Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Cô dâu hiện đại ở Việt Nam

Họ là những người có khả năng tài chính. Nếu họ không phải thuộc tầng lớp thượng lưu thì cũng là trung bình khá, là những ‘lớp váng của xã hội’. Họ thường tổ chức đám cưới ở tầm tuổi 26-30 hoặc muộn hơn nữa. Ở độ tuổi này, họ đã đủ chín chắn, đủ chờ đợi để biết họ muốn gì.

  • [title]

Các cô dâu hiện đại muốn ngày cưới của mình phải lộng lẫy, lãng mạn và đúng như những gì họ vẫn thường mơ ước bấy lâu. (Phương Nguyễn)

Tóm lược

  • Những cô dâu hiện đại muốn ngày cưới của mình phải lộng lẫy, lãng mạn và đúng như những gì họ vẫn thường mơ ước bấy lâu và có nét gì đó giống trong những bộ phim chick-flick mà họ đã xem.

Ai là những cô dâu hiện đại?

Là một thợ chụp ảnh cưới không chuyên nhưng cũng được tín nhiệm kha khá và có gần hai năm kinh nghiệp chụp ảnh cưới, tôi đã từng gặp rất nhiều cô dâu hiện đại. Mỗi người một vẻ, mỗi người một tính cách khác nhau nhưng tôi vẫn nhận ra một vài nét chung ở họ – những nét nổi bật đủ để có thể giúp tôi phác thảo ra một bức tranh mà những cô dâu này là nhân vật chính. Họ đương nhiên không chiếm đại đa số trong xã hội nhưng cũng tạo nên một trào lưu đáng kể.

Những cô dâu hiện đại trước tiên là những người có khả năng tài chính. Nếu họ không phải thuộc tầng lớp thượng lưu thì cũng là trung bình khá, là những ‘lớp váng của xã hội’. Họ thường tổ chức đám cưới ở tầm tuổi 26-30 hoặc muộn hơn nữa. Ở độ tuổi này, họ đã đủ chín chắn, đủ chờ đợi để biết họ muốn gì.

Bảo Khánh là một cô dâu hiện đại như thế. Chị học đại học ở Hà Lan và sang Anh để lấy bằng thạc sĩ. Sau khi xong xuôi chuyện học hành chị mới trở về Việt Nam, hiện đang làm việc trong ngành tiếp thị cho một ngân hàng lớn ở Hà Nội. Lương của chị không dưới 1000 đô Mỹ, chưa kể các khoản thưởng khác của công ty. Ở tuổi 28, chị mới chịu nhận lời ‘theo chàng về dinh’ với anh bạn trai sau 5 năm hẹn hò yêu đương.

Chị nói: “Phải học luôn cho xong chứ cưới xin rồi khó học tiếp lắm. Lúc đấy thì mình lại thành thiệt thòi. Với cả cũng là thử thách cho chồng chứ. Nếu chờ đợi một vài năm mà không chờ được thì sau này chắc gì đã biết thông cảm và chia sẻ với vợ?!”

Nếu như trước đây khi chụp ảnh cưới, tay máy nào cũng băn khoăn là liệu cô dâu có xinh không, có ăn ảnh không, có biết diễn tự nhiên trước ống kính hay không thì nay, nỗi lo ấy đã không còn quá quan trọng. Các cô dâu hiện đại, họ tự tin, xinh đẹp và biết cách làm đẹp cho bản thân. Không chỉ đẹp ở nét mặt xinh xắn, họ còn biết cách ăn mặc hàng ngày cho hợp thời, trang điểm nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ để tôn nên những nét duyên cần thiết của họ.

Tại sao lại là những cô dâu hiện đại?

Và một khi tiền với họ không phải là vấn đề chính cần phải quan tâm thì họ luôn muốn cái ngày cưới của mình – cái ngày trọng đại nhất của đời con gái trở thành một sự kiện. Họ muốn ngày cưới của mình phải lộng lẫy, lãng mạn và đúng như những gì họ vẫn thường mơ ước bấy lâu và có nét gì đó giống trong những bộ phim chick-flick mà họ đã xem.

Hơn nữa, các chú rể của họ cũng là những người thuộc tầng lớp tương tự. Thế nhưng họ là đàn ông con trai nên chẳng mấy khi để ý đến các chi tiết nhỏ nhặt. Họ thường xuyên để những người phụ nữ của mình ‘làm người lãnh đạo’ trong cái ngày này.

Chị Thúy, từng du học ở Mỹ, kinh doanh cá nhân, kể cho tôi nghe về công đoạn chuẩn bị đám cưới của mình: “Chị tốn không biết bao nhiêu thời gian, tham dự bao nhiêu cuộc triển lãm cưới để thử váy và cuối cùng thì chết mê cái váy cưới Vera Wang tuyệt đẹp. Chị đã phải tự mình xách tay cái váy này từ bên Mỹ về vì không tin tưởng hàng gửi theo đường hàng không. Cái váy này chị mới mặc một lần duy nhất khi chụp ảnh cưới. Về Việt Nam ai muốn xem chị cũng không cho. Phải đợi đến ngày cưới thì chị mới cho mọi người chiêm ngưỡng chứ!”

Chị Thúy kể thêm: “Mẹ chị cho nhập toàn bộ hoa từ Dalat Hasfarm về Sài Gòn. Hơn 20.000 bông nên trước ngày cưới, cả nhà trải đầy hoa. Còn bộ ảnh cưới của anh chị được thực hiện bởi một nhiếp ảnh gia có tiếng ở Prague, Tiệp Khắc. Mọi người bây giờ cũng chăm đi Hàn Quốc, Hồng Kông chụp ảnh cưới lắm mà. Còn đám cưới, chị không thích cái kiểu Việt Nam là cứ phải xếp hàng để chụp ảnh. Chị chọn các tay máy nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam chụp ảnh cho đám cưới. Mà họ toàn ở Hà Nội nên chị phải chi thêm tiền máy bay cho họ vào trong này để chụp ảnh cho đám cưới.”

Tất nhiên không phải đám cưới nào cũng cầu kì như đám cưới của chị Thúy và đây chỉ là một ví dụ cho một cô dâu hiện đại. Đơn giản, họ muốn ngày trọng đại của họ phải được bạn bè trầm trồ. Và chính cái sự trầm trồ, cái sự cầu kì, cái sự hoàn hảo là những gì mà các cô dâu hiện đại mong muốn cho ngày mình lên xe hoa.

Truyền thống và hiện đại

Tuy nhiên, những cô dâu hiện đại vẫn phần nào bị ràng buộc bởi truyền thống và văn hóa Việt Nam, bởi họ hàng, gia đình và những người thuộc các thế hệ đi trước. Thế nên đôi khi rất khó tránh khỏi những sự khác biệt giữa lớp người trẻ và người lớn tuổi, giữa những cái cũ và cái mới, giữa những cái vẫn được biết đến là thuộc thế giới phương Tây và những cái thuộc về Á Đông, giữa những điều mong muốn và những gì có thể làm được trong thực tế.

Trong đám cưới truyền thống của Việt Nam thì khách mời là khách của cả bố mẹ gia đình hai bên, họ hàng từ xa tới gần và cả bạn bè. Do thành phần khách mời đa dạng và phong phú như vậy nên tất cả các thứ trong đám cưới cũng bị ảnh hưởng theo. Từ đó nảy sinh hai xu hướng.

Xu hướng thứ nhất là cặp đôi cô dâu chú rể đành phải tổ chức một cái đám cưới cực kì to, chấp nhận rằng ngày của mình không hẳn là của mình. Nếu làm đám cưới to cho nhiều người thì các nghi lễ đương nhiên cũng phải giản tiện đi rất nhiều. Địa điểm tổ chức cưới phải là nơi rộng rãi và phổ biến, không thể nào quá ‘khác người’ hoặc ở một nơi quá xa. Từ tâm lý này nên nhiều cô dâu chẳng muốn dồn quá nhiều tâm trí và sức lực đầu tư cho ngày trọng đại của đời mình nữa. Thế nên hoành tráng ư, lộng lẫy ư… tất cả vẫn chỉ là trong giấc mơ. Các cô dâu hiện đại chợt nhận ra một hiện thực là cưới cũng chỉ là một ngày như bao ngày khác và trong ngày hôm ấy, cô dâu lúc nào cũng là người mệt nhất.

H.Thảo đang làm việc cho một công ty tư vấn du học ở Hà Nội kể lại chuyện đám cưới của mình bằng một tràng than phiền: “Hơn một tiếng đầu là đứng chào khách. Vừa nóng vừa mệt mà vẫn phải cười tươi. Sau khi đón khách thì bắt đầu làm lễ. Mình vừa làm lễ xong thì một số người lục đục ra về vì họ ăn xong rồi, lại phải về văn phòng vì đã hết giờ nghỉ trưa. Thế là cô dâu, chú rể và bố mẹ hai bên lại phải ra chụp ảnh tiễn khách. Đến bạn bè thân muốn nói chuyện thì cũng phải cố mà đợi đến cuối buổi thì mới có thời gian!”

Để tránh những nỗi khổ như của H.Thảo và nhiều cô dâu khác, một xu hướng khác ngày càng phổ biến hơn trong các bạn trẻ, đó là bên cạnh một đám cưới ‘cho bố mẹ’ thì họ dồn nhiều tâm sức hơn để tổ chức một bữa tiệc cho riêng mình vào một ngày khác. Đó sẽ là một ngày vui thực sự của các bạn trẻ. Tức là họ sẽ làm riêng ra thành hai buổi cưới khác nhau. Buổi cưới thứ nhất là để phục vụ các bậc phụ huynh và buổi cưới thứ hai sẽ là một ngày vui thật sự dành riêng cho đôi trẻ “thích làm gì thì làm” và là của những người trẻ. Đây được xem như một phương án tối ưu để giải quyết những sự khác biệt mang tính thế hệ và thời đại.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc