần từ dưới lên đến gần trên đầu xe. Khi lân la gần đến giữa, gã ngoài 40 tuổi phát hiện một cô gái trẻ mặc chiếc quần bó đang đứng dựa vào ghế để lòi ra chiếc điện thoại di động hiệu Samsung. Xác định “mục tiêu”, gã đưa mắt nhìn đồng bọn đứng phía dưới. Gã thanh niên liền nhoai dần người lên đứng sát ngay phía sau “con mồi”. Sau những lần đảo mắt, gã đàn ông trung niên liền luồn tay qua đồng bọn móc chiếc điện thoại, còn tay kia hắn cầm tờ báo che bên cạnh để tránh những người ngồi để ý.

Vì chiếc quần của cô gái là loại vải thun bó mỏng, chiếc điện thoại Samsung lớn nên khi đối tượng thò tay móc thì nạn nhân như cảm nhân được điều khác lạ nên đã đưa tay giữ lại. Giật mình vì bị phản ứng, gã móc túi giật nhanh tay lại và giả vờ đứng ngả nghiêng như người bị say xe. Cô gái trẻ thấy chiếc điện thoại của mình bị lòi ra một nửa nên vội móc hẳn ra rồi cầm vào tay. Biết hụt mất “con mồi”, 2 gã đàn ông nhìn nhau nhíu mày vẻ tiếc nuối. Xe đi đến gần khu vực ngã ba Vũng Tàu, cả hai xin xuống.

Tại trạm dừng xe buýt gần cầu vượt Bình Phước (quận Thủ Đức), có cặp nam nữ chỉ ngoài đôi mươi cũng thường xuyên có mặt ở đây để hành nghề “hai ngón”. Cặp đôi này thường xuyên “ăn hàng” trên các xe số 19 trạm cuối Suối Tiên và xe buýt liên tỉnh số 601 chạy về TP.Biên Hòa. Trong những ngày cao điểm như nghỉ lễ, Chủ nhật có tới 5-6 đối tượng cùng là đồng bọn của cặp đôi này và chúng hoạt động từ sáng đến tối. Đặc điểm chung của các đối tượng nam là mang áo khoác hoặc những tờ báo trên tay để ngụy trang; phụ nữ thường đội mũ rộng vành, mang khẩu trang kín và có những túi xách.

Bọn chúng thường dùng chiêu “phân tâm” đánh lạc hướng “con mồi”. Đó là lúc hành khách bắt đầu bước lên cửa xe buýt thì ngay lập tức khoảng 3 – 4 đối tượng trong nhóm sẽ ép sát giả bộ vội vã đùn đẩy để hành khách không để ý. Lúc này sẽ có một phụ nữ đứng phía sau nhanh tay móc điện thoại hoặc ví tiền của nạn nhân rồi đút ngay vào túi xách trên tay. Khi thực hiện thành công thì kẻ móc túi sẽ nói: “Xe đông quá, thôi chờ chuyến sau”, hoặc “lộn xe rồi” để rút lui. Sau đó lẩn ra chỗ khác nhắn tin cho đồng bọn đến trạm sau nhanh chóng xuống xe để tránh bị nghi ngờ.

Lộng hành trắng trợn

Nói về tình trạng móc túi trên các tuyến xe buýt, bạn đọc báo Dòng Đời cho biết vào sáng ngày 8/5, nhiều sinh viên đã chứng kiến cảnh 2 tên móc túi rồi “hóa” thành cướp có vũ khí ngay trên xe buýt. Quá sợ hãi, kể cả nạn nhân cũng như những người có mặt trên xe đã không dám la lên và đành ngậm ngùi để mất ví tiền vào tay bọn móc túi và chúng ung dung bỏ đi.

 
Hai gã móc túi trên tuyến xe buýt số 8.

Theo các sinh viên chứng kiến sự việc, vào khoảng 6 giờ 40, khi vừa bước lên cửa xe buýt số 8 ở trạm ngã ba Nhà thờ trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Lê Dung (nữ sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã bị hai tên móc túi cho vào “tầm ngắm” để thực hiện hành vi của mình. Khi Dung vừa trả tiền xe buýt xong, đi về phía cuối xe tìm chỗ ngồi. Cô gái đang loay hoay thì bất ngờ hai đối tượng này liền ép sát, một tên móc điện thoại để trong túi quần, còn tên kia thì móc ví tiền ở trong ba lô của cô.

Vì bất ngờ với hai tên trộm “hóa” cướp này, Dung đã nhanh tay giật lại được chiếc điện thoại và khi cô định truy hô thì ngay lập tức một tên mặt mày bậm trợn, tay xăm trổ đã đưa chiếc dao lam lên trước mặt vẻ đe dọa: “Khuôn mặt cô bé xinh như thế kia mà bị mấy vết sẹo thì sẽ như thế nào nhỉ?”. Quá sợ hãi, nữ sinh này đã không dám la lên và dần buông tay để hắn nhẹ nhàng cầm chiếc ví trong đó có khoảng 500 ngàn đồng và toàn bộ giấy tờ tùy thân. Có rất nhiều người trên xe chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng do thấy hai kẻ móc túi thủ sẵn dao ở dưới áo khoác nên không ai dám lên tiếng.

Nhiều nạn nhân phản ánh, trước đó không lâu tại trạm dừng chợ Bà Chiểu (quốc lộ 13, đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cũng xảy ra một vụ cướp táo tợn của nhóm móc túi. Như trường hợp của một nam sinh viên trường Đại học Luật – kinh tế (TP.HCM) đeo ba lô sau lưng vừa lên xe, không có chỗ ngồi nên phải đứng, lập tức hai kẻ móc túi đã len lỏi từ phía sau tiến lên gần “con mồi”. Ngay sau đó một tên đưa chiếc dao lam được kẹp giữa hai ngón tay qua lại trước mặt “con mồi”, còn tên kia thì “ung dung” kéo dây khóa ba lô, lục soát và móc lấy ví tiền. Quá sợ hãi, bạn sinh viên kia chẳng dám hé môi. Vậy là bọn chúng thản nhiên lấy đi cái ví tiền rồi di chuyển ra cửa sau rồi lên tiếng yêu cầu tài xế dừng lại để cho xuống xe nhằm kiếm “con mồi” khác.

Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp bị bọn chúng dàn cảnh để trộm, cướp. Tại trạm dừng gần cầu vượt Sóng Thần bất ngờ có một nhóm người trên xe ùa ra từ nhiều phía, kiếm chuyện cãi vã nhau gây nên cảnh chen lấn, hỗn loạn ở phần cửa sau xe. Lợi dụng thời cơ, một tên trong số bọn chúng đã giật ngay chiếc iPhone của một bạn sinh viên. Việc dàn cảnh để giật đồ này vẫn liên tiếp diễn ra trên nhiều tuyến xe buýt. Do nắm được tâm lý sợ bọn chúng làm liều, sợ bị trả thù… cho nên càng ngày, những tên móc túi chuyên nghiệp này càng lộng hành. Trong khi đó, nạn nhân của bọn chúng đa phần là sinh viên chân yếu tay mềm, một thân một mình thì làm sao có thể dám phản kháng hay chống cự lại.

Ông Trần Chánh Trung, đội trưởng Đội kiểm tra trật tự thuộc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết đã nghe hành khách phản ảnh bị móc túi, mất đồ và có nhiều đối tượng móc túi hoạt động trắng trợn, manh động. Trung tâm phối hợp với cơ quan chức năng bắt nhiều đối tượng móc túi. Tuy nhiên cách hiệu quả nhất là hành khách phải cẩn thận tự bảo vệ tư trang. Trung tâm cũng đã dán giấy cảnh báo trên xe, phát loa ở một số trạm xe buýt để nhắc nhở hành khách.

Theo nhiều tài xế của những tuyến “nóng” về tình trạng móc túi, cướp giật cho biết, nhiều khi “quen” mặt các đối tượng trong nhóm móc túi nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Nhiều lúc tài xế lên tiếng cảnh báo cho khách về việc móc túi thì bọn chúng chửi bới, dọa “xử” nếu tiếp tục có hành động cản trở bọn chúng “làm ăn”.

Theo Dòng Đời
Chuyên đề: ,

2 ý kiến dành cho “Những “kỹ nghệ” móc túi khó tin ở xe buýt TPHCM”

  1. choitay 26/05/2013

    thưa Ông Trần Chánh Trung, đội trưởng Đội kiểm tra trật tự thuộc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM
    theo như ông nói cách hiệu quả nhất là hành khách phải cẩn thận tự bảo vệ tư trang là tố nhất,nếu chúng tôi tự bảo vệ khi chúng có hung khí trong người thì đâu cần cớ quan chức năng can thiệp
    nếu trường hợp ông bị chúng chỉa súng vào đầu thì ông tư bảo vệ được không

    Reply
  2. Tung 27/05/2013

    “cách hiệu quả nhất là hành khách phải cẩn thận tự bảo vệ tư trang” vậy thì “Đội kiểm tra trật tự” và các cơ quan an ninh khác làm công việc gì nhỉ? Vô trách nhiệm.

    Reply

Ý kiến bạn đọc