Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Đà Nẵng 1858 – cuộc chiến không thể nào quên: Khi súng hỏa mai phải đương đầu với vũ khí hiện đại phương Tây (phần 3)

Sau khi nhận thêm viện binh 1.734 quân từ hai tàu Dijon và Duchayla, ngày 15/9/1859 Liên quân mở cuộc tấn công vào phòng tuyến thứ 2 của quân Đại Nam, người lên kế hoạch tấn công lần này là thiếu tá Dupré Déroulède, một sĩ quan công binh nhưng lại giàu khả năng tham mưu và tác chiến.

Trận đánh tại phòng tuyến thứ 2

Phòng tuyến thứ hai ở Đà Nẵng là hệ thống đồn cùng chiến lũy kéo dài 1.500 mét, trong đó có hai căn cứ chủ yếu là Liên Trì và Nại Hiên. Phòng tuyến thứ hai này được quân Pháp cho là kiên cố hơn phòng tuyến thứ nhất.

ban-do-tran-da-nang-15-9-1859-1

Bản đồ trận đánh ngày 15/9/1859. (Ảnh từ lịch sử Đà Nẵng)

Bên Liên quân chia làm 3 cánh cụ thể như sau:

  • Cánh trái do đại tá Reynaud chỉ huy các đại đội Tây Ban Nha và Pháp đánh vào đồn Nại Hiên án ngữ giữa sông Hàn và các công sự phụ thuộc.
  • Cánh phải do đại tá Reybaud chỉ huy 7 đại đội bộ binh tấn công đồn Liên Trì và hệ thống phòng thủ phụ thuộc
  • Trung quân tấn công vào hệ thống phòng thủ gồm những pháo đài nối liền hai đồn Liên Trì và Nại Hiên.

Đúng 4 giờ sáng ngày 15/9 Liên quân rời trại lên tàu chuẩn bị cẩn thận cho cuộc tấn công quyết định này. Khi bình minh ló dạng Liên quân chia làm 3 mũi tấn công, quân Pháp vừa đi vừa hô to “Vive l’Empereur!” (tức Hoàng Đế vạn tuế) nhằm lên tinh thần.

Đại bác từ tàu chiến và căn cứ Điện Hải của Liên quân trút hỏa lực ầm ầm vào đồn lũy của quân Đại Nam.

Trận Đà Nẳng 1858

Ảnh từ internet

Cánh phải của Liên quân đụng độ mạnh với 2.000 quân Đại Nam ở Liên Trì và Phước Trì. Vũ khí thô sơ chỉ sát thương được tầm gần vì thế mà quân Việt hăng hái xông ra khỏi chiến lũy, giáp chiến tầm gần với Liên quân.

Hai bên nổ súng ác liệt, sự quả cảm của quân Việt khiến Liên quân bị đẩy lùi dần. Genouilly lo lắng điều thêm đại đội Tây Ban Nha đến tiếp ứng, nhờ đấy Liên quân mới lấy lại được thế trận, quân Đại Nam rút về bảo vệ đồn lũy.

Đạn pháo cùng hỏa lực của Liên quân trút vào ầm ầm, không thể để binh sĩ tử vong nhiều Phạm Thế Hiển và Nguyễn Hiên đành cho quân rút khỏi Liên Trì và Phước Trì, chạy đến hướng đèo Hải Vân, chặn con đường đến kinh đô Huế.

Cánh trái của đại tá  Reynaud tấn công đồn Nại Hiên dưới sự yếm trợ của pháo binh. Đạn pháo nã vào ầm ầm, Suất đội Hồ Văn Đa và các Đội trưởng Lê Văn Nghĩa, Đoàn Văn Thức quá khiếp sợ trước hỏa lực hùng hậu của Liên quân, đã bỏ hàng ngũ, tìm đường trốn chạy, làm quân sĩ mất tinh thần, khiến phòng tuyến vỡ nhanh hơn. Nguyễn Tri Phương phải đến tập hợp lại đội quân này. Trong khi đó quân Đại Nam vẫn làm chủ các đồn Mỹ Thị và Hóa Khê

Biết Liên quân muốn đánh nhanh ra kinh đô Huế, nên Nguyễn Tri Phương cho quân rút về hướng đèo Hải Vân nhằm chặn đường ra Huế. Thế nhưng việc Phạm Thế Hiển và Nguyễn Tri Phương rút quân ra đèo Hải Vân đều nằm trong kế hoạch của người lên kế hoạch tác chiến là thiếu tá công binh giàu óc tham mưu Dupré Déroulède, vì thế ông ta đã chuẩn bị sẵn chiến hạm Laplace đến cửa biển Thanh Khê, khi quân Việt đến thì nã pháo ầm ầm, khiến cho Đại Nam bị tổn thất lớn.

Các chỉ huy là Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Hiên dâng sớ về kinh báo tin và xin chịu tội. Vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản ra Quảng Nam xử chém Hồ Văn Đa, Lê Văn Nghĩa, Đoàn văn Thức về tội đã bỏ đồn tháo chạy; còn Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Hiên phải chịu tội cách lưu (tức cách chức nhưng vẫn được sử dụng nhằm lập công chuộc tội).

Theo tài liệu trong kho lưu trữ quốc gia Pháp thì trận này phía Liên quân chỉ có 10 chết và 40 người bị thương.

Sau gần một năm nhọc nhằn đương đầu với Liên quân, Nguyễn Tri Phương dâng sớ về kinh tâu rõ thực trạng trong quân và nêu cách đánh như sau: “Người Tây, thủy quân, lục quân nương đỡ nhau, khó mà hơn họ được. Ta thì thủy chiến đã không tiện, còn về lục chiến thì súng ống họ đã tinh, lại đánh giỏi, quân ta khiếp sợ nên sinh ra bần rùn, nên cũng không thể địch nổi. Nay trong quân thứ, còn 3,200 lính, mà một dãy từ An Sơn đến các đồn Nại Hiên, chỗ chỗ đều quan yếu, nếu đem phòng giữ cho khắp thì không còn lính ra trận nữa. Tình thế như vậy, nói giữ chưa được, nói đánh sao nên? Vậy xin đem binh lực hiện có, phục ở các đồn lũy, dự bị cho nghiêm mà đợi, để làm kế trì cửu, rồi lo trù liệu lương hướng, gặp cơ hội sẽ động, ấy là cớ hoàn toàn vậy.”

Vua Tự Đức phê vào sớ như sau: “Sợ địch, thêm lo, không thi thố gì thì làm sao thành công được? Đáng lẽ giao đình nghị để chánh tội danh, nhưng đã cách lưu nên gượng bỏ qua; vậy phải nghĩ trong ba kế chiến, thủ hay hòa, kế nào lui được quân địch thì cứ dùng; đừng mà nói rằng triều đình thiếu người nên phải ngồi đợi chết.”

can-cu-quan-phap

Thay tướng chỉ huy, Liên quân lại tiến tục tấn công

Về phía Liên quân, cuộc hành quân dưới cái nóng của Đà Nẵng đã khiến ngày hôm sau số binh lính nhập viện tăng cao. Số còn lại cũng xuống sức không còn muốn đánh tiếp nữa. Nhân lúc mình bị ốm, chỉ huy là tướng De Genouilly xin được về Pháp nghỉ ngơi dưỡng bệnh, Paris thông cảm chấp thuận, đồng thời cử thiếu tướng Page sang thay.

Sau trận thắng ngày 15/9, Liên quân đã phá hủy toàn bộ các đồn lũy, rồi rút về căn cứ ở Tiên Sa. Nguyễn Tri Phương cho quân lấy lại các đồn này, rồi củng cố một phòng tuyến mới chạy từ Nại Hiên đến Hải Vân.

Mờ giờ sáng ngày 18/11/1859, chỉ huy mới của Liên quân là thiếu tướng Page đã cho các tàu Némésis, Phlégeton và một tàu của Tây Ban Nha cùng một tàu vận tải khác chở quân đến phía tây bắc vịnh Đà Nẵng, dừng lại ở vị trí trên biển, đối diện với pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng.

Trận đánh pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng. (Ảnh từ lịch sử Đà Nẵng)

Trận đánh pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng. (Ảnh từ lịch sử Đà Nẵng)

Sau đó Page cũng cho kéo cờ tư lệnh trên soái thuyền Némésis tiến đến rồi cho lệnh tấn công. Hai bên đọ súng vô cùng ác liệt. Page nhận thấy dù các pháo hạm đã nã đạn dồn dập nhưng quân Đại Nam vẫn bắn trả thì sốt ruột điều soái hạm Némésis  lại gần hơn các căn cứ của quân Việt nhằm bắn chính xác hơn nhanh chóng tiêu diệt hỏa lực căn cứ này.

Thế là soái hạm Némésis phơi mình gần căn cứ phòng ngự, trên cột buồm lại phất phới cờ tư lệnh, quân Việt trên các pháo đài liền tập trung đạn pháo bắn vào đó. Soái hạm  Némésis lập tức bị trúng đạn, thiếu tướng Page thật may mắn khi không bị thương; nhưng viên thiếu tá giàu óc tham mưu, người lên kế hoạch trận đánh ngày 15/9 Dupré Déroulède bị đạn pháo cắt thân người làm hai, tử trận tại chỗ,

Đứng trước hỏa lực ngày càng mạnh của Liên quân, sức kháng cự quân Việt cũng yếu dần, Liên quân đổ bộ tấn công đồn Chơn Sảng, án ngữ con đường liên lạc giữ Huế và Đà Nẵng, quân Đại Nam phải rút chạy.

chon-sang

Vua Tự Đức lệnh cho Thống chế Nguyễn Trọng Thao đưa quân tiến đánh lấy lại đồn Chơn Sảng. Nguyễn Hiên và Trần Đình Túc đóng ở các đồn Câu Đê và Hóa Ổ cũng được lệnh đem quân đánh phối hợp. Quân Đại Nam từ các mặt tiến đánh, Liên quân không chống nổi phải bỏ đồn Chơn Sảng xuống tàu rút đi .

Tướng Page bị khiển trách bởi trận đánh này làm thiệt mạng môt số sỹ quan giàu kinh nghiệm, trong đó có thiếu tá có khả năng tham mưu Dupré Déroulède.

Hiệp ước hai bên không thành bởi sự lúng túng của triều đình

Tháng 11/1859  tướng Page vào Sài Gòn, đến tháng 12 thì Page đưa ra một bản hiệp ước gồm 11 khoản nhằm nghị hòa với triều đình nhà Nguyễn. Trong đó chủ yếu là tự do thương mại, tự do truyền giáo.

Bản dự thảo hiệp ước của Pháp đưa ra lại một lần nữa khiến triều đình Huế nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau, tranh luận mãi không thôi, khiến vua Tự Đức bối rối. Không biết quyết định thế nào, vua hỏi riêng lão cận thần mà mình rất nể trọng là Trương Đăng Quế, ông này đưa ra ý đồng ý xin hòa.

Việc thương thuyết với Pháp ở Sài Gòn được giao cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Cáp, nhưng ý chỉ của Vua cũng rất chung chung, mà khi đàm phán là đi vào chi tiết cụ thể, điều này khiến Tôn Thất Cáp bối rối không biết nên làm thế nào mới đúng ý triều đình.

Vì sợ làm trái ý Vua, Tôn Thất Cáp ngồi ở bàn thương nghị mà chẳng dám đồng ý một quyết định nào, cuộc thương thuyết diễn ra hơn một tháng mà chẳng có kết quả, điều này khiến tướng Page bực mình chấm dứt nghị hòa vào ngày 29/1/1860.

tran-da-nang-1858-tindachieu

Trận Đà Nẵng 1858

Sau trận pháo kích , liên quân đổ bộ tấn công pháo đài. (Ảnh từ internet)

Quân Pháp rút lui

Lúc này những xích mích giữa Trung Quốc với liên quân Anh – Pháp nổ ra dù trước đó vào năm 1858 đã có hòa ước Thiên Tân. Tướng Page để một ít quân cho D’ Ariès phòng thủ Gia Định, còn lại rời Sài Gòn vào ngày 3/2/1860 để đến Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng tướng Page ra lệnh rút hết khỏi nơi đây để tập trung quân tham chiến với Trung Quốc, trước khi rời đi quân Pháp đã phá hủy hết căn cứ của mình đã xây dựng ở bán đảo Tiên Sa

Sau khi Liên quân rút đi, triều đình nhà Nguyễn đã tìm được hài cốt của hơn 3.000 quân cùng người dân chôn tại nghĩa trang Hòa Vang và Phước Vĩnh.

Liên quân rút đi cũng để lại hàng trăm ngôi mộ cùng một nhà nguyện nhỏ đặt tấm bia bằng đá với dòng chữ: “Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigaud de Genouilly bị chết trong những năm 1858-59-60 và được an táng ở đây” .

Hết

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc