Home » Cổ truyền, Văn hóa » Cuộc thi kén rể hào hứng ly kỳ nhất sử Việt, Giang Sơn lâm nguy xuất hiện bậc anh hùng

Trong lịch sử Việt Nam chiến công của Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ ngàn bắc thuộc (kể từ năm 179 trước công nguyên), mở ra thời kỳ tự tự chủ tự cường cho dân tộc Việt.

Bạch Đằng

Chiến thắng sông Bạch Đằng lần thứ nhất. (Ảnh internet)

Nhiều câu chuyện về ông được lưu truyền trong dân gian mà không phải ai cũng biết, như câu chuyện Dương Đình Nghệ kén rể đã diễn ra cuộc thi tài  kỳ thú với sự tham gia của rất nhiều bậc tuấn kiệt trong thiên hạ.

Sự ghen tức tật đố nào mà đã khiến Kiều Công Tiễn từ người được xem là bậc thủ lĩnh hào kiệt lúc đó lại trở nên mù quáng mà giết chết Dương Đình Nghệ rồi rước giặc vào nhà?

Những câu chuyện này cũng nêu bật chữ “Nhân” cũng như nghĩa khí của một thời oanh liệt trong lịch sử dân tộc.

Nhân tài xuất hiện

Năm 923 Dương Đình Nghệ được nhà Nam Hán cho giữ chức Thứ Sử Giao Châu, nhưng ông muốn khởi nghĩa nhằm giữ quyền tự chủ cho dân tộc mình.

Dương Đình Nghệ chọn tìm chọn được 3.000 hào trưởng cũng như các bậc tuấn kiệt đứng dưới cờ nghĩa của mình, và gọi họ là giả tử (con nuôi), trong số đó có thể kể đến Đinh Công Trứ (thân phụ của Đinh Bộ Lĩnh), Kiều Công Tiễn (hào trưởng đất Phong Châu tức Phú Thọ ngày nay) và Ngô Quyền.

Tương truyền ông Ngô Mân là Hào Trưởng của đất Đường Lâm (tức Ba Vì – Hà Tây ngày nay), năm 897 khi phu nhân của ông sinh con trai bỗng có ánh sáng tràn ngập trong nhà.

Cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả rằng “Ngô Quyền có dung mạo khác thường, lưng có ba nốt ruồi. Các thầy tướng cho là lạ, rằng có thể làm chủ được một phương, nhân đó (Ngô Mân) mới đặt cho vua tên là Quyền. Khi vua lớn lên, tướng mạo khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức có thể nâng được vạc”.

Ngô Quyền

Tượng Ngô Quyền ở Hải An, Hải Phòng. (Ảnh từ Ngotoc.vn)

Năm 917 khi Ngô Quyền 20 tuổi, ông Ngô Mân đã tiến cử con trai mình cho Dương Đình Nghệ. Trong số 3.000  con nuôi của Dương Đình Nghệ thì nổi lên có Kiều Công Tiễn và Ngô Quyền, qua các câu truyện dân gian lưu truyền lại thì tuy cùng là nhân tài nhưng tính cách hai người lại rất trái ngược nhau.

Cuộc thi kén rể hào hứng và ly kỳ bậc nhất trong sử Việt

Lúc Ngô Quyền mới về ra mắt Dương Đình Nghệ, vì muốn thử tài ông, Dương Đình Nghệ bảo Ngô Quyền có thể bắn đôi chim đang bay trên trời kia không, Ngô Quyền bắn một mũi tên, một con chim giật mình bay đi, nhưng lạ thay con chim bên cạnh vẫn không hay biết gì, vẫn hồn nhiên đứng rỉa cánh! Dương Đình Nghệ khen “tuyệt lắm, ta không ngờ ngươi có thể sử dụng cung tên thành thục đến thế!”

Bỗng đâu Công Tiễn đã ở sau lưng từ lúc nào lên tiếng nói “thưa bố, bố đã khen quá lời. con của bố nào có kém gì đâu!”, Công Tiễn dương tên bắn một mũi tên xuyên ngay qua người con chim tội nghiệp. Dương Đình Nghệ quay mặt đi và nói “ta thật đáng trách” rồi bảo Công Tiễn lui đi.

Sau đó Đó Dương Đình Nghệ nói với Ngô Quyền rằng: “Tiễn là đứa thiếu lòng nhân, sau này con nuôi của ta sẽ phản ta. Nay ta mến tài của ngươi, ngươi hãy theo phò tá ta nhé!”.

Ngô Quyền cúi đầu: “Thưa tướng quân, được theo tướng quân lao vào chốn binh đao để mưu nghiệp lớn thì dẫu có chết con cũng cam lòng. Đây cũng là ý nguyện của bố con”.

Từ lúc theo Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền tỏ ra là người có tài cầm quân, tinh thông võ nghệ. Ngô Quyền cùng Kiều Công Tiễn nhanh chóng nổi danh và trở thành cánh tay đắc lực của Dương Đình Nghệ.

Dương Đình Nghệ có con gái là Dương Như Ngọc nổi tiếng xinh đẹp khắp vùng, nhiều trang tuấn kiệt trong số các con nuôi của Dương Đình Nghệ đều để mắt đến. Khi Như Ngọc đến tuổi lấy chồng, để có công bằng và cũng là dịp rèn quân, Dương Đình Nghệ đã tổ chức thi tài nhằm kén rể cho con gái, rất nhiều trang tuấn kiệt đã tham gia.

Dương Đình Nghệ mở hội tranh tài kén rể cho con. (Ảnh minh họa từ soha.vn)

Dương Đình Nghệ mở hội tranh tài kén rể cho con. (Ảnh minh họa từ soha.vn)

Đây được xem là cuộc thi kén rể hào hứng bậc nhất trong lịch sử, bởi trong số 3.000 con nuôi của Dương Đình Nghệ thì ai cũng muốn trở thành con rể của ông, hơn nữa nhân tài trong thiên hạ cũng tham gia cuộc thi này.

Trải qua các những cuộc thi đấu hào hứng, chỉ còn lại hai anh tài được chọn lọc là Kiều Công Tiễn và Ngô Quyền, hai người bước vào cuộc tranh tài cuối cùng nhằm chọn ra một người kết duyên với tiểu thư Như Ngọc.

Thể lệ cuộc thi cuối cùng này là hai người phải vừa cưỡi ngựa vừa ném lao vào mục tiêu, ai ném lao trúng mục tiêu trước thì thắng cuộc.

Hồi trống vang lên dồn dã báo hiệu cuộc thi bắt đầu trong sự náo nức của các tướng sĩ cùng người dân nô nức đến xem tranh tài.

Hai Con ngựa cùng xoải vó đưa chủ nhân lao vút về phía trước, con bạch mã của Ngô Quyền lao lên như mũi tên thoáng chốc đã bỏ xa con hắc mã của Công Tiễn.

Đối với Công Tiễn cuộc thi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì chỉ có làm rể của Dương Đình Nghệ thì Công Tiễn là có cơ hội vượt qua cái bóng của Ngô Quyền và nắm lấy quyền lực trong tay, chính vì thế mà Công Tiễn chuẩn bị kỹ càng nhằm đối phó với tình huống xấu nhất.

Công Tiễn bèn rút tên đã chuẩn bị sẵn nhắm vào chân sau con  bạch mã mà bắn, Ngô Quyền đang nhìn thẳng đến đích đột nhiên nghe tiếng con bạch mã của mình hí lên rồi giảm dần tốc độ, Công Tiễn phi ngựa vượt lên mỉm cười đắc thắng.

Biết ngựa mình bị hại, Ngô Quyền bình tĩnh rút cây lao nhắm thẳng vào mục tiêu rồi phóng,  cây lao xé gió lao vút đi rồi cắm phập vào hình nộm.

Công Tiễn đã đến gần mục tiêu chuẩn bị rút lao để phóng thì bất ngờ thấy lao của Ngô Quyền đã cắm vào mục tiêu rồi, Công Tiễn đứng như chết trân không tin nổi vào mắt mình, không thể ngờ nổi rằng ở một khoảng cách xa thế Ngô Quyền vẫn có khả năng phóng lao vào mục tiêu.

Ngô Quyền chiến thắng cuộc tranh tài và được kết duyên cùng Dương Như Ngọc trong sự tức tối ghen tức của Công Tiễn.

Tâm tật đố, ganh tỵ dẫn đến mù quáng mà phản bội chủ nhân, phản bội lại Giang Sơn Xã Tắc

Năm 931 Dương Đình Nghệ từ Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) kéo quân tiến đánh thành Đại La (sau này đổi tên thành Thăng Long), quân Nam Hán thua to phải chạy về nước. Dương Đình Nghệ khôi phục lại Giang Sơn, xưng là Tiết Độ Sứ, ông giao cho các tướng lĩnh trấn giữ cai quản các nơi.

Ngô Quyền được giao giữ Châu Ái – quê hương của Dương Đình Nghệ. Trước ngày lên đường Ngô Quyền băn khoăn hỏi:

– Thưa bố ! con xin hứa sẽ giữ yên nơi đó để chiêu mộ anh tài, muôn dân an cư lạc nghiệp. Nhưng còn Công Tiễn sao chưa được bố giao cải quản vùng nào?

Dương Đình nghệ trầm ngâm :
– Tiễn là kẻ bất nhân, không thể trấn giữ một riêng cõi nào được cả. Tốt nhất là để nó bên ta, rèn cặp cho đến khi thay đổi tâm tính đã.

Kiều Công Tiễn cảm thấy mình không được tin dùng bằng Ngô Quyền, tâm đố kỵ và ghen ghét nổi lên, vào tháng 3 năm 937 đã ra tay sát hại bố nuôi Dương Đình Nghệ nhằm cướp đoạt ngôi báu. Kiều Công Tiển chiếm thành Đại La, nhiều công thần phản đối liền bị Công Tiễn giết hại.

Từ Ái Châu, Ngô Quyền cùng vợ để tang cha, rồi cùng em vợ là Dương Tam Kha tiến quân đến Đại La hỏi tội nghịch tặc Công Tiễn, quân đi đến đâu Hào Trưởng ở các nơi đều ủng hộ đến đó, khiến quân của Ngô Quyền ngày càng đông và mạnh hơn.

Kiều Công Tiễn ở Đại La nghe tin thì vô cùng hoảng sợ, biết mình  không thể chống được Ngô Quyền bèn sai người mang vàng bạc, châu báu sang Nam Hán nhờ  mang quân cứu viện. Hành động giết chủ rồi “rước giặc vào nhà” của Công Tiễn khiến đất nước đứng trước nguy cơ tiếp tục kéo dài giai đoạn nghìn năm bắc thuộc.

Sai một nước cờ là mất nước, người anh hùng giúp Giang Sơn vượt qua lâm nguy, đời đời bền vững

Vua Nam Hán là Lưu Cung nhận lời cầu cứu Công Tiễn mà như mở cờ trong bụng, đây là cơ hội rất tốt để đem quân chinh phục xứ Giao Châu.

Cuối năm 938 Lưu Cung sai hoàng tử Hoằng Thao (có sách cho là Hồng Thao) đem 200 chiến thuyền tiến đánh Giao Châu, còn mình thì đóng binh tại Hải Môn (tỉnh Quảng Đông ngày nay) sẵn sàng tiến quân tiếp ứng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép như sau: “Mậu Tuất, [938], (Tấn Thiên Phúc năm thứ 3). Mùa đông, tháng 12, nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái Châu cất quân đánh Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang đút lót để cầu cứu với nhà Hán. Vua Hán là Cung muốn nhân khi nước ta có loạn chiếm lấy nước, bèn cho con là Vạn vương Hoằng Thao làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao vương, đem quân sang cứu Công Tiễn. Vua Hán tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện”.

Đứng trước nguy cơ vừa phải đối phó phản loạn trong nước và ngoại xâm, Ngô Quyền hiểu rằng chỉ đi sai một nước cờ thì sẽ mất nước. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, Ngô Quyền quyết định phải nhanh chóng ra tay trước nhằm tiêu diệt phản loạn Công Tiễn nhằm rảnh tay đối phó quân Nam Hán.

Tháng 11 năm 938 Ngô Quyền tập hợp quân các nơi được 5 vạn binh thần tốc tiến đến bao vây thành Đại La. Quân Nam Hán chưa kịp tới thì Công Tiễn đã bị xử tử, kết thúc số phận của kẻ luôn ganh tỵ với người khác, dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt quyền lực.

Dẹp xong phản loạn, Ngô Quyền lãnh đạo ba quân đón đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho quân tiếp chiến với quân Nam Hán rồi giả thua rút chạy, quân Nam Hán thừa thắng đuổi theo rồi rơi vào bãi cọc nhọn cắm sẵn trên sông, các thuyền lớn bị đâm vào cọc nhọn đều tan vỡ, lúc này phục binh của quân Việt cũng tiến đánh khiến quân Nam Hán thiệt hại vô số, hoàng tử Hằng Thao cũng bị chết trong trận này.

Nghe tin thất bại và con trai đã tử trận, vua Nam Hán là Lưu Cung thất vọng não nề, không còn tâm trạng kéo quân sang, thậm chí cho rằng tên Lưu Cung là xấu và xui xẻo nên sau đó đã đổi tên thành Lưu Yểm.

Chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ nhất cũng chấm dứt ngàn năm đô hộ bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ, sau này phương bắc nhiều lần mang quân sang đánh nhưng đều bị quân Việt  đánh bại.

Hổ phụ sinh hổ tử

Năm 1019 một ngôi sao phúc tinh rực sáng  rồi sa xuống phía tây thành Thăng Long, năm đó phu nhân cháu năm đời của Ngô Quyền là  Ngô An Ngữ mang thai, sinh được một người con có tướng mạo rất khôi ngô tuấn tú , nên đặt tên là Ngô Tuấn.

Ngay từ nhỏ Ngô Tuấn chỉ thích học tập và nghiên cứu binh thư, không chỉ giỏi dùng binh mà Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo đều thông tỏ. Ông phục vụ cho vua Lý Thái Tông lập nhiều công trạng nên được đổi sang họ Vua với tên Lý Thường Kiệt.

Trong bối cảnh đất nước bị kẹp giữa gọng kìm liên minh Tống – Chiêm, Giang Sơn bị đe dọa và có thể mất bất cứ lúc nào. Thế nhưng Lý Thường Kiệt với tài thao lược của mình đem binh tiến đánh Chiêm Thành, chiếm kinh đô bắt sống vua Chiêm, khiến Chiêm Thành phải quy phục.

Khi nhà Tống chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, Lý Thường Kiệt chủ động tiến binh sang đất Tống, đánh đến tận Ung Châu nhằm tiêu hủy lương thực cũng như quân trang thiết bị của Tống nhằm chuẩn bị cho việc đánh Đại Việt. Ông cũng chỉ huy quân dân Đại Việt đánh bại cuộc xâm lược của 30 vạn quân Tống.

Nếu như chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã chấm dứt ngàn năm bắc thuộc, thì cháu sáu đời của ông là Ngô Tuấn với những cuộc tiến quân “đánh Tống bình Chiêm” đã khẳng định sức mạnh của Đại Việt là vượt biên giới, khiến lân bang cũng phải sợ mà không dám nghĩ đến chuyện tiến đánh Đại Việt, bảo vệ Giang Sơn bền vững.

Trần Hưng

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Cuộc thi kén rể hào hứng ly kỳ nhất sử Việt, Giang Sơn lâm nguy xuất hiện bậc anh hùng”

  1. vovanthat 16/06/2017

    Toi su dung sung hoi, dan chi nham ban 2 con chim bo cau dau tren mai nha vi muon chung bay di, khoi ia ban mai nha. Ban de 2 phat dan roi ma 1 con chim cu nhu “diec khong so sung”, nhon nho tia tot long canh, con con chim thi hai thi bay di vi nghe tieng mai ngoi vo vun (sung co ong ngam vien vong hanh hoi !).
    Vo toi gian qua, nhung sau do biet la sung duoc san xuat tai TQ nen tha thu cho toi

    Reply

Ý kiến bạn đọc