Tại đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục củng cố lại lực lượng, ban đêm chia quân dùng thuyền độc mộc tiến đánh quân Lương rồi lại rút vào trong đầm, quân Lương bị thiệt hại nhiều, người dân gọi ông là Dạ Trạch Vương.
>> Nước Vạn Xuân: (phần 1) Lý Bí giành lại Giang Sơn
> Câu chuyện về vị Nguyên soái cùng cuộc chiến giữ nước Vạn Xuân (Phần 2)
Tận dụng thời cơ, Triệu Việt Vương khôi phục nước Vạn Xuân
Năm 548 nghe tin Lý Nam Đế đã mất, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương nhằm hiệu triệu dân chúng theo mình khôi phục lại đất nước Vạn Xuân.
Trần Bá Tiên mưu tính cô lập Dạ Trạch, giữ chặt lương thảo, nhằm làm cho quân Vạn Xuân lương hết, quân sĩ mệt mỏi thế có thể phá được.
Thế nhưng khi Trần Bá Tiên thực hiện kế sách này thì nhà Lương có biến, Hầu Cảnh lợi dụng mâu thuẫn giữa các con cháu nhà Lương muốn giành ngôi vua mà làm phản, đem quân đánh kinh thành Kiến Khang, rồi vây vua Lương Vũ Đế ở Đài Thành (tức Cung Thành, Nam Kinh).
Trần Bá Tiên phải về nước, cho Dương Sàn ở lại thống lĩnh binh mã. Triệu Quang Phục nghe tin liền cho quân vây đánh Dương Sàn, bị bất ngờ Dương Sàn không chống nổi và bị giết chết, tàn quân lương chạy về bắc.
Cuối năm 550 Triệu Quang Phục lên ngôi Vua khôi phục lại Vạn Xuân, định đô ở thành Long Uyên (đến nhà đường gọi là thành Long Biên, sau đó đổi tên là thành Thăng Long).
Cuộc nội chiến xảy ra
Năm 555, sau khi ngên ngôi Vương nước Dã Năng được 6 năm thì Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo mất, không có con nối dõi, mọi người bèn suy tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi.
Khi đất nước đã dành được nền độc lập tự chủ, thì lại xảy ra nội chiến, Lý Phật Tức muốn giành ngôi Vua nước Vạn Xuân, vì thế mà năm 557 đưa quân vào đánh với quân của Triệu Việt Vương ở Thái Bình.
Hai bên có 5 lần giáp chiến lớn, lần nào quân của Triệu Việt Vương cũng ngăn được quân của Lý Phật Tử. Nhưng vì không muốn có cuộc tàn sát nội chiến nên lần nào Triệu Việt Vương cũng chỉ đứng nhìn quân của Lý Phật Tử rút chạy mà không cho quân truy kích mà chỉ cần giữ vững thế trận.
Phụ lời thề Lý Phật Tử bất ngờ dấy binh
Sau 5 lần giáp chiến này quân của Lý Phật Tử bị thiệt hại và có phần thất thế, vì thế mà Lý Phật Tử bèn giảng hòa.
Triệu Việt Vương nghĩ rằng mình và Lý Phật Tử dù sao cũng người một nhà, từng cùng theo Lý Bí kiến lập nước Vạn Xuân, nên đồng ý giảng hòa. Lấy bãi Quân Thần (nay là Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới, phía tây thuộc về Lý Phật Tử. Lý Phật Tử cũng xin thề suốt đời giữ hòa hiếu giữa hai bên.
Lý Phật Tử được thêm đất, liền dời đến ở thành Ô DIên (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội ngày nay), đồng thời ông muốn con trai Nhã Lang của mình được kết hôn với con gái Cảo Nương của Triệu Việt Vương.
Hai thuộc tướng của Triệu Việt Vương là anh em Trương Hống, Trương Hát đã hết lòng khuyên can Triệu Việt Vương không nên đồng ý cuộc hôn nhân này, đồng thời nói rõ bài học Trọng Thủy, Mỵ Châu xưa kia. “Đại Nam quốc sử diễn ca” có mô tả việc này như sau:
“Có người: Hống, Hát họ Trương
Vũ biền nhưng cũng biết đường cơ mưu,
Rằng: “Xưa Trọng Thuỷ, Mỵ Châu,
Hôn nhân là giả, khấu thù là chân.
Mảnh gương vãng sự còn gần,
Lại toan dắt mối Châu Trần sao nên?”
Thế nhưng vì muốn hai bên mãi được thái bình, Triệu Việt Vương không nghe lời khuyên can, đồng ý cuộc hôn nhân, đồng thời lại đồng ý cho Nhã Lang ở rể.
Trong thời gian ở rể, Nhã Lang để tìm hiểu hết cách bố phòng quân của Tiệu Việt Vương rồi về báo lại toàn bộ cho Lý Phật Tử.
Năm 571, Lý Phật Tử phụ lời thề cho quân bất ngờ đánh úp quân của Triệu Việt Vương. Trong thế trận bị đánh bất ngờ, lại bị lộ hết cách bố phòng, Triệu Việt Vương không thể chống đỡ nổi đành bỏ chạy tìm nơi hiểm yếu . Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông chạy đến cửa biển Đại Nha thì cùng đường, không còn lối thoát, đành nhảy xuống biển tự vẫn. Từ câu chuyện lịch này, người xưa có câu rằng:
Lý Phật Tử xuôi đông gây hấn
Triệu Việt Vương dừng bước hơn thua
Năm lần đụng trận năm lần thắng
Chiến địa mang mang ngọn gió lùa
Đánh bại được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử lên ngôi vua, ông cho mời hai anh em Trương Hống, Trương Hát làm quan cho mình, nhưng hai anh em không đồng ý về ở ẩn trên núi Phù Long. Lý Phật Tử bèn cho người lùng bắt, hai anh uống thuộc độc, thà chết vẫn trung thành với Triệu Việt Vương.
Lý Phật Tử lên ngôi xưng là Lý Nam Đế, để phân biệt ông với Lý Bí nên lịch sử gọi là Hậu Lý Nam Đế. Từ đây Vạn Xuân có được cảnh thái bình 30 năm.
Không chống nổi giặc, Lý Phật Tử đầu hàng
Trần Bá Tiên sau khi về nước dẹp hết đám phản loạn trong nước, lên ngôi Vua, lập ra nhà Trần (lịch sử gọi là nhà nam Trần), xưng là Trần Vũ Đế. Tuy nhiên sau 2 năm lên ngôi thì bị bệnh rồi mất.
Năm 589 nhà Tùy diệt nhà Trần thống nhất đất nước. Năm 602 Lệnh Hồ Ly theo lệnh của vua Tùy sai sứ sang Vạn Xuân thúc dục Lý Phật Tử sang chầu, Lý Phật Tử xin khất đến tháng 11 sẽ lên đường. Lệnh Hồ Ly vốn chỉ muốn ràng buộc Lý Phật Tử nên bằng lòng theo lời xin. Thế nhưng có người báo với vua Tùy rằng Lệnh Hồ Ly đã nhận tiền của Lý Phật Tử nên mới cho xin khất.
Vua Tùy liền sai bắt Lệnh Hồ Ly rồi đưa quân sáng đánh Vạn Xuân. Thừa tướng Dương Tố tiến cử Lưu Phương thống lãnh 27 doanh quân sang đánh.
Lưu Phương người Trường An, có tài làm tướng, ra kỷ luật quân binh rất nghiêm, ai vi phạm đều chém; nhưng Lưu Phương cũng rất nhân ái yêu thương binh sĩ, ai ốm đau cũng đến hỏi thăm và ưu tiên cho họ. Vì thế mà quân sĩ vừa mến lại vừa sợ uy.
Quân Tùy đến núi Ô Long (tức núi Tụ Long trước đây thuộc tỉnh Hà Giang, nay thuộc Vân Nam, Trung Quốc) thì gặp quân Vạn Xuân. Lưu Phương đánh tan quân binh Vạn Xuân tại đây rồi kéo đến thành Cổ Loa đánh Lý Phật Tử. Trong thành Lý Phật Tử sợ hãi xin hàng. Nước Vạn Xuân bị mất.
Nhận định về Lý Phật Tử, sử thần Ngô Sĩ Liền viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư đã việt như sau:
“Lấy bá thuật mà xét thì Hậu [Lý] Nam Đế đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn. Sao thế? Là vì khi Tiền Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo đem việc quân ủy cho Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt được tướng của y là Dương Sàn. Tiên, người phương Bắc, phải lui quân. Bấy giờ vua [Hậu Nam Đế] trốn trong đất Di [Lạo], chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May mà Bá Tiên về Bắc, [Lý] Thiên Bảo chết, mới đem quân đánh [Triệu] Việt Vương, dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông gia. Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm của Việt Vương đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao ? Thế mà [Hậu Nam Đế] lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu?”
Lịch sử 58 năm của Vạn Xuân, từ năm 544 Khi Lý Bí đại bại quân Lương, lên ngôi Vua, lập ra nước Vạn Xuân, cho đến năm 602 khi Lý Phật Tử đầu hàng có hai điểm sáng được lưu lại:
Đó là hình ảnh nữ tướng Phạm Thị Toàn dù có công đầu đánh bại quân Lương ở trong nước, lại ra bắc đánh bại viện binh quân Lương, rồi xuống nam đánh bại quân Lâm Ấp, lần nào cũng dũng mạnh tiên phong lập công lớn. Nhưng khi đất nước thái bình, Lý Nam Đế ngỏ lời cầu hôn để phong vương phi, nữ tướng này đã khéo léo từ chối về quê nhà dựng chùa đi tu.
Một hình ảnh khác lá Triệu Việt Vương 5 lần đánh bại quân của Lý Phật Tử, nhưng đều đứng trên cao nhìn quân Lý Phật Tử bỏ chạy mà không cho quân mình thừa thắng đuổi theo truy kích. Có lẽ lúc đó ông đã nghĩ là người cùng một nhà, lại cùng nhau sống trong gian khó những ngày đầu khởi nghĩa ở Thái Bình; rồi khi cùng nhau chống quân Lương ở Long Biên, Tân Xương rồi Điển Triệt mà đã tha cho quân của Lý Phật Tử.
(Hết)
Trần Hưng
Theo trithucvn.co
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!