Home » Chia sẻ, Tiêu biểu sideshow » “Thần y” nơi núi rừng
Là người đầu tiên đuổi “con ma rừng”, 34 năm liền làm trạm trưởng Trạm y tế xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Y sỹ Đặng Đăng Lý luôn tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số, nhờ có ông mà nhiều người được cứu sống từ lưới hái “tử thần”, nhiều hủ tục lạc hậu được bài trừ. Từ những thành công đó ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2000 cùng hàng trăm bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước và các cấp bộ, ngành.

12h trưa tôi đến nhà ông Đặng Đăng Lý, thật lạ nhà làm gì mà đông người thế? Tôi thầm hỏi vậy. Cùng lúc đó có thêm hai xe máy chở 4 người phóng vù vào sân nhà, tôi nghe thấy giọng của một người đàn bà vọng từ trong nhà ra (bà Bàn Thị Triệu, vợ ông Lý) “Ông đi vắng từ sáng rồi, hôm qua có người từ bên xóm Đèo Bụt gọi điện sang nhờ đi tiêm hộ đứa cháu. Chắc chiều mới về”. Tôi giới thiệu là nhà báo muốn gặp ông Lý để trao đổi công việc. Vợ ông Lý cho biết “Giờ chắc chú phải đợi thôi, ông đi tiêm cách đây 7 cây số đường rừng núi cơ. Mọi người đến từ sáng không gặp ông, một số người nhà xa thì đợi, gần thì về”. Hướng ánh mắt theo bà, trước cửa nhà hàng chục người đang ngồi chờ để được ông khám chữa bệnh và phát thuốc.

Trong lúc đợi ông Lý về, tôi được trò chuyện với bác Nguyễn Văn Hùng, người huyện Yên Thế – Bắc Giang sang nhổ răng. Bác Hùng tâm sự: “Ông Lý là người dân tộc Dao, tôi sang đây nhiều lần rồi, ông ấy thật thà lắm. Ở tuổi ông, nhiều năm công tác như vậy, đáng ra đã xây được nhà cao cửa rộng, vậy mà ông cùng gia đình vẫn sống trong ngôi nhà gỗ này”.

Những bệnh nhân đợi ông Lý về ai cũng mệt mỏi. Bỗng chốc giọng của một người đàn ông cất lên “Ông Lý về rồi!”. Một người có vóc giáng nhỏ nhắn, vẻ mặt tươi cười, lưng gùi một thùng thuốc bước chân thoăn thoắt từ cổng đi vào. Sau màn chào hỏi, ông không lên nhà ngay mà gọi đứa cháu mang chìa khóa xuống cho ông mở cửa phòng khám “tư gia” rồi ông bảo ai bị nặng thì vào trước. Và cứ thế công việc của ông đến khi trời nhá nhem tối mới vãn khách, lúc này tôi mới có cơ hội để được trò chuyện với ông.

Y sĩ Đặng Đăng Lý.

Ngôi nhà nhỏ nằm ẩn khuất sau bụi tre già, ngoài ngõ treo đầy lồng chim, trước cửa là khu vườn rộng rãi mát rợp bóng cây. Ông kể, ông sinh ra và lớn lên tại thôn Cao Phong, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, hồi nhỏ gia đình nghèo, hôm nào cũng ăn cơm trộn với sắn, có bữa một bát gạo trộn với mười bát sắn. Lúc đó dân trong làng thường xuyên mắc các loại bệnh truyền nhiễm như dịch sốt rét, vì sờ vào người nóng nhưng bệnh nhân lại đòi đắp chăn bông nên người dân nơi đây họ cho rằng là bị con ma rừng làm. Nhìn những người hàng xóm ốm yếu rồi mất mà không có cách nào chữa trị, không lời nào giải thích được. Ông nhận thấy một phần trách nhiệm thuộc về mình và muốn làm một việc gì đó cống hiến cho quê hương. Do sức khỏe yếu ông không vào quân ngũ, năm 17 tuổi (năm 1966), gia đình ông có người ốm nặng, muốn đưa ra bệnh viện phải đi bộ 25 cây số đường rừng. Hơn nữa chứng kiến cảnh bà con dân làng khi có người ốm là mổ trâu, bò, lợn, gà nhờ “thầy” mo đến cúng bái rất tốn kém. Lúc đó ông đã học hết lớp 7, rồi tình nguyện đi học lớp y tế hợp tác xã thuộc khu gang thép Thái Nguyên. Kết thúc khóa học sau 3 tháng ông về quê làm y tá thôn bản. Đến năm 1971 ông được cử đi học lớp trung cấp tại trường Trung cấp y tế Bắc Thái, học xong nhiều nơi đã mời ông ở lại làm việc nhưng ông cứ nằng nặc đòi về quê để được phục vụ bà con.

Ông trở về quê hương, năm 1975 làm Trạm trưởng, kiêm nhân viên, kiêm tuyên truyền viên ở Trạm y tế xã Hợp Tiến, là trạm y tế dân lập nên thiếu thốn trăm bề. Những năm đầu ông đến đây là chuỗi ngày khó khăn vất vả nhất. Khi ông mới về, cả trạm chỉ có mỗi mình, vừa làm thầy, vừa làm tớ cộng thêm muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và chế độ. Ông Lý tâm sự: “Ngày đầu tôi đến đây phải đi mượn giường cũ của dân bản về làm giường bệnh, đầu tiên trạm mượn nhà ông Triệu Đức Thuận ở mỏ sắt Trại Cau làm trạm y tế, khi chiến tranh phải di dời lên nhà dân tại xóm Bãi Bông. Được một thời gian tôi vận đồng bà con đóng góp tre, nứa để dựng trạm. Dụng cụ khám chữa bệnh hồi đó chỉ có một cái ống nghe và bộ bơm kim tiêm, nếu muốn lấy thuốc phải xuống thành phố cách mấy chục cây số”. Làm việc không biết mệt mỏi, cứu sống không biết bao nhiêu bệnh nhân, mỗi ngày ông được nhân dân nơi đây trả 1 cân thóc, có vụ mất mùa suốt mấy tháng liền ông không được cân nào.

Không hưởng lương hay trợ cấp, bước chân ông đã in dấu khắp các nẻo đường phố núi này, ở đâu có người mắc bệnh không có điều kiện đi chữa trị, chuyện đến tai là ông lại tay xách nách mang đồ, chèo đèo lội suối, luồn rừng hàng chục cây số đến tận nơi chữa trị cho dân làng. Ông còn nhớ như in cái ngày một người ở xóm Đèo Bột sinh con tại nhà, rau thai không ra, mấy ngày sau mới đến gọi ông. Nhận thấy sự nguy hiểm cho người mẹ, giữa đêm khuya dưới cơn mưa tầm tã đến nhão nhoát bùn đất, ông vượt hơn 7 cây số núi rừng sang cắt rốn cho cháu nhỏ và một sinh linh nhỏ bé đã được ông cứu sống. Một trường hợp nữa là cách đây hơn hai chục năm chị Triệu Thị Đang, đi chăn trâu thấy chó sủa vào hang, tò mò chống tay xuống nhìn bị rắn cắn vào tay, gia đình dùng cây lá chữa trị tại nhà một tuần không khỏi mới đến tìm ông Lý. Rất may chị đã được cứu sống nhưng bị hỏng mất một ngón tay. Gặp chị Triệu Thị Đang trong ngôi nhà nhỏ tại xóm Đèo Bụt, nay chị đã có chồng và hai đứa con. “Nhờ có bác Lý mà tôi mới có ngày hôm nay, tôi biết ơn bác Lý nhiều lắm, biết đến bao giờ tôi mới trả được công ơn này”, chị Đang ngậm ngùi.

Ngày đầu khó khăn là vậy. Nhưng không lần nào ông than phiền, ông Lý không những làm tốt công việc của một trạm trưởng kiêm nhân viên. Ngoài ra ông còn là một tuyên truyền viên tích cực của xã. Khi những tập tục mê tín dị đoan còn phổ biến tại vùng miền núi xa xôi, phần lớn là bà con dân tộc thiểu số này. Trong làng có người ốm là cúng bái linh đình, rất tốn kém mà bệnh lại không khỏi. Đến lúc nguy kịch mới kéo nhau đến tìm ông Lý, sau mỗi lần chữa khỏi ông Lý lại đem câu chuyện đó đi kể cho dân làng nghe, dần dần trong làng họ cũng nghe theo. Chưa hết ông Lý còn tuyên truyền cho bà con ăn uống hợp vệ sinh, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm và giúp bà con xây dựng những công trình phụ, đến nay hầu hết các hộ dân trong xã đã xây dựng công trình phụ.

Bệnh nhân đang chờ đến lượt mình khám.

Mãi đến những năm thời kỳ đổi mới trạm y tế xã mới cử được mấy người đi học để có trình độ về phục vụ cho người dân, lúc này công việc của ông Lý mới được chia sẻ. Người dân nơi đây cho biết: “Ông Lý tốt bụng lắm, nhiều bệnh nhân nghèo, đến trạm khám không có tiền mua thuốc thì ông cho tiền. Ai mắc bệnh nặng không có phương tiện xuống huyện chữa trị ông cho mượn xe máy đi. Những dịp lễ, tết ông thường xuyên đi thăm hỏi và khám cho những người lớn tuổi, người có công với cách mạng”.

Danh tiếng của y sĩ Đặng Đăng Lý truyền đến tai nhiều người ở khắp các vùng lân cận của xã Hợp Tiến như xã Xuân Lương, Canh Nậu, Tam Tiến… thuộc huyện Yên Thế – Bắc Giang. Và nhiều người thuộc huyện Võ Nhai, Phú Bình, cùng hầu hết những người dân trong các xã thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái nguyên đều tìm đến ông mỗi khi có bệnh. Được bà con tin yêu, ông luôn đặt trách nhiệm của mình lên hàng đầu, sau mỗi tuần làm việc mệt mỏi ông lại vượt hơn 20 cây số đường rừng đi mua thuốc để phục vụ cho trạm.

Với những gì mà ông đã cống hiến mấy chục năm qua, năm 2000 ông Đặng Đăng Lý xứng đáng được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Qua hơn 40 năm công tác, 34 năm là trạm trưởng trạm y tế xã Hợp Tiến đến tháng 6 năm 2009 ông về hưu. Những tưởng giờ đây ông được an nhàn, nhưng thật lạ khi người dân đến trạm không thấy ông lại kéo nhau về nhà ông để khám, để chữa bệnh. Từ ngày ông về hưu mỗi ngày có trên dưới trăm người đến nhà ông khám, cuốn sổ ghi chép của ông dài dằng dặc danh sách người đến khám. Ngày nào cũng vậy, không kể mưa nắng từ sáng đến tối mịt, có ngày số lượng người đến phòng khám “tư gia” của gia đình ông còn đông hơn cả đến trạm y tế xã. Ông nói: “Thật là hạnh phúc cho tôi, cả đời này được bà con tin yêu, tôi sẽ chữa trị cho bà con đến lúc nào không còn sức để làm nữa”.

Như đã thành thông lệ, hễ có bệnh là đến ông Lý, người thì bong gân chân, tay chệch khớp, dị ứng hoặc nặng hơn là gẫy chân, sỏi thận, lao phổi… ông Lý đều chữa khỏi hết, thuốc tây không khỏi thì ông dùng thuốc nam. Chính vì thế gia đình ông từ lâu đã là địa chỉ tin cậy của những người bệnh.

Mải nói chuyện với khách, lúc này trời đã tối mịt. Trong vườn trước sân đàn lợn rừng của ông đã kêu eng éc đòi ăn. Ngoài ngõ chú chim iểng đang nói với khách là hàng chục bệnh nhân đang ngồi đợi ông Lý khám, chữa bệnh, “có khách, có khách… có khách”. Và ông Lý lại tiếp tục công việc của mình…

Theo suckhoedoisong

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc