Home » Kinh doanh » Sau cơn hỗn loạn thị trường chứng khoán, Trung Quốc truy tìm người bán khống
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tạm qua đi giai đoạn rơi tự do khủng hoảng, giờ là lúc người ta đi tìm nguyên nhân vụ việc.
nha dau tu

Một nhà đầu tư ở tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh: theatlantic.com)

Vào ngày cổ phiếu của Trung Quốc phục hồi sau một đợt rơi tự do mười ngày, người đàn ông có quyền lực thứ hai trong cơ quan công an của Trung Quốc đã thông báo sẽ điều tra việc “bán khống cổ phiếu hiểm độc”.

Đây là một thuật ngữ mập mờ về mặt pháp lý, bán khống cổ phiếu là hợp pháp, mặc dù bị giới hạn ở Trung Quốc, và không có định nghĩa pháp lý về hình thức “hiểm độc” của hoạt động này. Có vẻ Bộ Công an Trung Quốc đang tìm kiếm các mục tiêu để đổ lỗi cho cơn hoảng loạn chứng khoán gần đây.

Theo cơ quan ngôn luận Tân Hoa Xã của chính quyền Trung Quốc, thứ trưởng Bộ công an Mạnh Khánh Phong cho biết rằng cuộc điều tra chung cũng sẽ xem xét đến hoạt động giao dịch nội gián (inside trading), việc tiết lộ thông tin mật của công ty, việc tung tin thất thiệt về chứng khoán và các hoạt động trao đổi chứng khoán trong tương lai.

Tân Hoa Xã đưa tin rằng ông Mạnh, người vừa được thăng chức vào ngày 2/7, đã dẫn đầu một đội điều tra đến thanh tra trụ sở chính của Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc để chứng minh rằng chính quyền Trung Quốc đang nghiêm túc như thế nào trong việc chống lại các hoạt động chứng khoán bất hợp pháp hoặc coi thường quy định.

Theo báo Tin tức Bắc Kinh do chính quyền Trung Quốc điều hành, hơn mười cơ quan và cá nhân hiện đang bị điều tra về việc tham gia vào việc “bán khống hiểm độc” các cổ phiếu blue chip.

Bán khống liên quan đến việc giao dịch các cổ phiếu mà một người bán cổ phiếu mượn được để kiếm lợi nhuận và có thể gặp rủi ro cao trong một thị trường đang tăng vọt.

Đổ lỗi cho những người bán khống cổ phiếu làm sụp đổ thị trường chứng khoán là một bước đi kỳ quặc của chính quyền Trung Quốc. Bởi vì rất khó để thực sự bán khống được cổ phiếu ở Trung Quốc, và hầu hết thị trường chứng khoán tràn ngập các nhà đầu tư không có kinh nghiệm, những người chỉ đơn thuần cố gắng mua vào và bán ra số cổ phiếu của họ một cách nhanh chóng với tiền vay ký quỹ.

“Ở Trung Quốc, việc bán khống cổ phiếu loại A riêng lẻ bị hạn chế chặt chẽ và các chi phí vay mượn là cao đến mức không thể vay được”, ông Tony Hsu, giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư OTS Capital Management có trụ sở ở Hồng Kông, nói với Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal).

Nếu ông Mạnh và các đồng nghiệp của mình có tìm thấy được chứng cứ về việc bán khống thì vẫn không rõ là cơ sở pháp lý để truy tố các nhà đầu tư kia của họ là gì.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức Kinh doanh Trung Quốc (China Business News ) do chính quyền Trung Quốc tài trợ, ông Hoàng Kiến Trung, một phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thượng Hải, giải thích rằng bán khống là một chiến thuật đầu cơ, không phải là một hành vi phạm tội.

Ông Lưu Tuấn Hải, một giáo sư luật tại Đại học Nhân dân, kể với tờ Tin tức Kinh doanh Trung Quốc rằng việc thao túng thị trường, giao dịch nội gián và tung tin thất thiệt về việc bán chứng khoán đều đủ điều kiện cấu thành tội phạm. Nhưng còn “bán khống hiểm độc”? Không có luật nào cấm việc đó.

Larry Ong
Thanh Nguyên biên dịch

Theo daikynguyenvn.com

https://daikynguyenvn.com/trung-quoc/chinh-quyen-tq-san-lung-nhung-nguoi-ban-khong-sau-con-hon-loan-thi-truong-chung-khoan.html


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc