Home » Cổ truyền, Văn hóa » “Làng hai vua” với dòng võ học lừng lẫy sử Việt

Từ xa xưa, làng Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội) được mệnh danh là “Làng hai vua”, bởi nơi đây đã sinh ra hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử là Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Đường Lâm

Chùa Mía tại thôn Đông Sàng xã Đường Lâm. (Ảnh từ wikipedia.org)

Đây là làng cổ đầu tiên được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy gọi là làng cổ nhưng xưa kia Đường Lâm gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có 2 đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi”.

Không chỉ là vùng đất hai vua, đây cũng là chiếc nôi của dòng võ học Đường Lâm mà suốt cả chiều dài lịch sử đã tạo ra rất nhiều vị tướng góp công lớn trong lịch sử giữ nước như Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt) cháu 6 đời của Ngô Quyền, Phùng Tá Chu danh tướng thời nhà Trần, Phùng Phúc Kiều danh tướng thời Lê, Ngô Từ vị tướng khai quốc công thần Hậu Lê v.v…

Cổng làng Mông Phụ xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây Hà Nội. (Ảnh từ wikipedia.org)

Cổng làng Mông Phụ xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây Hà Nội. (Ảnh từ wikipedia.org)

Nguồn gốc võ học của “Làng hai vua”

Dòng võ học Đường Lâm bắt đầu từ ông Phùng Hạp Khanh, xuất thân là một võ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại ông về quê nhà ở Đường Lâm, chăm chú việc điền viên và dần trở thành một hào phú giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người; ông cũng âm thầm dạy võ công cho con cháu và dân làng, nhằm sau này có cơ hội sẽ chống lại ách đô hộ của nhà Đường, giành lại độc lập cho Giang Sơn Xã Tắc.

Người học trò giỏi nhất xứng đáng kế tục Phùng Hạp Khanh lại chính là con trai của ông là Phùng Hưng. Ngay từ thuở nhỏ Phùng Hưng đã siêng năng theo cha học võ, trở thành người có sức khỏe và khí phách phi thường. Xuất thân gia đình giàu có, ông luôn yêu thương người dân làng xóm, luôn sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo khó.

Từ lúc còn rất trẻ Phùng Hưng đã kết giao nhiều bạn bè, được nhiều người quý mến bởi là người nhân nghĩa, ông trở thành Tù Trưởng vùng đất Đường Lâm,  một thủ lĩnh sớm biết lấy dân làm gốc.

Người dân trong vùng còn truyền lại câu chuyện đánh hổ của ông. Thời ấy vùng Đường Lâm còn có nhiều rừng núi bao quanh với hổ dữ hoành hoành, người dân lo lắng không dám vào rừng làm nương rẫy. Nhiều người liều lĩnh làm nương bị hổ vồ, hoặc may mắn thì cũng bị hỏ dọa cho hồn xiêu phách lạc.

Biết chuyện Phùng Hưng vào rừng xem xét tình hình, ông bàn với hai người em trai của mình cách trị hổ, kết quả ông đã đánh bại hổ dữ giúp người dân trong vùng yên tâm lên nương .

Lần khác Phùng Hưng đánh bại hai con trâu rừng khiến người dân tron vùng nể phục và biết ơn vị Tù Trưởng trẻ tuổi đất Đường Lâm.

Chính vì thế mà khi Phùng Hưng khởi nghĩa dân chúng gần xa theo về rất đông. Cuộc khởi nghĩa giành lại được độc lập cho Giang Sơn, người dân tôn ông là Bố Cái Đại Vương.

Vị Vua thứ hai của đất Đường lâm là Ngô Quyền, ông được xem là họ ngoại của Phùng Hưng, được kế thừa võ học trở thành vị tướng xuất sắc nhất của Khúc Thừa Dụ. Sau khi đánh bại quân Nam Hán cuối năm 938 ông lên ngôi Vua, mở ra thời kỳ độc lập bền vững cho dân tộc, chấm dứt thời kỳ ngàn năm bị đô hộ bởi bắc thuôc.

Lăng vua Ngô Quyền tại thôn Cam Lâm xã Đường Lâm. (Ảnh từ wikipedia.org)

Lăng vua Ngô Quyền tại thôn Cam Lâm xã Đường Lâm. (Ảnh từ wikipedia.org)

Cháu 6 đời của Ngô Quyền là Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt) là Thái Úy dưới thời nhà Lý. Trong thời kỳ mà nhà Tống cùng Chiêm Thành cùng liên kết hành gọng kìm nhằm kẹp chặt lấy Đại Việt ở giữa, thi những chiến công “phá Tống, bình Chiêm” của Lý Thường Kiệt để phá tan thế gọng kìm này.

Đặc biệt với chiến lược lấy tấn công làm phòng thủ, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân Đại Việt Tấn công sâu vào đất Tống, chiếm nhiều Châu Trại như Khâm Châu, Liêm Châu, Lộc Châu, Bạch Châu, Ung Châu. Quân Tống đại bại, hàng chục tướng nhà Tống bị tử trận.

Tại Ung Châu, Lý Thường Kiệt cho thiêu hủy kho lương, phá hủy các căn cứ quân sự, lấy đá chặn tuyến đường giao thông trên sông rồi cho rút quân. Đây là cuộc tấn công với mục đích phá căn cứ quân sự mà Tống đang chuẩn bị để tiến đánh Đại Việt.

Cuộc tiến công vào Ung Châu nhằm phòng thủ này được xem là một trong những chiến công hiển hách nhất trong sử Việt.

Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt) đã nối tiếp sự nghiệp cụ tổ 6 đời của mình là Ngô Quyền giữ vững nền độc lập cho dân tộc.

Ngày nay

Ngày nay Ngôi làng cổ này vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu v.v…

Đường Lâm có 956 nhà truyền thống, trong đó có cả những ngôi nhà được xây từ thế kỷ 17, đặc trưng của những ngôi nhà truyền thống này là được xây bằng đá ong.

Đến nay dòng võ học từ thời Phùng Hưng, Ngô Quyền vẫn được lưu truyền không bị mai một. Nhiều dòng họ vẫn bảo lưu tiếp nối dòng võ học từ hai vị vua này.

Bằng cách cha truyền con nối, lớp trước truyền lại cho lớp sau, vì thế từ hàng ngàn năm qua võ học nơi không bị mai một. Người được truyền thụ môn võ này ngay từ đầu đã học được đức tín khiêm tốn, không khoe khoang, vì thế mà hầu như ít người biết rằng có một dòng võ học nổi tiếng của dân tộc tại vẫn tồn tại ở nơi đây.

Ánh Sáng

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc