Home » Xã hội » Chất lượng tàu vỏ thép có vấn đề làm khổ ngư dân
Đứng trước thực trạng tàu cá của ngư dân Việt liên tục bị tàu Trung Quốc uy hiếp trên biển đông, tàu nhiều lần bị đâm vỡ. Năm 2014 Chính phủ đã quyết định mở gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép ra khơi.

Trị giá mỗi tàu vỏ thép khoảng 12 đến 15 tỷ đồng, ngư dân phải bỏ ra 4 tỉ đồng, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) ứng số tiền còn lại cho ngư dân nhưng không tính lãi suất, sau 6,7 năm ngư dân phải trả hết nợ và được làm chủ tàu.

Ngư dân trả lại tàu thép

Từ năm 2014 đến nay những tàu thép này lần lượt được ngư dân sử dụng. Thế nhưng chỉ đi biển được được một thời gian, ngư dân quyết định đem tàu trả lại, do tàu liên tục hư hỏng, mỗi lần sửa chữa hàng trăm triệu đồng, mà tàu vẫn hư hỏng lần sau nặng hơn lần trước, nếu tiếp tục dùng tàu thép này thì ngư dân chỉ có lỗ.

Hai tàu thép được hạ thủy đầu tiên, từng là niềm tự hào ngư trường Việt Nam là tàu  Hoàng Anh 01 và tàu Sang Fish 01 đã được ngư dân đem trả lại nơi sản xuất

Anh Lê Văn Sang ở Đà Nẵng sở hữu tàu thép Sang Fish 01 đã trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa). Tàu được hạ thủy hồi tháng 7/2014 với số vốn 12 tỷ đồng, đây là tàu thép được hạ thủy thứ 2 trong số năm tàu vỏ thép đầu tiên được hạ thủy.

tàu thép Sang Fish 01 lúc hạ thủy. Ảnh baodatviet

tàu thép Sang Fish 01 lúc hạ thủy. Ảnh baodatviet

Thế nhưng ngay chuyến đi biển đầu tiên tàu đã bị hỏng và sửa chữa mất 500 triệu đồng, anh Sang kể với vnexpress rằng: “Ban đầu con tàu rất vững chãi. Nhưng đi biển được 10 chuyến, tàu hỏng đến 4 lần, làm ăn không có lãi”.

Dù tàu được xem là trang thiết bị hiện đại, như hệ thống GPS xác định tọa độ đánh bắt, nhưng lại rất nhanh xuống cấp. Thời gian hoàn tiền cho Công ty là 6 năm, nhưng không có lãi do tàu hư hỏng nhiều, chi phí sửa chữa cao nên anh Sang phải trả lại tàu. Từ lúc đi biển đến nay bị lỗ mấy trăm triệu đồng.

Tính ra thời gian tàu nằm bờ để sửa chữa là chủ yếu. Được biết tàu ban đầu chạy được 12 hải lý /h, nhưng sau đó chỉ còn chạy được 5 hải lý/h, máy chính bị hỏng nặng.

Tàu tuy to gấp đôi tàu gỗ nhưng do đáy nhỏ nên vẫn rung lăc trước sóng. Trang vnexpress dẫn lời anh Sang cho rằng: con tàu khi hoạt động ngoài biển bị rung rắc hơn tàu vỏ gỗ trước đó anh sở hữu, gây khó khăn với nghề đi biển, kể cả nghề hậu cần hay lưới vây.

Trước đó vào tháng 5/2015, tàu Hoàng Anh 01 đã bị đem trả lại nơi sản xuất chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động cũng bởi tàu hỏng liên tục, có lúc máy hỏng không sửa được phải nhờ tàu khác kéo vào bờ sửa chữa.

Thiết kế tàu không phù hợp

Trước vấn đề tàu vỏ thép bị hư hỏng, báo Tuổi Trẻ đã dẫn lời ông Lê Văn Toàn – giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang cho rằng, tàu Hoàng Anh 01 và tàu Sang Fish 01 là tàu được đóng đầu tiên theo mẫu 21 mẫu tàu do Bộ NN&PTNT đưa ra.

Các tàu đóng sau này đã thay đổi thiết kế phù hợp hơn, chứ không còn theo 21 mẫu tàu mà bộ đưa ra nữa. Vì thế mà 6 con tàu được đóng sau này đều hoạt động hiệu quả.

Để tàu được thiết kế phù hợp, có ý kiến cho rằng kỹ sư cần xuống tàu ra biee63n cùng ngư dân. Ông Tạ Quang Ngọc – Nguyên Bộ trưởng Bộ thủy sản (nay là Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT) từng nói rằng: “Trước đây các kỹ sư của Việt Nam đều phải xuống tàu cùng ngư dân trong các đội tàu quốc doanh, họ không chỉ giỏi nghề của họ mà còn đánh cá rất giỏi, đó là điều mà ngày nay cần học hỏi.” – báo Đất Việt dẫn lời.

Lại dùng chính thép của Trung Quốc

Lo lắng chất lượng tàu thép, ngư dân khi mua tàu thường phải giám sát việc đóng tàu tại các nhà máy, các thông số kỹ thuật, máy móc, loại thép thường được ngư dân quan tâm kiểm tra cẩn thận.

Dù việc đóng tàu thép xuất phát từ việc các tàu gỗ dễ dàng bị tàu Trung Quốc đâm chìm, thế nhưng việc đóng tàu thép hiện nay toàn dùng thép của Trung Quốc.

Báo Dân Việt dẫn lời một ngư dân đóng tàu thép cho rằng: “Tàu vỏ gỗ thì chúng tôi còn có kinh nghiệm đóng và lắp đặt, chứ về tàu vỏ thép thì chúng tôi mù tịt. Nếu chúng tôi yêu cầu đóng thép Nhật, thép Hàn nhưng nhà thầu đóng thép Trung Quốc thì cũng không biết được, nên để đỡ “nhức đầu”, nhiều ngư dân chọn luôn thép Trung Quốc theo như gợi ý của các công ty đóng tàu để giảm chi phí mà lại đỡ lo lắng.”.

Việc kiểm tra chất lượng thép là ngoài khả năng của ngư dân, Ông Đỗ Hồng Phước – Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ và khai thác xa bờ thủy sản Nghĩa An (Quảng Ngãi) cho báo Dân Việt biết: “Muốn kiểm tra xuất xứ, chất lượng thép đóng tàu thì phải nắm được phiếu xuất kho, hóa đơn, lô hàng với dấu hải quan, có dấu kiểm định… Điều này ngoài khả năng của ngư dân”.

Trong khi đó phía nhà sản xuất thì lại khẳng định không dùng thép Trung Quốc, kỹ sư Hồ Anh Tuấn – Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang khẳng định trên báo Dân Việt rằng: “Công ty chúng tôi đóng tàu vận tải thì dùng thép Nhật Bản, đóng tàu cá thì dùng thép Hàn Quốc. Chúng tôi không sử dụng thép Trung Quốc để đóng tàu vỏ thép. Còn với các công ty khác thì chúng tôi không rõ”.

Dù Chính phủ đã có dự án dùng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân ra khơi, nhưng cũng cần có thêm việc giám sát chất lượng các tàu vỏ thép, có như vậy mới đảm bảo dự án này được thành công.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc