Home » Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm, Xã hội » Sơn La, Điện Biên rung chuyển bởi động đất lớn nhất năm
2h sáng nay, người dân Sơn La, Điện Biên giật mình khi thấy nhà cửa rung chuyển, đồ đạc chao đảo. Viện Vật lý địa cầu ghi nhận trận động đất mạnh 5,2 độ richter.

Anh Quốc Tuấn ở thành phố Sơn La, cách huyện Sông Mã 100 km kể lại, khoảng 2h sáng cả thành phố rung chuyển, vợ con anh hốt hoảng định chạy ra ngoài. “Nhưng tôi cứ nghĩ động đất nhỏ nên đã trấn an mọi người. Sáng nay nghe thông báo, không ngờ động đất mạnh thế”, anh Tuấn nói.

Ngay tại huyện Sông Mã, nơi tâm chấn động đất, anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ phòng tái định cư huyện cho biết, gần sáng thấy mái ngói rung chuyển, anh em trong phòng hò nhau chạy ra ngoài đề phòng nhà sập.

“Chỗ tôi ở vị trí khá thấp, nhà cấp 4 nên chỉ thấy mái nhà và mặt đất rung chuyển. Còn những người ở tầng 2-3 của các ngôi nhà xung quanh thấy cả người bị nghiêng đi trong khoảng gần một phút”, anh Hiếu cho biết.

Thủy điện Sơn La cách huyện Sông Mã gần 150 km nên theo ông Nguyễn Đình Thảo, Phó giám đốc phụ trách thi công thủy điện Sơn La, công trình này không bị ảnh hưởng gì. “Đêm qua tôi và anh em ngủ ngon lành, đến sang mới nghe nói là ở Sông Mã có động đất”, anh Thảo cho hay.

Tại huyện Điện Biên Đông (giáp với huyện Sông Mã của Sơn La) và thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, người dân cũng ghi nhận những rung động.

Sông Mã đoạn chảy qua thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: vietnamangling.com.vn.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, động đất xảy ra khoảng 2h sáng nay, tại huyện Sông Mã (Sơn La), giáp ranh với Điện Biên. Đến 4h40 sáng, Sơn La, Điện Biên lại rung chuyển bởi dư chấn, cường độ 4 độ richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 12 km.

“Với cường độ khá mạnh, đạt 5,2 độ richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 17 km, động đất có thể gây chấn động cấp 6 theo thang MSK64 ở huyện Sông Mã, thành phố Điện Biên và các khu vực lân cận. Nhà cửa cấp 4 có thể bị nứt, ngói có thể bị rơi”, ông Minh nói.

Đánh giá tác động của trận động đất này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La và Điện Biên đều cho biết, đến hiện tại chưa được báo cáo về thiệt hại. “Do tâm chấn nằm trong khu rừng đặc dụng, lại ở độ sâu 17 km, nơi không có dân nên nhiều khả năng có thiệt hại”, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp Sơn La nói.

Tỉnh Sơn La thường xảy ra động đất do nằm trên vết đứt gãy sông Mã. Từ đầu năm đến nay, vết đứt gãy sông Mã kéo dài từ Quan Sơn (Thanh Hóa) đến Sơn La xảy ra nhiều trận động đất, gần đây nhất là chiều 19/9 tại Quan Sơn (Thanh Hóa) với cường độ 3,7 độ richter.

Trước đó, trưa 26/11/2009, tại huyện Bắc Yên (Sơn La), cách công trình thủy điện Sơn La 37 km, đã xảy ra trận động đất mạnh 4,1 độ richter. Nhiều cao ốc tại Hà Nội người dân cũng cảm nhận được dư chấn.

Trận động đất mạnh nhất ghi nhận tại Sơn La là 6,8 độ richter.

Hồng Khánh – Hoàng Thùy

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc