Home » Cổ truyền, Văn hóa » Câu chuyện về vị Nguyên soái cùng cuộc chiến giữ nước Vạn Xuân (Phần 1)

Dù chỉ tồn tại 58 năm, nhưng thời Vạn Xuân có rất nhiều những con người quả cảm và trung nghĩa, một lòng xây dựng đất nước Vạn Xuân thái bình, trường tồn mãi mãi sau suốt thời gian dài bắc thuộc.

Tham gia khởi nghĩa Lý Bí

Thời thuộc Lương vào thế kỷ thứ 6, ở Chu Diên trang Thái Bình (nay là vùng huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) có vợ chồng ông Triệu Xương và bà Lý Thị Thích hay giúp người khác, làm nhiều điều phúc đức, nhưng lại chưa có con. Hai ông bà thường khấn Phật xin một đứa con để giúp đời.

Một đêm bà Thích mơ thấy có rắn hóa quấn quanh thân mình, hào quang sáng rực nhà, bà được tặng một bông sen trắng. Sau đấy bà thụ thai rồi sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú. Hai ông bà vui lắm, đặt tên cho con là Triệu Chí Thành. Lớn lên Trần Chí Thành rất giỏi âm, luật, đánh đàn, còn thổi sáo thì không ai bằng.

Lúc này Giao Châu đang nằm dưới ách đô hộ của nhà Lương, Lý Bí được làm chức Giám quân cho nhà Lương. Tuy nhiên làm quan rồi Lý Bí mới thấy hết chính quyền nhà Lương đối xử rất hà khắc và tàn bạo với người dân. Bất bình với việc đô hộ tàn ác này, ông từ quan về quê chiêu mộ binh mã chống lại chính quyền đô hộ.

Triệu Chí Thành là một trong những người đầu tiên tham gia cuộc khởi nghĩa. Cuối năm 541 Lý Bí chính thc khởi binh tiến đánh quân Lương, khí thế rất mạnh, quân Lương không chống nổi. Lý Bí đưa quân đánh chiếm thành Long Biên (sau này đổi tên là thành Thăng Long).

Năm 542 Lương Vũ Đế cho quân đánh chiếm lại Giao Châu, Lý Bí cho quân chủ động đến bán đảo Hợp Phố ((khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) để đón đánh. Quân Lương vừa kéo đến thì bị quân của Lý Bí đổ ra đánh bại hoàn toàn.

Lợi dụng lúc quân Giao Châu tiến đến phía bắc đánh quân Lương, thì quân Lâm Ấp ở phía nam vượt dãy Hoành Sơn chiếm quận Nhật Nam, rồi kéo quân tiến đánh quận Cửu Đức. Lý Bí lại đưa quân xuống phía nam đánh tan hoàn toàn quân Lâm Ấp.

Mùa xuân năm 544 Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở cửa sông Tô Lịch, đặt tên nước là Vạn Xuân với mong muốn Giang Sơn Xã Tắc mãi đến muôn đời.

Tham gia cuộc khởi nghĩa ngay từ những ngày đầu tiên, Trần Chí Thành tham gia nhiều trận đánh lớn, góp công lớn cho việc thành lập nước Vạn Xuân, ông trở thành tướng quân của Lý Bí.

Triệu Chí Thành

Đình Bối Hà cạnh chùa Hà, Hà Nội, nơi thờ Thành Hoàng Triệu Chí Thành. (Ảnh: Bùi Thế Tâm, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Cuộc chiến bảo vệ Giang Sơn

Không muốn mất vùng đất Giao Châu, tháng 5 năm 545, nhà Lương cho viên tướng giỏi nhất của mình là Trần Bá Tiên đem 8 vạn quân sang đánh Vạn Xuân

Lý Nam Đế đưa 3 vạn quân phòng thủ ở phòng tuyến sông Hồng. Tuy nhiên Trần Bá Tiên là viên tướng giỏi, quân Lương lại rất mạnh và đông hơn nhiều khiến quân Vạn Xuân không sao chặn lại được và phải rút đến sông Tô Lịch.

Tại sông Tô Lịch, quân Vạn Xuân lập một chiến lũy vội vàng bằng đất được gia cố thêm lũy tre để ngăn quân Lương, dù chiến lũy lập vội vàng không thể vững chắc nhưng rất nhiều binh sĩ Vạn Xuân tập trung ở đây quyết chiến với quân Lương.

Tướng quân Trần Chí Thành cùng các tướng sĩ Vạn Xuân anh dũng cầm cự suốt hơn 1 tháng tại đây, đại tướng Phạm Tu cầm quân quyết chiến đến cùng đã hy sinh, người đứng đầu quan văn là Tinh Thiều cũng đã ngã xuống, nhiều tướng sĩ khác của Vạn Xuân đã dũng cảm hy sinh tại chiến lũy này. Dù lịch sử không ghi rõ, nhưng có thể người chỉ huy toàn quân là Thái phó Triệu Túc đã hy sinh trong trận quyết chiến này.

Nhận thấy tình thế quân mình dần ngày càng bất lợi, Lý Bí cùng Trần Chí Thành và các tướng sĩ khác rút đến thành Gia Ninh (tức Phong Châu cũ, nay là xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Tháng 7/545 quân Lương tiến đánh thành Gia Ninh, Trần Chí Thành cùng các binh sĩ Vạn Xuân đã quả cảm chống cự dưới sự chỉ huy của Lý Nam Đế. Tinh thần qu cảm của quân Vạn Xuân giúp họ cầm cự được suốt 7 tháng trước sự tấn công liên tục của quân Lương.

Cuối cùng, để bảo tòan lực lượng, Lý Nam Đế cho quân rút lui, dựa vào dân chúng mau chóng khôi phục lực lượng, sau 8 tháng quân số đã lên đến 2 vạn. Lý Bí đưa quân đến hồ Điển Triệt (tên nôm là Đầm Miêng) thuộc xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú làm căn cứ, nơi đây có quả đồi cao có thể đóng quân, lại quan sát được quân Lương ở cửa sông Lô, Bạch Hạc. Nơi đây quân thủy bộ có thể hỗ trợ được cho nhau lập thành thế trận vững chắc.

Trần Bá Tiên quyết định đưa quân tiến đánh hồ Điển Triệt dù các tướng sĩ dưới quyền đều không mấy hưởng ứng. Quân Lương đến nơi nhưng lúng túng không dám tiến đánh trước thế trận vững chắc của quân Vạn Xuân.

Nhưng trong đêm ấy đột nhiên mưa to như trút nước, mực nước các con sông sông dâng nhanh, cao đến 7 mét tràn vào hồ khiến các chiến thuyền quân Vạn Xuân tròng trành. Trong thủy chiến xưa kia, bên nào có lợi thế xuôi theo dòng nước thường chiến thắng có rất nhiều lợi thế. Tận dụng cơ hội này Trần Bá Tiên cho quân tiến nhanh theo dòng nước vào hồ Điển Triệt.

Quân Vạn Xuân gặp bất lợi, thuyền lại tròng trành do nước lên nhanh, không thể chống cự được nên bị tan vỡ. Lý Bí đưa quân rút đến đng Khuất Lão, đồng thời trao quyền chỉ huy toàn quân cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục (con trai của Thái phó Triệu Túc) với trọng trách khôi phục lại nước Vạn Xuân.

Lúc này quân Vạn Xuân phân tán, một phần theo Lý Nam Đế đến động Khuất Lão, một phần quân theo Tả tướng Triệu Quang Phục, một phần đi theo Lý Thiên Bảo (anh họ Lý Nam Đế) và Lý Phật Tử vào Thanh Hóa.

Nhận thấy Triệu Quang Phục đã gánh trách nhiệm chỉ huy toàn quân nằm khôi phục Giang Sơn, tướng quân Triệu Chí Thành quyết định đi theo Triệu Quang Phục.

Trần Hưng

Theo trithucvn.org

 

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc