Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh

Trong sáu tháng đầu năm 2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức tăng của các nước Malaysia, Singapore, Indonesia.

Mức tăng khả quan vừa nêu chủ yếu là do lượng khách đến từ các nước châu Á – Thái Bình Dương. Để bắt kịp sự thay đổi của các thị trường xa và gần, ngành du lịch đang có nhiều việc cần phải làm.

Du khách nước ngoài trên bãi biển Đà Nẵng.

Tiềm năng lớn từ các thị trường gần

Trong tổng số hơn hai triệu rưỡi lượt khách đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm, khách Trung Quốc chiếm gần 20% (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Liên Bang Travelink – công ty chuyên thị trường khách nói tiếng Hoa – dự đoán từ tháng 9 đến cuối năm, khách Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh hơn.

Theo ông, đây là hiệu quả từ các đợt quảng bá của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại Trung Quốc những tháng đầu năm và do Vietnam Airlines đã mở đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Thượng Hải vào tháng 3 năm nay. Ngoài Trung Quốc, những thị trường có mức tăng trưởng tốt là Nhật (gần 20%), Hàn Quốc (gần 30%), Úc (26%) rồi đến Thái Lan, Campuchia, Đài Loan. Còn theo đánh giá của các công ty du lịch ở TP.HCM, lượng khách từ các nước Bắc Mỹ, châu Âu chỉ tăng tối đa là 10%.

Trong sáu tháng đầu năm nay, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam hơn hai triệu rưỡi lượt. (Ảnh minh họa).

Nhìn chung, khách khu vực châu Á – Thái Bình Dương đi du lịch nội vùng đang tăng mạnh cả về số lượng và mức chi tiêu. Nhiều hãng lữ hành quốc tế có chung nhận xét là du khách Trung Quốc, Ấn Độ, Hong Kong… sử dụng các dịch vụ du lịch cao cấp ngày càng nhiều.

Chẳng hạn, chương trình đưa khách Trung Quốc đến Việt Nam hằng tuần bằng máy bay thuê bao đang phát triển khá tốt, ngoài tuyến Quảng Châu – Đà Nẵng mỗi tuần ba chuyến hiện có, ngày 30-9 tới đây sẽ có đoàn khách Trung Quốc đầu tiên bắt đầu tuyến đi máy bay thuê bao từ Trùng Khánh sẽ đến Hà Nội.

Trước xu hướng mới này, Đà Nẵng đang là địa phương đi đầu trong việc đẩy mạnh xúc tiến du lịch ở các thị trường gần. Trong tháng 6, địa phương này đã tổ chức chương trình quảng bá ở Thái Lan và Hồng Kông, mới đây Đà Nẵng cũng đóng 50.000 USD để cùng Vietnam Airlines tổ chức roadshow ở Tokyo và Osaka, rồi tham gia hội chợ du lịch JATA tại Nhật vào tháng 9 này.

Cần làm tốt hơn công tác quảng bá

Một điều đáng chú ý là tuy lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không trong những tháng đầu năm tăng gần 30%, nhưng lượng khách quốc tế đến Hà Nội qua sân bay Nội Bài lại giảm khoảng 6%. Có thể một phần là do giá phòng khách sạn cao cấp tại Hà Nội chỉ giảm 18% so với năm 2008, trong khi khách sạn cao cấp ở các điểm đến khác trong cả nước giảm đến 30%.

Năm du lịch quốc gia 2010 được tổ chức tại Hà Nội, nhưng theo đánh giá của nhiều người trong ngành du lịch thì sự kiện du lịch lớn nhất cả nước này chưa có nhiều giới thiệu hấp dẫn để thu hút khách quốc tế. Các tour du lịch thăm các làng nghề, võ đường, kinh đô cổ… chưa được quảng bá mạnh mẽ trong và ngoài nước, môi trường văn hóa du lịch cũng chưa được cải thiện.

Trong quý I, nhiều hiệp hội du lịch quốc tế tại châu Âu, châu Á mà Việt Nam là thành viên đã tổ chức nhiều hội chợ lớn, nhưng ngành du lịch Hà Nội không tham gia. Còn tại World Expo 2010 đang diễn ra tại Thượng Hải, Việt Nam dù có một khu nhà triển lãm riêng nhưng lại không hề có chút thông tin nào về du lịch Việt Nam.

Trong khi đó, các quốc gia khác đều tranh thủ quảng bá về du lịch bằng nhiều phương tiện với sự hỗ trợ lớn của ngành du lịch và các hãng hàng không quốc gia. Đại diện một số công ty du lịch lớn của TP.HCM cho biết các công ty này không hề nhận được lời mời tham dự hay đóng góp ý kiến từ Ban tổ chức gian nhà Việt Nam tại World Expo 2010.

Kinh phí hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam năm nay được tăng thêm 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số hoạt động thiết yếu vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Chẳng hạn, trang web impressivevietnam.vn ra mắt vào tháng 5 có giao diện đơn giản, màu sắc, thiết kế không ấn tượng, không được đầu tư thích đáng nên chưa thể hiện tính sáng tạo hơn so với web trang kích cầu du lịch năm 2009.

Các hiệu ứng hỗ trợ cho web chưa nhiều và trong khi phần lớn khách du lịch đến nước ta chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Pháp… thì trang web này chỉ có tiếng Anh và Việt. Đã vậy, tiếng Việt chiếm tới 70% và được trình bày theo kiểu một bên nội dung là tiếng Việt – bên còn lại là tiếng Anh chứ không có side riêng. Nội dung thông tin nghèo nàn, các sự kiện lớn của du lịch Việt Nam năm 2010 đều không được giới thiệu.

Tại TP.HCM, lượng khách quốc tế trong sáu tháng đầu năm cũng chỉ tăng 12%, doanh thu chỉ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung công tác quảng bá cũng không có gì nổi bật so với những năm trước. Ngoài ra, các chính sách miễn thuế VAT cho du khách nước ngoài vì liên quan đến các ngành khác như thuế, tài chính, hải quan… và còn vướng nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên luôn phải chờ đợi khá lâu mới đi vào thực tiễn.

Việc cấp visa tại chỗ cũng chưa đơn giản và nhanh chóng như các quốc gia khác trong khu vực. Nếu làm tốt được những chính sách trên, ngành du lịch Việt Nam sẽ còn thu hút nhiều hơn khách từ các nước gần và còn tạo được đà cho năm sau, khi khách châu Âu, Bắc Mỹ bắt đầu quay trở lại như dự đoán của nhiều người trong ngành.

 Theo 24h.com.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc