Home » Chia sẻ » Thổi hồn vào đá cần người có Tâm
Những câu chuyện được nghe từ lâu về miền biên giới phía Đông Bắc của tổ quốc luôn gợi lên trong tâm trí mọi người sự háo hức được khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú của núi rừng và những câu chuyện như cổ tích gắn với các địa danh Mèo Vạc, Quản Bạ, Lũng Cú, Đồng Văn.

“Em còn trong trắng ngây thơ lắm”

Cảm giác chung của du khách là thích thú xen lẫn hồi hộp, ngại ngùng khi đi suốt con đường từ Hà Giang lên Đồng Văn. Du khách sẽ đi qua Cổng Trời, và được ngắm nhìn núi đôi Cô Tiên – Quản Bạ lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, tròn căng như bầu ngực của các cô gái dậy thì. Mùa hè ở Quản Bạ có cảm giác như ở Đà Lạt với khí trời se lạnh và nắng hanh vàng. Mặc dù đã có một con đường ô tô mang tên con đường Hạnh Phúc vượt qua những triền núi cao nguyên đá lên đến tận Lũng Cú, Đồng Văn nhưng đây vẫn là con đường hiểm trở, gian nan thuộc loại nhất nước.

Con đường ngoằn ngoèo liên tục lên xuống đi trên những độ cao hơn nghìn mét, bên này là vách đá dựng đứng, bên kia là vực thẳm mà dòng sông Nho Quế dưới đó như một sợi chỉ mỏng manh. Xe chạy, mây mù tràn qua xe làm mọi người chợt co lại trong cái lạnh và sự lo ngại. Đó là khi qua đỉnh Mã Pì Lèng nghĩa là “nắm đuôi ngựa”! Ngày xưa, khi qua đây người ta phải nắm đuôi ngựa để lên được dốc.

Cao nguyên đá Đồng Văn có khoảng 40 điểm di sản có giá trị tài nguyên mang tầm ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Những dãy núi đá nối nhau trùng điệp với bao hình thù kỳ lạ, điểm xuyết những cánh rừng, con suối, dòng sông thoắt ẩn, thoắt hiện tạo nên vẻ đẹp lạ thường. Thất Diệp Chi Mai là loài thực vật quý hiếm vừa được phát hiện tại Cao nguyên đá Đồng Văn. Ở Dinh thự nhà Vương, người dân thường gọi là Vua Mèo – di tích được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1993 có bức hoành phi “Biên chính khả phong – Trấn ải biên cương” và ngoài cổng có 2 câu: “Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/Môn phong lưu quý khách vãng lai” (Gia đình tích thiện trọng người hiền ra vào/Cửa rộng mở đón khách quý tới thăm). Di tích lịch sử và danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia năm 2009 là Cột cờ Lũng Cú – Đồng Văn cao khoảng 1700m so với mực nước biển trung bình.

Điệu múa “Cọ chân” và tiếng khèn dìu dặt của người Mông

Những phiên chợ họp ven đường như làm bớt đi cái lạnh của khí trời, như tô đẹp hơn bức tranh vùng cao bằng sắc màu áo váy của các thiếu nữ vùng sơn cước. Những cặp trai gái ôm nhau vắt vẻo trên lưng ngựa, vẫy tay cười vui vẻ với khách qua đường. Đặc tính chân thật, mến khách của đồng bào dân tộc, và văn hóa ẩm thực với những món ăn nổi tiếng như thắng cố, mật ong bạc hà, trâu “gõ mõ”, lợn “đào công sự”, gà “chạy vũ trang”, chó “leo thang”, cùng với hương vị dịu ngọt của rượu ngô rất độc đáo ở Cao nguyên đá Đồng Văn.

Các điểm dừng chân ở Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, du khách được thưởng thức các điệu múa cùng tiếng khèn dìu dặt như mời gọi rạo rực, say đắm lòng người. Vẻ đẹp, ngây thơ của người con gái vùng cao nguyên đúng như miêu tả của nhà thơ nào đó:

“Em còn trong trắng ngây thơ lắm
Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”

Anh bộ đội Cụ Hồ tiểu phỉ trên những dãy núi đá tai mèo

Đêm mồng 1/12/2010, tại huyện Đồng Văn, các đại biểu quốc tế, trong nước, lãnh đạo tỉnh cùng với nhân dân Hà Giang đã tổ chức lễ hội hoành tráng nhân sự kiện Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO trao bằng công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Đây là công viên địa chất thứ 2 ở Đông Nam Á và là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam được công nhận là thành viên của mạng lưới này.

Trong đêm lễ hội, tôi may mắn có dịp được tiếp xúc, trò truyện với một Anh bộ đội Cụ Hồ từ thời chống Pháp. Anh bộ đội quê miền xuôi, sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã lên Hà Giang để tiễu phỉ. Ngày ấy, anh và các đồng đội đã phải vượt qua nhiều dãy núi đá tai mèo để tập kích vào tận hang ổ bọn phỉ. Có lúc bộ đội phải cải trang làm người dân tộc, thậm chí phải sống “ba cùng” với gia đình có người theo phỉ để thuyết phục, cảm hóa, vận động họ về với chính nghĩa.

Các anh, có lúc lâm vào hiểm nguy, cận kề cái chết để rồi bằng bản lĩnh, sự dũng cảm và tấm lòng chân thật mà thoát hiểm và chiến thắng khiến những trùm phỉ phải tâm phục, khẩu phục quy hàng. Hình ảnh đôi chân trần rớm máu của những người lính Cụ Hồ trên tầng tầng, lớp lớp đá tai mèo của cao nguyên Đồng Văn, cổng trời Quản Bạ trên đường đi tiễu phỉ trong các câu chuyện đã được đọc từ thưở nhỏ, được tái hiện, ăn sâu vào tâm trí của chúng tôi. Công viên đá địa chất Đồng Văn sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu đi những sắc màu và hình ảnh của các đồng bào dân tộc và anh lính Cụ Hồ.

Khai thác quặng antimoan ở mỏ Mậu Duệ và dòng sông chết

Để cho đá thốt nên lời

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và tôi được Anh Lê Quang Triều – Thường vụ tTnh ủy, chủ nhiệmỦyban kiểm tra Đảng – là người dân tộc Tày có học thức và năng lực, tuy mới 55 tuổi đã thuộc loại “trưởng lão” trong hàng ngũ lãnh đạo tỉnh “rủ rê” đi cùng xe từ Hà Giang lên Cao nguyên Đồng Văn.

Am hiểu sâu sắc về mảnh đất và con người Hà Giang, suốt dọc đường, Anh Triều giới thiệu, hướng dẫn cho chúng tôi về lịch sử, địa danh, địa hình, phong cảnh, và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Ngoài việc thưởng ngoạn sự kỳ bí, hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất địa đầu của tổ quốc, chúng tôi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội và quan điểm của một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về tình trạng khai thác quặng antimoan ở mỏ Mậu Duệ huyện Yên Minh ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Tài nguyên nước đối với những khu vực karst quí như vàng vì có nước thì sự sống mới tồn tại. Vậy mà môi trường và một dòng suối ở đây đang bị con người hủy hoại.

Đúng là cần có các biện pháp khẩn cấp và thiết thực để bảo tồn các di sản địa chất có nguy cơ bị xâm hại do các nguyên nhân tự nhiên cũng như nhân sinh. Ví dụ như hóa thạch “Bọ ba thùy” trên bề mặt đá vôi hệ tầng Chang Pung ở Lũng Cú sắp bị nước mưa xói mòn hết thì mới được làm hộp kính bịt lại mặc dù đã được cảnh báo trước, hoặc như ở Ma Lé bị người dân vô tư xâm hại bằng cách đào đất ở khu vực “Nghĩa địa Tay cuộn” để đắp nền nhà và hàng rào vv… Cần để cho chính những người đại diện cho dân cử ra trực tiếp tham gia vào Ban quản lý để họ hiểu rõ giá trị, ý nghĩa của di sản và quyền lợi mà mình đang sở hữu, thì chính họ sẽ có cách tốt nhất thuyết phục mọi người bảo vệ nó.

Mỗi năm, công ty khai thác khoáng sản cũng chỉ đóng góp cho huyện được 1,3 tỷ đồng nhưng cái giá phải trả về ô nhiễm môi trường, phá hoại cảnh quan lại quá đắt. Khi qua khu vực mỏ Mậu Duệ, tôi hỏi nhạc sĩ tài hoa Phó Đức Phương không biết đến lúc nào anh mới tìm được cảm xúc để viết bài hát “Sự hồi sinh của một dòng sông chết”?

Đất đai canh tác, nguồn nước ngọt trên cao nguyên đá Đồng Văn còn rất khan hiếm nhưng sức sống cày trên nương đá, sự chịu đựng, kiên nhẫn và sáng tạo của cộng đồng 17 dân tộc thuộc 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn thật đáng khâm phục.

Công viên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là di sản địa chất toàn cầu đã khó nhưng giữ được danh hiệu đó càng khó hơn. Cần có một chương trình hành động cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến các vấn đề quy hoạch tổng thể, xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục triển khai chương trình nâng cao kiến thức cộng đồng về di sản địa chất và công viên địa chất đến tất cả các đối tượng trong cộng đồng là góp phần tích cực nâng cao sức sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Xin mượn lời Anh Phạm Thế Hải – Phó Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang để kết luận cho bài viết này:

“Để cho đá thốt nên lời
Thổi hồn vào đá cần người có TÂM”

Tô Văn Trường

Theo bee

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc