Home » Sức khỏe » Sinh đôi có gì vui?
Mang nặng đẻ đau chỉ một lần mà có được hai bé khoẻ mạnh, với nhiều người đó đích thực là niềm vui tăng đôi. Nhưng tìm đến các kỹ thuật sinh sản hiện đại lẫn kinh nghiệm dân gian để mong có được thai song sinh thì liệu có khoa học?

Nào! ta sinh đôi…

Sinh đôi, hay song thai, có tỷ lệ vào khoảng 1/150 – 1/100 lần sinh và có hai dạng: song thai cùng trứng (hiếm gặp, khoảng 1/250 lần sinh) và song thai khác trứng.

Song thai cùng trứng: phát triển từ một trứng thụ tinh bởi một tinh trùng nhưng trong quá trình phát triển đã chia làm hai thai. Song thai dạng này sẽ sinh ra hai bé hoàn toàn giống nhau về hình dạng bên ngoài, kiểu gen di truyền và có cùng giới tính.

Song thai khác trứng: hai trứng thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau và phát triển đồng thời thành hai thai, tỷ lệ có hai trứng cùng rụng trong một chu kỳ gia tăng với việc dùng các loại thuốc kích thích rụng trứng. Trong những người có dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản, có khoảng 25 – 30% là song thai (tam thai chiếm khoảng 5%). Hai bé có thể có cùng giới tính hay khác giới tính, hình dạng và kiểu gen di truyền tương tự như hai anh em ruột của hai lần sinh khác nhau.

Có một dạo người ta xôn xao trước báo động phụ nữ Trung quốc dùng các phương pháp kích thích rụng trứng để tăng khả năng sinh đôi, nhằm đối phó chính sách sinh một con của chương trình dân số ở nước này. Tại Việt Nam tuy chính sách dân số không như thế nhưng thời gian qua cũng đã có nhiều người sử dụng các phương pháp này, bất luận việc lạm dụng có thể đẩy sức khoẻ người mẹ vào tình trạng nguy cấp và không có được những đứa con khoẻ mạnh như ý muốn.

Những mối nguy cho mẹ và con

Với người mẹ, những nguy cơ hay được nhắc đến là: sảy thai (xác suất xảy ra có thể gấp đôi thai kỳ bình thường. Thường khi một trong hai thai bị hư, nhiều khả năng thai thứ hai cũng bị hư tiếp sau đó. Cũng có khi thai còn lại vẫn tiếp tục phát triển thành một đơn thai, thai chết tự tiêu đi hay trở thành “xác ướp” và sẽ được tống ra ngoài trong cuộc sinh (người ta đã tính có khoảng 50% trường hợp song thai có tình trạng này); sinh non (chiếm tỷ lệ khoảng 50%, khi tuổi thai càng nhỏ, khả năng sống của trẻ càng thấp và khả năng bệnh lý càng gia tăng); sinh khó (có thể do ngôi thai bất thường hay do tình trạng bụng quá to gây rối loạn cơn gò tử cung. Tỷ lệ mổ sinh khá cao và khả năng băng huyết sau sinh cũng dễ gặp); bệnh lý trong thai kỳ (nhiều bệnh lý có thể gặp như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật – sản giật, nhau bong sớm, rối loạn nước ối… xử trí đương nhiên phức tạp hơn đơn thai).

Với người con, có thể gặp những nguy cơ như: sức khoẻ kém do tình trạng sinh non (khả năng con bị ngạt hay thở kém do phổi chưa đủ trưởng thành cũng như khả năng bệnh tật sẽ cao. Trẻ nhiều nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng và vàng da nặng nề trong giai đoạn sơ sinh. Tử vong do sinh non cũng là nguyên nhân hàng đầu trong tử vong ở song thai); dị tật thai (nguy cơ cao gấp đôi thai bình thường, đặc biệt khi có song thai cùng trứng); tình trạng truyền máu giữa hai thai (do phân bố mạch máu nên có tình trạng một thai được tập trung nhiều dinh dưỡng trong khi thai còn lại được ít hơn. Tình trạng này có thể đưa đến một thai bị suy dinh dưỡng, có thể chết trước khi sinh. Thai còn lại có khả năng bị phù và cũng có thể xấu. Đây là tình trạng khó xử lý nhất vì không có cách nào can thiệp, dù có thể nhận biết sớm).

Vui tăng thì khổ cũng tăng

Thực tế cho thấy, nuôi dạy trẻ song sinh không dễ, nhất là các cặp vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm nuôi con. Chỉ mỗi chuyện cho con bú thôi cũng đã khó khăn: làm sao đủ sữa cho cả hai đứa? rồi đứa nào trước hay sau mà vẫn đủ chất bổ dưỡng?… Trẻ sinh đôi lúc nhỏ thường có bệnh cùng lúc, do ảnh hưởng chung môi trường và tác nhân gây bệnh. Lớn lên một chút, tâm lý các em cũng ảnh hưởng nhau rất nhiều, đa số rất quấn quýt, hiểu ý nhau hơn anh em ruột không cùng lần sinh. Tuy nhiên thiên hướng hay ý thích thì có thể khác nhau. Việc giáo dục trẻ sinh đôi luôn đòi hỏi không nên tách rời trẻ quá nhiều, cần chú ý cho trẻ phát triển theo khuynh hướng cá nhân, không gò ép chúng phải giống nhau…

Sinh đôi, nhìn ở góc độ nào đó quả tình cũng thích. Sinh một lần rồi nghỉ khỏe, theo đúng tiêu chuẩn gia đình hai con. Tuy nhiên quá trình mang song thai phải nói là có lắm gian nan, thậm chí nguy hiểm, đòi hỏi người mẹ phải có sức khoẻ tốt và người cha cũng cần kiên cường để chăm sóc bà bầu, hiểu rõ và chấp nhận những nguy cơ có thể xảy ra, thông hiểu những dấu hiệu nguy hiểm để tiếp cận dịch vụ y tế đúng lúc.

Sinh đôi, nếu là quà tặng tự nhiên mà tạo hóa ban cho thì hãy đón nhận bằng cả tấm lòng, còn như không có thì cũng đừng cố tìm làm gì, bởi nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con có thể sẽ theo đó gia tăng.

Để tránh nguy cơ xấu cho sinh đôi

Trước tiên cần phát hiện song thai sớm. Có như vậy mới xác định rõ loại song thai nào và có hướng theo dõi, giải quyết kịp thời, cũng như hướng dẫn người mẹ trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.

Siêu âm sớm trong ba tháng đầu thai kỳ có thể giúp phát hiện song thai một hay hai buồng ối với xác suất khoảng 75%, siêu âm trễ hơn tỷ lệ này chỉ còn chừng 50% hay ít hơn nữa.

Nếu trong một thai kỳ bình thường, người mẹ khoẻ mạnh chỉ cần tăng khoảng 8-12kg thì trường hợp song thai cần tăng khoảng 18-20kg. Đặc biệt cần thêm nhu cầu canxi và sắt hơn bình thường. Ngoài ra, lịch khám thai các trường hợp này cũng phải thường xuyên hơn, nhất là vào các tháng cuối thai kỳ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ cho mẹ và thai nhi. Các bác sĩ cũng cần gia tăng thông tin tư vấn, đặc biệt báo trước các nguy cơ và dấu hiệu nguy hiểm để bệnh nhân biết lúc nào cần nhập viện theo dõi.

ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
(Theo SGTT)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc