Home » Kinh doanh » Hậu quả “Sóng thần Nhật Bản” sẽ lan tỏa ra thế giới

Hình ảnh những chiếc xe hơi, từ mới đến cũ, trôi dạt trong dòng nước hoặc bốc cháy tại Nhật Bản khiến bức tranh nền công nghiệp ô tô càng thêm ảm đạm.

Toyota, Honda, Nissan, Subaru, Suzuki, Mazda và một loạt hãng sản xuất xe hơi khác của Nhật đang phải tạm hoãn nhiều kế hoạch sản xuất sau những ảnh hưởng nặng nề từ trận siêu động đất và sóng thần tại bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản.

Các “ông lớn” liên tiếp dừng sản xuất

Bốn ngày sau vụ động đất kinh hoàng, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản bắt đầu thống kê thiệt hại. Một trong những nhãn hiệu xe hơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vụ động đất là Nissan. Đã có 2.300 chiếc xe Nissan và Infiniti bị hư hỏng, trong đó có 1.300 chiếc Infiniti M, FX và MX cùng 1.000 chiếc Nissan. Toàn bộ những chiếc xe Nissan kể trên đều đang chờ ngày chuyển sang Mỹ.

Hãng thông tấn Reuters cho biết, Nissan đã cho dừng sản xuất toàn bộ bốn nhà máy tại Nhật Bản của hãng đồng thời còn bỏ ngỏ thời điểm các nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trở lại.

images60209

Bãi "xe rác" sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản (IE)

Cũng cùng cảnh ngộ với Nissan là đồng hương Toyota với quyết định đóng cửa nhiều nhà máy tại Nhật Bản. Vụ động đất mạnh còn phá hỏng các nhà máy hạt nhân, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu điện trên toàn nước Nhật và ảnh hưởng trầm trọng đến các ngành công nghiệp. Theo dự tính, sản lượng của hãng Toyota sẽ giảm đến 40.000 chiếc.

Theo ông Shiori Hashimoto, đại diện của Toyota City, tổng cộng 12 nhà máy của hãng tiếp tục đóng cửa đến hết ngày 16/3 tới. Như vậy, hãng Toyota phải chấp nhận giảm 6% lợi nhuận, tương đương 72 triệu USD mỗi ngày. Trong khi đó,theo Bloomberg, hãng Goldman Sachs đã ước tính cả Nissan và Toyota đều thất thoát khoảng 24 triệu USD một ngày.

“Chúng tôi không biết đến bao giờ các cơ sở sản xuất mới có thể trở lại hoạt động bình thường khi các nhà máy điện hạt nhân bị hư hỏng như hiện nay”, Toshihiko Matsuno, chiến lược gia cao cấp của hãng SMBC Friend Securities tại Tokyo, cho biết.

Các hãng sản xuất ô tô khác cũng không thoát khỏi cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Ông Keitaro Yamamoto, đại diện phát ngôn của Honda cho biết, hãng đã ngay lập tức cho ngừng sản xuất tại hai nhà máy lớn nhất tại Nhật Bản ngay sau khi trận động đất nổ ra. Do ở cách xa nơi xảy ra thảm họa, nhà máy Suzuka tại miền Trung sẽ nhanh chóng trở lại sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, nhà máy Sayama tại phía Bắc thủ đô Tokyo, rất gần với tâm chấn sẽ phải đóng cửa ít nhất cho tới tối thứ 6 tuần này. Ông Yamamoto cho biết trụ sở của Honda hiện đang gặp khá nhiều khó khăn khi liên hệ với các chi nhánh, đặc biệt là các chi nhánh ở phía Bắc, nơi sản xuất nhiều mẫu xe xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

“Dư chấn” lan tỏa toàn cầu?

Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho nước Nhật, động đất và sóng thần còn có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Tờ Nikkei Nhật Bản khẳng định: “Vụ động đất kinh hoàng xảy ra hôm 11/3 vừa qua có thể sẽ trở thành một cú đánh chí mạng vào ngành công nghiệp Nhật Bản. Trong đó, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là ngành công nghiệp ô tô, linh phụ kiện, năng lượng và vật liệu”. Theo dự đoán, thảm họa tại Nhật Bản sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất ô tô toàn cầu vốn có dấu hiệu phục hồi.

Reuters cũng nhận định: “Vụ động đất đe dọa tới quá trình xuất khẩu ô tô và phụ kiện Nhật Bản sang thị trường Mỹ trong vài tháng tới, từ đó gây căng thẳng cho nền công nghiệp đang phục hồi vì thiếu nguồn cung cấp xe”. Từ ngày 11/3, toàn bộ các cảng lớn của Nhật Bản đều đã ngừng hoạt động. Thảm họa này khiến các tuyến đường xuất khẩu tại Nhật Bản bị phong tỏa hoặc xuống cấp nghiêm trọng.

Không chỉ riêng các nhà máy lắp ráp ô tô, ngay cả những cơ sở sản xuất linh phụ kiện tại Nhật Bản cũng bị đình trệ. Ví dụ điển hình là Autoliv, nhà sản xuất các sản phẩm an toàn trên xe hơi như dây đai và túi khí lớn nhất thế giới, đã phải đóng cửa một trong số ba nhà máy tại Nhật Bản.

Sở dĩ ngành công nghiệp Nhật Bản bị đình trệ lại có ảnh hưởng lớn tới thế giới như vậy, bởi vì, 40% nguồn cung cấp chip và 24% nguồn cung cấp chất bán dẫn đều đến từ Nhật Bản.

Nghiêm trọng hơn, những nhà máy lắp ráp xe hơi của Toyota, Nissan, Honda và nhiều hãng cung cấp phụ kiện khác đều nằm gần các lò phản ứng Fukushima vốn đang gặp rắc rối sau động đất.

Phan Nhung(Theo Đất Việt)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc