Home » Thế giới » Bán đảo Triều Tiên : Viễn cảnh thống nhất hòa bình ngày càng xa vời
Viễn cảnh thống nhất từng bước và hòa bình bán đảo Triều Tiên đã làm lu mờ hẳn sau vụ quân đội Bắc Triều Tiên nã pháo sang một hòn đảo của Hàn Quốc. Thái độ hung hăng hiếu chiến, cùng với những tiết lộ về chương trình làm giầu uranium của Bình Nhưỡng càng làm cho quan hệ Nam – Bắc Triều Tiên thêm căng thẳng.

Cựu quân nhân Hàn Quốc đốt hình lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il tại Thành phố Cheongju, phía nam Seoul ngày 01/12/2010 REUTERS/Hwang Jung-hyon/Yonhap

Vụ quân đội Bắc Triều Tiên nã pháo sang một hòn đảo của Hàn Quốc cách nay vài ngày đã làm lu mờ viễn cảnh thống nhất từng bước và hòa bình bán đảo Triều Tiên. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào một khu vực dân sự, gây thiệt hại nhân mạng, kể từ khi hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953 giữa hai nước.

Thái độ hung hăng hiếu chiến, cùng với những tiết lộ về chương trình làm giầu uranium của Bình Nhưỡng càng làm cho quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên thêm căng thẳng.

Trong khi đó, theo giới quan sát, Bắc Kinh, đồng minh truyền thống của chế độ Bình Nhưỡng, cho dù tuyên bố là ủng hộ trên nguyên tắc việc thống nhất bán đảo này trong tương lai, nhưng thực ra lại muốn giữ nguyên trạng, duy trì một vùng đệm, ngăn cách Trung Quốc và một nước Hàn Quốc thân Mỹ.

Theo AFP, hầu như các nhà phân tích đều có cùng nhận định là bán đảo Triều Tiên có thể được thống nhất nhưng đó không phải là kết quả của một quá trình thương lượng một cách hòa bình.

Ông Peter Beck, chuyên gia quan hệ quốc tế, thuộc trường đại học Keio Tokyo, cho rằng việc thống nhất có nhiều khả năng diễn ra thông qua bạo lực hơn là qua giải pháp hòa bình, bởi vì chính quyền Bắc Triều Tiên tương đối ổn định, có một ban lãnh đạo trung thành với ông Kim Jong-Il và người kế cận là con trai ông ta, Kim Jong-Un.

Một số điện mật ngoại giao của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ, cho thấy là Trung Quốc đánh giá rằng Bắc Triều Tiên đã đi quá xa, khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai vào năm ngoái. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn cần Bình Nhưỡng. Theo chuyên gia Peter Beck, « các lãnh đạo Trung Quốc thuộc thế hệ mới không còn kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên, nhưng các lãnh đạo chủ chốt thì vẫn quyết tâm ủng hộ nước này ». Ông nhấn mạnh, « không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh muốn duy trì Bắc Triều Tiên như một quốc gia-đệm, Do vậy, viễn cảnh thống nhất trở nên xa vời ».

Đối với nhiều nhà phân tích, trong quá khứ, các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng là nhằm gây áp lực đối với Washington và Seoul. Tuy nhiên, lần này, Bắc Triều Tiên đã tính sai. Hoa Kỳ không vội vã, thậm chí còn bác bỏ đề nghị của Trung Quốc nhóm họp khẩn cấp hội nghị sáu bên về hồ sơ hạt nhân. Nhật Bản có thái độ tương tự, còn Hàn Quốc thì tuyên bố sẽ có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, như nhận định của nhà nghiên cứu Jeung Young-Tae, thuộc Viện Thống nhất của Hàn Quốc, có nhiều khả năng là chính quyền Bình Nhưỡng gặp khó khăn nghiêm trọng, ví dụ, dân chúng bất bình vì nạn thiếu lương thực. Hậu quả là hành động khiêu khích vừa qua có thể gây ra tác dụng ngược lại đối với Bắc Triều Tiên.

Theo ông Robert Dujarric, giám đốc Viện nghiên cứu châu Á, ở trường đại học Temple Nhật Bản, thì Trung Quốc, tuy rất muốn giữ nguyên trạng, sẽ không can thiệp để bảo vệ triều đại họ Kim hoặc sẽ không đưa quân sang Bắc Triều Tiên ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng.

Khó có thể dự báo được tương lai của triều đại cộng sản cuối cùng này. Nó có thể tan vỡ vào lúc không ai ngờ tới. Nếu vậy, thì việc thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chuyên gia Dujarric nhấn mạnh, trong ngắn hạn, hầu như không ai mong muốn sự thống nhất, bởi vì Hàn Quốc không có chuẩn bị gì về mặt chính trị, kinh tế hay xã hội cho kịch bản này.

Theo rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc