Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Thủ tục hành chính “hành” người dân và doanh nghiệp đến mức nào
Vấn nạn thủ tục hành chính sau một thời gian dài cải tiến đã có những dấu hiệu thay đổi tích cực, nhưng vẫn có những lời ca thán của doanh nghiệp và người dân.

Báo Tuổi trẻ vừa có bài ‘vòi vĩnh ở sân bay quốc tế’ nêu vấn đề nhiều hành khách than phiền bị vòi vĩnh, hạch sách khi làm thủ tục xuất nhập cảnh ở sân bay quốc tế. Và phải tới khi chi tiền mới được tha.

Nhiều hành khách xuất cảnh than phiền hay bị đòi hỏi xuất trình hóa đơn một cách vô lý các hàng hóa mang theo, mà hàng toàn mua ở Việt Nam. Điển hình như có hành khách đi Singapore bị giữ lại yêu cầu xuất trình hóa đơn cho mấy “đôi guốc gỗ” được mua trong nước, và cuối cùng hành khách phải bỏ lại “đôi guốc gỗ” mới được cho đi.

Ông Trần Đức Minh – phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho Báo Tuổi Trẻ biết: “Tất cả hàng hóa sản xuất trong nước được hành khách mang ra khỏi Việt Nam đều không buộc phải kê khai, đóng thuế”.Ông Minh cũng cho biết sẽ kiểm tra lại quy trình và chấn chỉnh lại việc này.

Những lĩnh vực nào được xem là hành các doanh nghiệp và người dân nhất?

Tài nguyên Môi trường (đất đai) đứng đầu về “hành” doanh nghiệp

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì lĩnh vực tài nguyên môi trường đứng đầu về việc gây phiền hà khi Doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính (chiếm 27%), nhất là thủ tục về đất đai (chiếm 21%).

Đa phần doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn lớn khi làm các thủ tục mở rộng cơ sở kinh doanh, thuê hay mua đất đai; Quy hoạch đất đai và giải phóng mặt bằng.

Trong vô vàn thủ tục đầu tư, bị đánh giá là phức tạp, khó hiểu nhất là thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Dự án nào may mắn thì cũng phải đợi 150 ngày, thực tế hầu như khôn có doanh nghiệp nào được may mắn ấy. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp phải “chạy” 17 thủ tục hành chính với thời gian khoảng 155 ngày để hoàn thành thủ tục đầu tư. Riêng với trường hợp đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp phải hoàn thành 34 thủ tục trong khoảng thời gian chờ đợi là 580 ngày.

Tại hội nghị “đối thoại doanh nghiệp 2014 về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp VCCI tổ chức vào tháng 6/2014, trưởng ban pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết: “Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là phiền hà nhất so với các loại thủ tục hành chính khác như: thuế, xây dựng, hải quan… Trong đó, các doanh nghiệp cho rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận: “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường cho dù đã được cải cách, nhưng còn nhiều hạn chế, so với yêu cầu còn khoảng cách khá xa….,vẫn gây tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, là mảnh đất nảy sinh tình trạng quan liêu, tham nhũng”.

Thuế – “cơn ác mộng” của doanh nghiệp

Xếp hàng quyết toán thuế. Ảnh xaluan

Xếp hàng quyết toán thuế. Ảnh xaluan

Hầu như doanh nghiệp nào cũng sợ thuế, ngay cả doanh nghiệp làm ăn chân chính nhất cũng đều cùng chung suy nghĩ ấy. Nhìn chung các doanh nghiệp đều cùng nhận định hồ sơ thủ tục ngành thuế rất rườm rà gây mất thời gian cho doanh nghiệp.

Theo số liệu khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm. Trong đó, Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ. Còn tại Việt Nam, năm 2013, doanh nghiệp phải mất tới 876 giờ (36,5 ngày/năm) để thực hiện các thủ tục về thuế.

Theo số liệu thống kê mới nhất thì cả nước có 493.000 doanh nghiệp đang hoạt động, như vậy thời gian mất cho việc làm thủ tục thuế của số doanh nghiệp này là  431.868.000   giờ (tức 18 triệu ngày)

Các doanh nghiệp cũng nhìn nhận rằng con số 876 giờ vẫn chưa chính xác vì chưa tính hết thời gian đi lại, cùng nhiều thủ tục nhiêu khê rườm rà phát sinh khác nữa.

Sao y chứng thực hành người dân nhất

Một chuyện tưởng chừng đơn giản như sao y chứng thực, nhưng chính sự làm việc thiếu trách nhiệm và rườm rà không cần thiết dẫn đến gây phiền hà và mất thời gian cho người dân.

Theo con số thống kê được từ Bộ Tư pháp thì một năm cả nước có đến 100 triệu bản sao y được chứng thực, và với kiểu làm việc quan liêu như ở Việt Nam thì 100 triệu bản công chứng trong năm đấy không biết là gây bao nhiêu phiền hà và lãng phí thời gian cho người dân lẫn doanh nghiệp.

Rất nhiều việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nhiều cán bộ, công chức yêu cầu người dân khi nộp giấy tờ là đều vừa phải có bản sao công chứng, rồi vừa phải xuất trình cả bản gốc để đối chiếu, cán bộ địa phương còn cố làm khó để ‘vòi vĩnh’ gây phiền hà cho người dân.

Trong 100 triệu bản sao y chứng thực đấy thì có bao nhiêu bản không cần thiết, mà chỉ tìm cách làm khó người dân để vòi vĩnh? Nếu làm rõ ra được thì con số ấy chắc chắn không hề nhỏ.

Thủ tục khám chữa bệnh hành bệnh nhân

Một bệnh nhân là bà T cho Báo Một Thế Giới biết: Bà bị bệnh tim mạch, thường xuyên đến Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM, bà dùng thẻ bảo hiểm y tế còn 1 tháng nữa thì hết hạn. Lúc đăng ký khám bệnh viện bắt bà đóng 100.000 đồng, bà hỏi lại thì được biết đây là tiền thu tạm ứng khám, chữa bệnh.

“Tui không phải sợ tốn hay sợ mất 100.000 đồng, mà thấy cách làm này gây phiền hà cho người bệnh, tốn thêm thời gian phải ghi phiếu tạm ứng, chờ đóng tiền tạm ứng, rồi sau đó chờ nhận lại tiền tạm ứng. Làm như vậy, mất thời gian của bệnh nhân, chẳng bệnh viện nào làm kiểu này cả. Làm sao gọi cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân, hạn chế tình trạng quá tải?…”. bà T. tỏ ra khó chịu.

benh vien hanh dan

Một quy định tạm ứng tiền khám bệnh đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế đã gây ra sự bức xúc cho bệnh nhân. Ảnh motthegioi

Khi đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, phát hiện bệnh viện bắt bệnh nhân phải photo thẻ bảo hiểm y tế và giấy chuyển viện, điều này không đúng với  Quyết  định 1313 của Bộ Y tế. Khi được hỏi thì bác sỹ trả lời việc bắt bệnh nhân photo là điều đương nhiên.

Bác sỹ ở đây còn kể lể thẻ bảo hiểm y tế gây mất thời gian cho các bác sỹ và điều dưỡng.

Đã có nhiều chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính rườm rà, và có những kết quả bước đầu đạt được. Nhưng một chính sách thoạt nhìn là tốt, mà lại được vận hành bởi một bộ máy quan liêu cồng kềnh, vốn đã quen làm khó khăn cho người dân, thì cũng không thu được kết quả tốt. Bởi vì một khi các cán bộ, công chức muốn nghĩ ra các thủ tục để hành dân và doanh nghiệp nhằm ‘vòi vĩnh’ thì một chính sách dù tốt cũng không thu được hiệu quả.

Nhiều cán bộ, công chức tìm cách kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ nhằm ‘vòi vĩnh’ người dân cũng như doanh nghiệp. Để giải quyết nhanh công việc các doanh nghiệp có một loại chi phí gọi là “phí bôi trơn”, hay “phí không chính thức”. Khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi tin rằng chi phí không chính thức khá tốn kém. Tuy nhiên, hơn 50% cho rằng lợi ích từ chi phí không chính thức lớn hơn so với chi phí bỏ ra. Gần 63% số doanh nghiệp trả lời tin rằng chi phí không chính thức “tạo ra cơ chế ngầm giải quyết được công việc một cách nhanh chóng”, và hơn 53% cho rằng nó khiến cán bộ tích cực thực hiện công việc. Vì thế, đứng từ cách nhìn ngắn hạn của doanh nghiệp, trả chi phí không chính thức mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp so với việc không trả chi phí.

Vậy để có được một  thủ tục hành chính đơn giản mà hiệu quả không chỉ cần có chính sách tốt, mà quan trọng hơn là cần phải thay đổi cả một bộ máy quan liêu từ trung ương đến địa phương.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc