Home » Kinh doanh » Cơ hội cho hàng Việt lên ngôi
Hơn 1 năm trở lại đây khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số hệ thống siêu thị tại TP HCM đã hạn chế tối đa việc bày bán các sản phẩm ngoại nhập mà thay vào đó là hơn 90% mặt hàng nội địa.

Sau hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí của mình trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng nội địa cũng đã tìm thấy cơ hội tạo dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng ra thị trường, góp phần cho sự lên ngôi của hàng Việt Nam hiện nay.

Khảo sát tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố cho thấy, tỷ lệ hàng nội được bày bán trên các quầy kệ ngày càng tăng lên rõ rệt. Cụ thể tại hệ thống siêu thị Marximark nơi có tỷ lệ bày bán hàng ngoại khá cao thì nay có đến 70% là hàng nội địa. Tại hệ thống siêu thị Big C, hàng nội địa chiếm gần 95% và con số này cũng tương tự tại hệ thống siêu thị Co.op mart của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Coop).

Cùng với diện tích trưng bày tăng lên, doanh số của Hàng Việt cũng có mức tăng tương ứng. Nhiều sản phẩm ngoại trước đây từng lấn lướt trên quầy kệ bây giờ đã bị thu hẹp diện tích và nhường chỗ cho thương hiệu trong nước. Bên cạnh đó, chính sự cải tiến từ hình thức, mẫu mã, chất lượng, giá cả sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đã và đang dần khiến hàng Việt Nam ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Bích Nga, trú ở phường Tân Quý, quận Tân Phú nhận xét: “Tôi thường mua hàng Việt Nam nhiều vì thấy hàng hóa trong nước trưng bày rất đẹp mắt, chất lượng cao”.

Có thể nói, các doanh nghiệp là người đầu tiên hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Điều này được thể hiện bằng việc họ đưa ra chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình hướng vào thị trường nội địa, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam tại siêu thị

Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam tại siêu thị

Nhiều doanh nghiệp điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn, Công ty cổ phần sữa Nutifood, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn, Vissan, Mỹ Hảo… đã tổ chức thành công các chiến dịch đưa hàng về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo cơ hội để người dân có thu nhập thấp được tiếp cận với hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp. Còn đối với người tiêu dùng, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đa số họ đã có ý thức trong việc mua và sử dụng hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Coop) cho biết: “Cuộc vận động đã khiến cho các nhà sản xuất và phân phối đã có nhiều cải tiến nâng cao chất lượng hàng hóa. Các doanh nghiệp đã ý thức hơn trong việc quảng bá sản phẩm, đầu tư nghiêm túc để cải tiến mẫu mã, xây dựng hệ thống kênh phân phối. Sau hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong hệ thống là hơn 50%. Điều này đã chứng tỏ người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt Nam”.

Đồng hành với các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của TP HCM cũng đã vào cuộc một cách tích cực từ cuộc vận động này. Sở Công thương TP HCM và Trung tâm xúc tiến thương mại TP HCM là hai đơn vị chủ lực trong việc triển khai các chương trình vận động dùng hàng Việt đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Đáng chú ý là các chương trình xúc tiến thương mại thông qua hình thức tổ chức Tháng bán hàng khuyến mãi, Hội chợ hàng Việt, Phiên chợ hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa và các khu chế xuất, khu công nghiệp… đã thực sự cuốn hút người dân. Chương trình không chỉ giúp người dân trên địa bàn thành phố hiểu nhiều hơn về hàng Việt mà còn đem lại hiệu quả tích cực đối với việc kích cầu mua sắm hàng Việt ở TP HCM trong thời gian qua.

Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM: Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” ở TP HCM thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, muốn “Người Việt dùng hàng Việt” thì ngoài việc vận động, khuyến khích người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt cũng cần phải nỗ lực lớn trong việc xây dựng thương hiệu thông qua nâng cao chất lượng cũng như tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để đủ lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Từ thực tế triển khai cho thấy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là một phong trào nữa mà đã thực sự trở thành một chính sách lớn, giúp các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam bước đầu tìm được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, cần phải có sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nếp nghĩ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường để sản xuất và đưa ra những mặt hàng chất lượng, góp phần thu hút người tiêu dùng hướng về hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển hơn./.

Theo vovnews

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc