Home » Giải trí, Thời Trang - Điện Ảnh » “Cá mập” Megastar đòi lẽ công bằng
Phải công bằng cho cả hai phía. Ví như thị trường trước đây chỉ có Toyota, nay thêm Lexus. Vấn đề là người ta đang muốn mua Lexus với giá của Toyota”.

Ông Brian Hall – Chủ tịch hội đồng quản trị của Megastar, công ty đang phải đối diện với cuộc điều tra vi phạm luật cạnh tranh trên thị trường nhập và phát hành phim tại VN – nêu hình ảnh ví von với cánh báo chí. Có thể ông đang muốn ám chỉ hành vi cáo buộc của 6 công ty phát hành và chiếu bóng cho rằng Megastar vi phạm nhiều điều khoản của luật cạnh tranh.

Giữa lúc các bên liên quan đang ngóng chờ kết luận điều tra của Cục quản lý cạnh tranh (CQLCT), ngày 9.11, giới truyền thông bất ngờ nhận được lời mời dự cuộc họp báo do Megastar tổ chức để nêu những luận điểm nhằm bác bỏ các điểm “luận tội” của bên kiện.

Có mặt tại VN từ cuối năm 2005, hệ thống rạp Megastar "nhập khẩu" vào VN trải nghiệm xem phim kiểu Mỹ bằng phong cách thiết kế phòng chiếu cũng như cách hoạt động.

Khi đối tác cũng chính là…đối thủ

Tháng 3.2010, sau nhiều năm âm ỉ những bất đồng, hục hặc, “mối lương duyên” mang tính chất vừa cộng sinh lại vừa là đối thủ giữa “đại gia” Megastar với nhóm 6 doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc có vốn cổ phần của Nhà nước, chính thức tan vỡ bằng hành động nộp đơn khiếu nại lên Cục quản lý cạnh tranh cáo buộc Megastar đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Việc ai đúng, ai sai trong biện pháp, chiến lược vươn lên chiếm lĩnh thị trường phim chiếu rạp sẽ chỉ có thể trông cậy vào bản kết luận công minh, sáng suốt của Hội đồng cạnh tranh. Mà theo Megastar, việc điều tra có thể sẽ kết thúc vào ngày 18.12.2010, trừ trường hợp CQLCT muốn gia hạn điều tra. Sau đó, Hội đồng cạnh tranh sẽ ra kết luận dựa trên kết quả điều tra.

Tuy nhiên, càng tìm hiểu căn nguyên vụ việc, lại càng thấy chẳng chóng thì chầy họ phải lôi nhau ra “công đường” để giải quyết mâu thuẫn. Dù về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp này ràng buộc lẫn nhau về quyền lợi: Rạp chiếu phim cần phim để chiếu – Nhà phát hành cần rạp chiếu để bán phim – Các hãng phim cần nhà phát hành và rạp chiếu để kiếm được lợi nhuận từ bộ phim của mình.

Vụ kiện tụng xảy ra ở hai mắt xích đầu tiên trên lĩnh vực phim nhập khẩu vào VN, chưa thấy có sự tham gia dưới bất kỳ hình thức nào của mắt xích thứ ba là các hãng phim nước ngoài. Tuy nhiên, tính chất của vụ việc lại phức tạp hơn rất nhiều, do “đặc thù” của công nghiệp điện ảnh VN là không tách biệt giữa hai khâu chiếu bóng và phát hành. Tất cả các nhà phát hành đều có rạp chiếu riêng!

Các cột mốc quan trọng của vụ kiện

Tháng 3/2010, sáu doanh nghiệp gồm: Galaxy, Điện ảnh Truyền thông Sài Gòn, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, Điện ảnh Sài Gòn, Điện ảnh Hà Nội, Điện ảnh 212 đồng đứng đơn khiếu nại lên Cục QLCT cáo buộc Megastar đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Ngày 7/6, Megastar gửi bản giải trình đầu tiên lên Cục QLCT.

Ngày 8/6, Cục QLCT mở phiên họp điều trần lắng nghe ý kiến của các bên.

Ngày 18/6, Cục QLCT ra quyết định điều tra chính thức.

Ngày 17/9, bên khiếu nại nộp bản giải trình bổ sung, trong đó rút lại cáo buộc Megastar đã quy định giá vé tối thiểu cho khán giả trong các thư xác nhận đặt phim.

Khi “cá mập” tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro

Cuối năm 2005, Megastar chính thức có mặt tại VN trong mô hình một doanh nghiệp liên doanh, mà theo như bên khiếu nại, 90% vốn góp là của công ty Envoy Media Partners Ltd., Mỹ; phần nhỏ còn lại là công ty văn hóa Phương Nam.

Không chỉ đem tiền vào VN để phát triển nhanh chóng một hệ thống các cụm rạp từ Bắc chí Nam với tiêu chuẩn thiết kế và cách vận hành theo kiểu Mỹ. Điều đáng nói hơn là Megastar còn nhập khẩu vào VN một cách thức làm ăn trong ngành điện ảnh hoàn toàn chặt chẽ, tỉnh táo và lạnh lùng với duy nhất một nguyên tắc: “Tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro”.

Phương thức phát triển và giải quyết bất đồng theo kiểu “người nhà đóng cửa bảo nhau” trước nay của các doanh nghiệp phát hành phim và chiếu bóng trong nước, bỗng chốc hóa thành chông chênh, đuối lý. Hai cách thức làm ăn khác biệt, xung đột đến mức cái này là trở ngại, là vật cản của cái kia, và ngược lại.

Cách nay 2 năm, quyền phát hành "bom tấn" Harry Potter phần 6 tại VN thuộc về Galaxy. Nhưng với phần 7 (ảnh), quyền này đã thuộc về Megastar.

Đại để, muốn mang được một phim của Megastar về rạp chiếu, doanh nghiệp chiếu bóng trong nước phải đối mặt với những nguyên tắc, điều khoản mặc cả đầy mới mẻ như: giá vé tối thiểu trên mỗi người xem là 25.000 đồng đối với phim chiếu vòng đầu (chỉ ngày chiếu đầu tiên của phim trên một lãnh thổ cụ thể, thường kéo dài từ 1 – 2 tuần); phải xếp lịch cho phim vào những ngày chiếu, suất chiếu thuận lợi nhất…

Và nếu như rạp nào rơi vào tình cảnh giống rạp của Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai – nơi chỉ cách rạp của Megastar chừng 100m trên cùng một trục đường ở TP.Biên Hòa, bán giá vé rẻ hơn – chắc chắn sẽ không nhận được chiếu phim của Megastar. Tất nhiên là với lý do khác.

Nhưng theo như cách phản bác những cáo buộc, “cá mập” Megastar xem chừng khá…vô can khi cho rằng đây là thông lệ làm ăn ở thị trường nhiều nước như Anh, Mỹ. Và do chỉ là một nhà phát hành hưởng hoa hồng do hãng phim chi trả lại, nên mọi chính sách, điều khoản của họ đều thực thi theo yêu cầu trong hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Chưa kể, trong vai trò sở hữu một hệ thống rạp chiếu hùng mạnh, Megastar còn đang bị rất nhiều cáo buộc là đã “chèn ép” phim của các nhà phát hành khác trên hệ thống rạp chiếu của mình. Tuy nhiên, cái lý cho những cáo buộc kiểu này xem chừng khá mỏng manh, bởi lẽ thường tình: quyền chiếu phim nào, vào giờ nào là quyền của các rạp!

Kết quả của sự khôn ngoan, tỉnh táo trong làm ăn của Megastar đã rõ. Chỉ trong hai năm trở lại đây, vị đại gia này đã hất cẳng các hãng phim Galaxy, BHD để giành được phần lớn quyền phát hành các phim “bom tấn” của Hollywood – những bộ phim có khả năng sinh lời cao nhất, khiến họ phải tìm lối ra ở dòng phim Hoa ngữ hay Hàn ngữ.

Thành công này còn mang lại một “trái ngọt” khác cho Megastar, đó là cả một hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc đều phải cầu cạnh họ để có được những “bom tấn” chiếu cùng lúc với thế giới – yếu tố được Megastar nhấn mạnh như công lao lớn đối với ngành chiếu bóng VN.

Và để đối diện với “cá mập” Megastar, những doanh nghiệp trong nước – vốn yếu hơn về tiềm lực đã chọn cách liên kết đứng chung một chiến hào trong cuộc chiến nhờ cậy đến pháp lý.

Dù kết quả đúng – sai thuộc về ai trong vụ kiện, trật tự trong lĩnh vực phát hành phim và chiếu bóng chắc chắn sẽ được lập lại bằng rất nhiều cuộc dàn xếp trong im lặng. Bởi suy cho cùng, chẳng doanh nghiệp nào muốn “phơi áo cho người xem lưng” bằng kiện cáo.

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc