Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Thị trường chứng khoán có thể quyết định số phận của ĐCS Trung Quốc
Một trận chiến sống còn đối với di sản và tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán nước này, khi chính quyền cố gắng nâng đỡ cho điểm sáng cuối cùng của nền kinh tế Trung Quốc.
Một nhà đầu tư quan sát thị trường chứng khoán vào ngày 7/7/2015 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh: ChinaFotoPress/ Getty Images)

Một nhà đầu tư quan sát thị trường chứng khoán vào ngày 7/7/2015 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh: ChinaFotoPress/ Getty Images)

Sau một đợt phục hồi lớn trên thị trường trong 12 tháng qua, hiện Trung Quốc đang lâm vào đợt bán tháo cổ phiếu tồi tệ nhất thế giới trong nhiều năm. Giá cổ phiếu lại lao dốc từ ngày 29/6, dù chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp mới nhằm nỗ lực chặn đứng đà sụt giảm.

Chỉ số sàn chứng khoán Shanghai Composite đã giảm 5,8% vào ngày thứ 6, 3/7 và giảm 12,1% trong cả tuần qua. Chỉ số này đã giảm đến 32% so với đỉnh cao gần đây vào ngày 12/6, bốc hơi hơn 2,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa. Chỉ số của sàn chứng khoán nhỏ hơn là Shenzhen Composite đã sụt giảm 16,2% trong tuần qua, trong khi đó chỉ số ChiNext của các doanh nghiệp mới khởi nghiệp thì giảm 10,8%. Cả 2 sàn chứng khoán này đã giảm hơn 1/3 giá trị so với đỉnh điểm tháng trước.

Nhìn vào sự sụp đổ của thị trường Trung Quốc, dễ thấy rằng bong bóng bị nổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Về cơ bản, điều này là thảm kịch.
Xét đến vai trò kiểm soát thị trường tài chính của nhà nước Trung Quốc, nếu toàn bộ thị trường chứng khoán sụp đổ thì đây là một thất bại thê thảm của ĐCSTQ. Các cơ quan điều hành thị trường và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nhóm họp vào cuối tuần trước, từ ngày 4/7 nhằm đưa ra các kế hoạch giải cứu thị trường, bao gồm dừng tất cả các đợt IPO và cung cấp nguồn quỹ không giới hạn cho công ty tài chính do nhà nước chi phối, Tổng công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc.

Bước vào năm 2015, Bắc Kinh đã phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ gần đây. Hoạt động sản xuất chậm lại và ngành xây dựng từng bùng nổ lại đang trầm lắng, gây ra tình trạng thất nghiệp của hàng triệu công nhân di cư.

Chính quyền Trung Quốc coi thị trường chứng khoán tăng trưởng như là chiếc phao cứu sinh. Một thị trường chứng khoán tăng trưởng từ từ, ổn định sẽ thúc đẩy nền kinh tế tiến lên. Giá cổ phiếu hồi phục có thể làm giảm bớt tình trạng tài chính khó khăn của các công ty và cho phép các chính quyền địa phương và ngân hàng đổ đầy lại két bạc của họ. Đồng thời nó cũng làm giàu cho các nhà đầu tư và đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề thất nghiệp, những yếu tố góp phần củng cố ổn định xã hội.

Trung Quốc tiến hành nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Họ cũng thực hiện điều mà họ từng làm rất giỏi: Bắc Kinh chỉ đạo các kênh truyền thông nhà nước tuyên truyền khuyến khích đầu tư. Năm 2014, Tân Hoa Xã và công cụ phát ngôn của Đảng, Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), đã đăng các bài bình luận thường xuyên khuyến khích người dân ở đất nước đông dân nhất thế giới này mua thêm chứng khoán. Trong một bài báo từ ngày 31/8/2014, Tân Hoa Xã viết: “Phát triển kinh tế và xã hội sẽ mang lại niềm tin quý giá và sự ủng hộ mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán”.

Và dân chúng Trung Quốc đã làm theo đúng những lời tuyên truyền đó. Tiền chảy vào từ các thị trường bất động sản. Số lượng tài khoản môi giới mới mở trong 4 tháng đầu năm 2015 nhiều hơn cả năm 2012 và 2013 gộp lại. Giá trị giao dịch hàng ngày hay tổng giá trị cổ phiếu mua bán trao tay tại Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải ngày 28/11/2014 lần đầu tiên trong 4 năm vượt quá 200 tỷ nhân dân tệ (33 tỷ USD). Con số đó được thổi lên đến 1.000 tỷ nhân dân tệ (161 tỷ USD) vào cuối tháng 4/2015.

Từ ngày 1/8/2014 đến 12/6/2015, chỉ số Shanghai Composite đã tăng hơn gấp đôi, đạt mức 136%.

Phần lớn các nhà đầu tư mới ở Trung Quốc là những người tiêu dùng có rất ít kinh nghiệm tài chính. Nhiều người tham gia vào thị trường vì theo mốt, vì bạn bè của họ đều chơi chứng khoán, và bởi vì truyền thông và chính phủ tuyên truyền nhiều. Những người khác, đánh hơi thấy cơ hội kiếm lời, đã dùng đòn bẩy tài chính bằng cách vay tiền từ các công ty môi giới để mua thêm cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán tăng nhanh không xuất phát từ những yếu tố nền tảng, và cổ phiếu Trung Quốc bị thổi giá cao nhất trên thế giới. Ngày 24/6, Shanghai Composite có tỷ lệ giá/lợi nhuận (P/E), một chỉ số đo mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận trong quá khứ, ở mức khoảng 20 lần.

Các biện pháp tuyệt vọng

Trong khi thị trường chứng khoán quay đầu tụt dốc hai tuần qua, cũng chính những cơ chế mà chính quyền Trung Quốc dùng để thúc đẩy thị trường trước kia đã thất bại.

Ngày 27/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm các tỷ lệ lãi suất tiêu chuẩn. Sau khi các biện pháp đó không có mấy tác dụng tăng cảm hứng, ngày 1/7, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã loại bỏ các hạn chế giao dịch đòn bẩy – đây là các công cụ mà trước họ đã dùng để hạn chế nạn đầu cơ. Sau khi thị trường tiếp tục giảm vào ngày 2/7, các cơ quan điều hành Trung Quốc đã tuyên bố vào thứ 5 tuần trước rằng họ sẽ điều tra và truy tố những người bán khống.

Nhưng một số thay đổi quy định gần đây đã cho thấy ‘mùi tuyệt vọng’.

Các quy định đòn bẩy mới được đưa ra vào thứ 4 tuần trước cho phép các nhà đầu tư sử dụng bất động sản như một hình thức tài sản thế chấp để vay tiền đầu tư. Hệ quả là các nhà đầu thật sự là đang liều lĩnh với cuộc sống của họ bằng cách đặt cược ngôi nhà của họ vào thị trường chứng khoán.

Tuyên bố của cơ quan quản lý vào ngày thứ 5 tuần trước về việc điều tra những người bán khống chủ yếu là một chiêu PR cho chủ nghĩa dân tộc, dường như để đáp lại các tin đồn trên các diễn đàn xã hội về “các thế lực tư bản thù địch nước ngoài” đứng đằng sau việc bán khống để thu lợi (Goldman Sachs và George Soros?). Thực ra, ngoài những nhà đầu tư là tổ chức bán khống để tăng vị thế lâu dài, có rất ít những người bán khống đúng nghĩa ở Trung Quốc, một sự thực được CSRC khẳng định trong một bài viết trên Sina.com ngày 30/6.

“Vòng luẩn quẩn”

Nguyên nhân căn bản của hành động bán tháo là việc bùng nổ thị trường trước đó. Các nhà đầu tư đang sợ hãi – các nhà đầu tư gắn bó với thị trường chứng khoán giờ đây cũng đang bán cổ phần để cứu các danh mục đầu tư của họ. Các nguyên tắc nền tảng của tài chính cho chúng ta biết rằng khi có nhiều người bán hơn người mua trên thị trường, khoảng chênh lệch giá mua và bán sẽ mở rộng và giá rốt cuộc sẽ giảm.

Điều làm trầm trọng thêm tình hình ở Trung Quốc là khoản nợ vay đầu tư 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (350 tỷ USD). Các tính toán độc lập được Reuters trích dẫn cho biết số nợ thực sự là khoảng 645 tỷ USD bao gồm cả khu vực ngân hàng ngầm. Khoản nợ như vậy là do những người nắm giữ chứng khoán cơ sở thế chấp, và khi giá chứng khoản giảm (qua đó làm giảm giá trị thế chấp), thì các nhà đầu tư buộc phải bán thậm chí nhiều cổ phiếu hơn để giải chấp.

“Cơn hoảng loạn đang lan rộng khi có nhiều nhà đầu tư hơn bị buộc phải thanh khoản do đòn bẩy tài chính. Thị trường càng suy giảm thì các nhà đầu tư càng buộc phải bán ra. Đây là một vòng luẩn quẩn”, ông Zhou Xu, một nhà phân tích của công ty chứng khoán Nam Ninh, nói với Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal ).

Nhìn vào sự sụp đổ của thị trường Trung Quốc, dễ thấy rằng bong bóng bị nổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Về cơ bản, điều này là thảm kịch.

Người dân kì vọng vào Đảng, tổ chức đã định hướng cho họ đầu tư các khoản tiết kiệm vào thị trường chứng khoán. Và giờ đây họ sắp mất tiền, rất nhiều tiền”.

Theo cách truyền thống, người Trung Quốc chăm chỉ làm việc và tiết kiệm phần lớn các khoản thu nhập của mình. Phần lớn trong số hàng triệu những nhà đầu tư mới ở Trung Quốc là các công nhân di cư, những người nghỉ hưu, và những người ít học thức. Họ trông cậy vào ĐCSTQ, người chỉ dẫn họ đổ tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán.

Và giờ đây họ sắp mất tiền, rất nhiều tiền.

Ngày 4/7, Ủy ban Nhà nước Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương và CSRC đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và quyết định dừng tất cả các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) mới. Đồng thời, hơn 21 công ty môi giới của nhà nước, bao gồm cả công ty chứng khoán Citic, đã tuyên bố rằng họ sẽ đầu tư 15% tài sản thực của họ, hoặc không ít hơn 120 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD), để trực tiếp mua chứng khoán.

Ngày 5/7, PBOC đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ USD) vào Tổng công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc, và thông báo hỗ trợ rót tiền không giới hạn, cho việc cấp các khoản vay để đầu tư mua thêm chứng khoán. Điều này về lý thuyết sẽ giảm bớt và tháo gỡ các áp lực bán tháo để giải chấp, nhưng hệ lụy là lại làm cho vấn đề nợ hiện tại thêm tồi tệ.

Có một số lựa chọn cho phương án cuối cùng, và Bắc Kinh nên hy vọng các biện pháp này có tác dụng. Một lá thư ngỏ của 5 giáo sư tài chính đề cập đến cách mà chính quyền Trung Quốc nên giải quyết khủng hoảng thị trường chứng khoán, đăng trên Tân Hoa Xã vào ngày 2/7. Họ gọi các nỗ lực ổn định hóa của chính phủ tuần trước là “không thể giải thích được”. Lá thư cũng cảnh báo rằng bất cứ sụp đổ thị trường chứng khoán nào đều là thảm họa cho tầng lớp trung lưu và “Giấc mơ Trung Quốc” – điều này là không thể xem nhẹ.

Vốn và sự thịnh vượng là một trong những công cụ để nắm giữ quyền lực còn sót lại của ĐCSTQ. Một sự sụp đổ của thị trường chứng khoán rất có thể sẽ kéo theo số phận của Đảng này.

Sau cùng, với hơn 90 triệu nhà đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc, tính đến ngày 30/6, đất nước này hiện có nhiều “nhà tư bản” hơn số đảng viên của ĐCSTQ.

Fan Yu

Dương Lương biên dịch

Theo daikynguyenvn.com

https://daikynguyenvn.com/trung-quoc/thi-truong-chung-khoan-co-the-quyet-dinh-so-phan-cua-dang-cong-san-trung-quoc.html


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc