Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Người đặt nền móng giúp Nhật Bản trở thành cường quốc thế giới

Shibusawa Eiichi sinh năm 1840 được xem là thủy tổ của nền công nghiệp tư bản Nhật Bản, và là một trong 12 người sáng lập nước Nhật, ông là người đặt nền móng đầu tiên vào thời Minh Trị giúp Nhật Bản phát triển vượt bậc thành cường quốc thế giới, đánh bại cả cường quốc châu Âu bấy giờ là nước Nga.

Xuất thân

Xuất thân từ một gia đình phú nông, làm nghề nuôi tằm, từ nhỏ Shibusawa đã là đứa trẻ thông minh và ham học. Năm lên 7 tuổi đã học lịch sử cùng kinh điển Nho gia và các sách của Khổng Tử.

Đến tuổi đôi mươi Shibusawa đến Edo (nay là Tokyo) theo học với nhà Nho nổi tiếng Kaiho Gyoson và võ sư Chiba Michisaburo – người điều hành học viện kiếm đạo (kendo)

Năm 24 tuổi ông được tướng quân Tokugawa Yoshinobu của dòng họ mạc chúa  Tokugawa tuyển vào cung để dạy học cho công tử.

Sau công tử của tướng quân được gửi sang Pháp du học và Shibusawa cũng được gửi theo để dạy kèm. Là người am hiểu Nho gia cùng văn hóa phương Đông, nay sang châu Âu Shibusawa khám phá và học hỏi được nhiều đều từ văn minh phương Tây; ông quan tâm đến tổ chức của công ty cũng như hoạt động của ngân hàng. Ông nghiên cứu nhiều vấn đề và ghi chép rất cẩn thận.

Thế nhưng năm 1868 chính quyền Mạc Phủ sụp đổ, Thiên Hoàng lên nắm quyền. Shibusawa phải trở về nước, ông cùng gia đình Tokugawa lui về sống ở Shizuoka.

Là một người tài năng lại học hỏi được rất nhiều, Shibusawa nghĩ cách truyền bá kiến thức của mình nhằm cải biến xã hội. Lúc này Thiên Hoàng thực hiện Minh Trị và ra chính sách thay đổi cải cách cả về quân sự, xã hội, chính trị và kinh tế, quyết đưa Nhật Bản trở thành cường quốc công nghiệp, Nhật Bản bắt đầu học hỏi các nước phương Tây nhen nhóm phát triển tư bản, mà Shibusawa lại học được điều này rất nhiều khi ở châu Âu.

Tuy nhiên Shibusawa là người của Mạc Phủ thuộc chế độ cũ nên ít được chính quyền mới để ý tới, ông liền mở Sở giảng dạy thương pháp (tức luật về thương mại) nhằm giúp các doanh nhân cách xây dựng tổ chức một công ty hiện đại. Năm 1869 Shibusawa thành lập công ty cổ phần đầu tiên ở Nhật Bản.

Ảnh từ naraujapan.com

Ảnh từ naraujapan.com

Thủy tổ nền tư bản Nhật Bản

Lúc này chính quyền Minh Trị còn rất mơ hồ về tài chính ngân hàng và phải cho người sang phương tây học, cũng đúng lúc này tin tức về một người là Shibusawa thuộc chính quyền Mạc Phủ từng học ở châu Âu và đang mở Sở giảng chạy cho các doanh nhân mới. Chính quyền liền mời ông đến đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong bộ Tài Chính.

Từ đây Shibusawa thi thố tài năng của mình, đặt nền móng vững chắc cho sự thành công của thời kỳ Minh Trị, đưa Nhật Bản trở thành cường quốc hùng mạnh của thế giới.

Giai đoạn đầu ở bộ Tài Chính Shibusawa hoàn thiện nền tảng pháp lý cho nền tài chính cùng hệ thống các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đại.

Năm 1871 ông tham gia đổi đơn vị tiền Nhật Bản từ “lượng” thành Yên tức là đồng Yên Nhật ngày nay.

Năm 1872 ông thiết lâp được hệ thống ngân hàng hiện đại, trở thành ngân hàng kiểu mẫu cho các ngân hàng sau này học tập.

Tuy nhiên sau đó ông có mâu thuẫn với quan chức cấp cao lúc đó là Shigenobu về việc phân chia ngân sách, ông quyết định xin nghỉ ở bộ Tài Chính và làm chủ tịch ngân hàng đầu tiên của Nhật Bản là Ngân hàng Quốc gia Đệ nhất, sau này đổi tên thành ngân hàng Mizuho.

Thời gian này Shibusawa tận sức giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân, trong suốt cuộc đời ông đã giúp 500 doanh nghiệp tư nhân vận hành ổn định đem lại lợi ích to lớn cho Nhật Bản.

Thành công nhờ áp dụng tư tưởng của Nho gia – lấy Đức làm trung tâm

Lúc này tên tuổi của Shibusawa đã nổi tiếng khắp nước Nhật, với những đóng góp to lớn của mình Shibusawa được xem là thủy tổ cho nền tư bản của nước Nhật. Càng thành công ông lại càng thấy rõ mối liên hệ không thể tách rời giữa đạo đức và kinh doanh.

Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị, du nhập khoa học kỹ thuật của phương tây, đương nhiên cũng bị ảnh hưởng rất nhiều văn hóa phương tây, văn hóa truyền thống dần bị xem là cứng nhắc. Thế nhưng Shibusawa vẫn duy trì văn hóa truyền thống, nền tảng Nho gia vẫn được duy trì. Ông dùng chính học thuyết Nho gia của Khổng Tử để phát triển kinh tế và thành công rực rỡ, nhờ đó người Nhật vào giai đoạn du nhập lý thuyết phương Tây nhưng vẫn duy trì được văn hóa truyền thống của mình.

“Luân ngữ” của Khổng Tử được Shibusawa và áp dụng hết sức thành công vào nền kinh tế Nhật Bản. Chương 2 của “Luận ngữ” là “vi chính” Khổng Tử đã viết như sau: “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh cộng chi” (Cầm quyền phải giữ chữ Đức, giống như sao Bắc Đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh).”

Shibusawa nói rõ rằng ý của Khổng Tử là việc trị quốc cần trọng Đức, Đức như sao bắc đẩu luôn ở giữa, các ngôi sao khác đều xoay quanh bắc đẩu, ý rằng cần lấy đức làm trọng tâm, điều này là bất biến, làm gì cứ lấy đức làm trung tâm rồi viên dung theo mà triển khai. Các nhà lý luận vô thần học ngày nay vì phục vụ cho mục đích chính trị mà đã bẻ cong nghĩa câu này, để dân chúng không tin vào Nho giáo nữa.

Shibusawa đã viết trong sách của mình rằng: “Thi hành chính trị phải luôn đặt đạo đức ở vị trí trung tâm, nghĩa là sao? Lấy một ví dụ là sao Bắc Đẩu, sao Bắc Đẩu thường ở một vị trí cố định, bất biến bất động, các ngôi sao trên bầu trời đều lấy sao Bắc Đẩu làm trung tâm mà chuyển động quanh nó”

Ông cũng nhấn mạnh và mở rộng thêm rằng: “Xem ra chính trị không chỉ giới hạn ở quốc gia, mà việc kinh doanh của một xã hội (công ty), việc quản lý một trường học, việc duy trì một gia đình cũng đều là chính trị”.

Shibusawa hết sức thành công khi ứng dụng “Luận ngữ” của Khổng tử giúp nước Nhật hùng mạnh, đánh bại cả đế quốc Nga và vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Việc kiên trì áp dụng tư tưởng của Nho gia giúp người Nhật không bị cuốn theo trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, giữ gìn được bản sắc của người Nhật.

Sách “Luận ngữ và bàn tính” đã được dịch sang tiếng Việt. (Ảnh từ báo “Sinh Viên Việt Nam”)

Sách “Luận ngữ và bàn tính” đã được dịch sang tiếng Việt. (Ảnh từ báo “Sinh Viên Việt Nam”)

Shibusawa đưa kinh nghiệm thực tiễn của mình viết cuốn sách “Luận ngữ và bàn tính”, và đến nay vẫn là cuốn sách được xem là kinh điểm và được nhiều người yêu thích tìm hiểu, nhiều nhà tư bản lớn của Nhật Bản thành công nhờ áp dụng cuốn sách này. Sách đã được dịch sang tiếng Việt và được một số người yêu thích văn hóa Nhật đọc và đánh giá rất cao.

Năm 2019 Nhật Bản tuyên bố sẽ thay đổi thiết kế tiền giấy đang lưu hành, tiền có mệnh giá cao nhất 10.000 Yên sẽ có in hình Shibusawa Eiichi, không chỉ là để ghi nhận công lao mà còn để người Nhật luôn ghi nhớ lời dạy của ông – lấy Đức làm trung tâm.

Shibusawa Eiichi

Đồng Yên Nhật sẽ có hình của Shibusawa Eiichi. (Ảnh từ naraujapan.com)

Tư tưởng trọng Đức ảnh hưởng đến nước Nhật ngày nay

Được xem là một trong 12 người khai sáng nước Nhật, đương nhiên tư tưởng trị quốc của Shibusawa ảnh hưởng đến nước Nhật đến tận ngày nay.

Ngày nay giáo dục của Nhật Bản cũng xoay quanh chữ Đức với tiêu chí “con người = đạo đức”, nền giáo dục vận hành theo nguyên lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”.

Người Việt hay các du khách đến Nhật Bản có thể thấy có những khu phố nhiều hoa, cây ăn trái trĩu quả, nhưng không có người Nhật nào nghĩ dế việc hái nó cả.

Shibusawa Eiichi

Tượng Shibusawa Eiichi. (Ảnh từ naraujapan.com)

Năm 2011 Nhật Bản bị động đất và sóng thần tàn phá, nhưng những tin tức và hình ảnh người ta nhìn thấy được là từng đoàn người xếp thành hàng dài nhận lương thực và nhu yếu phẩm cứu đói, không hề có cảnh mật trật tự hay hôi của. Trong hoàn cảnh mất mát nhà cửa và lạc mất người thân, người Nhật dường như đã nuốt nước mắt vào trong, sẵn lòng nhường lại phần lương thực ít ỏi của mình cho trẻ em, người già hay những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Nhiều câu chuyện kể lại của những người thoát chết cho thấy, trong cơn hoạn nạn nhiều người đã nhường lại sự sống của mình cho người khác.

Tất cả những điều đó có được là được từ sự phát triển kinh tế trên nền tảng đạo đức, lấy Đức làm trung tâm như sao bắc đẩu, tất cả những việc khác đều phải viên dung theo Đức mà làm.

Đó cũng chính là lời dạy của Shibusawa, thủy tổ của nền kinh tế tư bản Nhật Bản; ông không chỉ là người đặt nền móng đầu tiên cho nền kinh tế Nhật Bản, mà còn giúp người Nhật phát triển bền vững với nền tảng trung tâm là trọng Đức.

Trần Hưng

Theo trithucvn.org

Bài liên quan:

>> Điều gì tạo nên kỳ tích Nhật Bản

 


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc