Home » Kinh doanh » Kịch bản nào đối phó với lạm phát?
Liên tiếp tháng 9 và tháng 10.2010, chỉ số CPI đã tăng lên quá cao và đưa CPI 10 tháng năm 2010 là 7,58%. Vậy kịch bản nào để đối phó với lạm phát?

Kiềm chế nhập siêu

Ngay từ đầu năm 2010, mục tiêu kiểm soát và kiềm chế nhập siêu đã được đặt ra. Tuy nhiên nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu sẽ thấy nhập siêu vẫn chưa được kiểm soát và kiềm chế như mong muốn. Trong số này, đáng lưu ý nhất là những nhóm ngành hàng tiêu dùng xa xỉ.

Một chuyên gia tài chính phân tích: Thực tế là dù Bộ Thông tin – Truyền thông đã có văn bản khuyến cáo các DN kiểm soát việc nhập khẩu thiết bị và điện thoại 3G; thế nhưng không chỉ điện thoại 3G mà cả điện thoại xa xỉ iPhone4 cũng đang được nhập khẩu mạnh.

Hay như với nhóm hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, xe máy nhập khẩu nguyên chiếc và các loại đồ uống, nhất là rượu, bia thì lượng nhập khẩu và tiêu thụ còn kinh khủng hơn.

Chuyên gia này cho rằng với việc nhập siêu mạnh các loại mặt hàng xa xỉ sẽ khiến cho số lượng lớn ngoại tệ chảy ra nước ngoài, đồng thời cũng góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên cao.

Theo tính toán, 10 tháng đầu năm 2010 VN đã nhập gần 40.000 ôtô nguyên chiếc tương ứng hơn 600 triệu USD, xe máy nhập khẩu gần 100 triệu USD…

Bình ổn giá

Một trong những yêu cầu cấp bách khác là cần tăng cường kiểm soát giá và bình ổn giá. Thực tế hiện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành quy định, thực hiện huy động hàng trăm tỉ đồng để bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, chính sách này lại chưa mấy hiệu quả, thậm chí có nơi có chỗ lại không phát huy tác dụng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này sẽ kết hợp với lực lượng thanh tra thuế, quản lý thị trường… để tăng cường thanh – kiểm tra giá cả dịp cuối năm, đặc biệt với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký và niêm yết giá. Hiện đã có 150 DN nằm trong diện phải đăng ký giá bán các mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã triển khai hàng ngàn điểm bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên sau khi thực hiện, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều điểm bán hàng bình ổn giá không có thật, không có hàng hoá hoặc bán cao hơn giá cam kết bình ổn giá.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần có chế tài và hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, thay vì chỉ nhắc nhở, phạt hành chính hay truy thu khi NTD đã bị móc túi.

Đặc biệt, việc kiểm soát này không chỉ dừng lại ở việc bán đúng giá niêm yết, mà còn phải kiểm tra cả số lượng hàng hoá cam kết dự trữ và thực hiện bán bình ổn giá. Nếu không làm chặt khâu này thì hàng hoá rất có thể bị tuồn ra ngoài, hoặc DN lại lấy vốn ưu đãi của Nhà nước đem sử dụng sai mục đích.

Theo Phạm Anh

Báo Lao động


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc