Home » Thế giới » “Siêu nhân” Tây Tạng

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Popular Machanics cho thấy người Tây Tạng là một điển hình cho sự tiến hóa của con người hiện đại để thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt. Về một số mặt thể chất, có thể gọi người Tây Tạng là “siêu nhân” thực sự.


Từ khi sinh ra, trẻ em Tây Tạng đã quen với không khí loãng ở độ cao hàng ngàn mét trên mực nước biển.

Một người bình thường nếu leo lên Himalaya, dãy núi cao nhất thế giới, sẽ rất khó thở khi chưa thích nghi được với không khí loãng. Trong lúc đó, hướng dẫn viên người Tây Tạng nhanh chóng leo lên trước và ngồi chờ… Hàng ngàn năm chọn lọc tự nhiên đã cho người Tây Tạng một lợi thế tiến hóa để đối phó với môi trường sống khắc nghiệt.

Ở độ cao trung bình 4.000m trên mực nước biển, Tây Tạng là một nơi có không khí loãng nhất hành tinh, với lượng ôxy ít hơn 40% so với vùng ngang mực nước biển. Khi người ở vùng thấp du lịch lên đây, cơ thể họ thích ứng bằng cách sản xuất thêm nhiều hemoglobin mang ôxy. Nhưng nếu ở độ cao này quá lâu, sự thích ứng đó lại bất lợi cho sức khỏe khi lượng hemoglobin tăng làm máu đặc, tim bơm máu khó hơn, có thể gây phù tim, phổi và mất khả năng sinh sản. Tuy nhiên, người dân địa phương Tây Tạng lại không gặp những vấn đề này.

Nghiên cứu mới cho thấy, người Tây Tạng, vốn sống ở những vùng rất cao trong hàng ngàn năm qua, có một biến thể gien giúp giữ lượng hemoglobin trong máu họ ở mức bình thường. Biến thể gien EPAS1 này liên hệ với sự thay đổi enzym với cách ôxy liên kết trong máu để được vận chuyển khắp cơ thể. So với người các vùng đất thấp của Trung Quốc, người Tây Tạng phát triển tốt ở vùng cao, họ không bị chứng say độ cao mạn tính và trẻ em của họ sinh ra có cân nặng bình thường.

Bác sĩ phẫu thuật Ken Kamler, tác giả cuốn Surviving the Extremes (Sinh tồn ở những vùng khắc nghiệt) và là cố vấn biên tập của tạp chí Popular Mechanics, cho biết: “Người Tây Tạng thực sự là những siêu vận động viên ở vùng cao. Tôi từng leo núi với họ. Tôi cao hơn họ, vậy mà họ leo nhanh hơn tôi dù vật nặng họ mang trên lưng thì thậm chí tôi không nhấc lên nổi”. Kamler kết luận: “Họ vững vàng và nhanh chóng leo lên rồi chờ đợi. Họ rõ ràng khác chúng ta”.


Người Tây Tạng cực khỏe trong khi leo núi cao và thời tiết giá lạnh.

Gien EPAS1 phát hiện ở người Tây Tạng là một thí dụ về sự thích ứng nhanh chóng nhất của con người hiện đại từng được ghi nhận. Trong 3.000 năm qua, tần số xuất hiện của gien đã tăng từ 10% đến 90% ở người Tây Tạng – theo Rasmus Nielsen, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học California-Berkeley (Mỹ). Nielsen cho biết đó một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của chọn lọc tự nhiên ở người.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu cơ chế vận chuyển ôxy và sự thích ứng của người Tây Tạng. Trong tương lai, những lợi ích của các gien tương thích đó có thể được mở rộng cho cộng đồng thông qua liệu pháp gien – dùng dược phẩm để thay đổi cấu trúc DNA của người. Các bệnh nhân bị giảm ôxy trong máu, tiểu đường, bệnh tim, phổi… sẽ hưởng lợi từ liệu pháp như vậy, Kamler cho biết. Thay thế gien EPAS1 của người Tây Tạng cho những bệnh nhân này sẽ cho phép các tế bào hồng cầu của họ sử dụng ôxy hiệu quả hơn để nuôi cơ thể.

theo saigonbao.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc