Home » Chia sẻ » Những chàng đẹp trai ế vợ ở Trung Quốc
Trong một rừng các chàng độc thân, Wang Lin có vẻ là gương mặt sáng: hàm răng trắng lóa, giọng hát khá hay, chiếc xe Nissan đệm da xanh cùng nghề bán bảo hiểm và tấm bằng đại học.

Một đôi tình nhân đi ngang qua tấm biển quảng cáo nhà ở Bắc Kinh. Ảnh: NYT.

“Bạn bè nói rằng tôi khá điển trai”, chàng trai 28 tuổi nói bằng thứ tiếng Anh trôi chảy. Tay anh rung rung chùm chìa khóa ôtô như thể đó là tấm bùa.

Tuy vậy, xét theo tiêu chuẩn của các cô gái Trung Quốc, Wang vẫn thiếu một thứ rất quan trọng: một căn nhà. Với mức lương 900 USD mỗi tháng trong khi một căn hộ hai phòng ngủ ở ngoại ô Bắc Kinh cũng có giá 150.000 USD, có thể anh sẽ mãi mãi phải chịu kiếp thuê nhà.

Wang cho biết chính vì không có nhà mà anh bị một công ty mai mối từ chối hồi năm ngoái. Mấy tháng qua, vài cô gái từ chối gặp anh lần thứ hai sau khi biết anh không có cơ mua nổi nhà.

“Đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có kiếm nổi vợ hay không. Tôi thấy mình như gã vô tích sự”, Wang nói. Anh hiện sống cùng bố mẹ, hai công nhân nghỉ hưu. Bố mẹ Wang liên tục thúc giục anh chuyện vợ con.

Các cơn sốt nhà đất đã khiến giá bất động sản ở Trung Quốc tăng trung bình 140% trên cả nước kể từ năm 2007. Riêng ở Bắc Kinh, giá nhà đất tăng gấp 8 lần trong vòng 8 năm qua. Tầng lớp lao động bị gạt ra khỏi thị trường trong khi khoảng 65 triệu căn hộ nằm trong tay giới đầu cơ.

Làn sóng này bắt đầu khi các chính quyền địa phương bán đất với giá cao. Các nhà đầu tư quá hào hứng đã đánh bật cư dân trong vùng ra khỏi nơi trú ngụ. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất là lớp nhân viên văn phòng trẻ thành thị, đặc biệt là nam giới, bởi ngày càng nhiều phụ nữ chỉ chấp nhận hẹn hò với những chàng có nhà.

Theo kết quả một khảo sát gần đây, hơn 70% số phụ nữ độc thân cho biết họ chỉ đồng ý lấy người có sẵn nơi ăn chốn ở. 50% số người được hỏi nói rằng tiêu chí tài chính ổn định là quan trọng nhất. Tính cách và tư cách đạo đức không nằm trong ba yếu tố đầu bảng.

Vì sự bất cân bằng giới tính tại Trung Quốc, sự cạnh tranh tìm bạn đời rất khốc liệt và phụ nữ ở ghế trên. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Hôn nhân và gia đình Trung Quốc và Liên đoàn phụ nữ nước này, khoảng 24 triệu nam giới sẽ không tìm được vợ vào năm 2020.

Zhang Yanhong, chuyên gia mai mối của Baihe, một trong những mạng hẹn hò phổ biến nhất tại Trung Quốc, cho biết nhiều nam giới nản chuyện yêu đương và không có cơ kiếm vợ.

“Việc đề cao chuyện sở hữu nhà đã làm thay đổi khái niệm tình yêu và hôn nhân. Phụ nữ đặt tiêu chuẩn kinh tế lên trên hết khi tìm kiếm bạn đời và điều đó không tốt cho các mối quan hệ cũng như xã hội”, bà nói.

Sự ám ảnh về nhà cửa đặc biệt đáng chú ý bởi quyền sở hữu nhà là tương đối mới mẻ tại Trung Quốc. Việc mua bán nhà đất chỉ được phép vào cuối những năm 1980 và thậm chí tại thời điểm đó, người mua nhà cũng chỉ được quyền sở hữu trong 70 năm.

Do lãi suất khi gửi vào ngân hàng thấp và tỷ lệ lạm phát cao, nhiều gia đình Trung Quốc đổ tiền vào mua nhà, hiện tượng mà các nhà kinh tế học gọi là bong bóng.

Han Han, một trong số những blogger nổi tiếng nhất Trung Quốc, thường mổ xẻ các chính sách mà ông cùng nhiều nhà kinh tế học khác cho rằng đã khiến giá nhà đất tại nước này tăng chóng mặt. “Các chính sách đó đã tạo ra một thế hệ thanh niên mà tham vọng duy nhất của họ là kiếm một mảnh đất cắm dùi”, ông nói.

Như nhiều chàng độc thân đầy lo toan khác, Yang Xuning, một phóng viên thể thao 29 tuổi ở Bắc Kinh, nói rằng anh chịu áp lực chủ yếu từ các vị phụ huynh.

Khi đến gặp bố mẹ bạn gái lần đầu tiên ở Thượng Hải năm ngoái, anh bị hỏi về thu nhập và kế hoạch mua nhà. “Tôi cố gắng giải thích với mẹ nàng rằng mua một số thứ ở thời điểm này là không hợp lý nhưng bà ấy không thèm nghe”, Yang kể.

Anh khăng khăng luận điểm của mình và mẹ vợ tương lai cũng nhất nhất ý kiến của bà. Chỉ vài tháng sau, đúng dịp kỷ niệm hai năm ngày yêu nhau, bạn gái Yang đá anh. “Rất nhiều cô chịu ảnh hưởng của bố mẹ và coi hôn nhân là cách đổi đời nhanh chóng mà không phải vất vả”, anh nói.

Nhiều phụ nữ biện hộ cho thứ tự ưu tiên của các tiêu chí khi chọn bạn đời. Họ viện dẫn truyền thống đàn ông phải có nhà cho dù ngôi nhà đó có thể kèm theo bà mẹ chồng.

Gao Yanan, nữ kế toán 27 tuổi say mê kính Raybans và đồ Zara, nói rằng chuyện đàn ông phải có nhà không có gì phải tranh cãi. “Người đàn ông phải cho cô gái biết ngay lập tức rằng anh ta có nhà hay không. Cô ấy sẽ có cơ hội thoát lưới tình”, Gao nói.

Đàn ông có nhà cửa cũng có mánh để tránh những cô nàng quá thực dụng. Liu Binbin, 30 tuổi, biên tập viên của một nhà xuất bản ở Bắc Kinh, cho biết anh thường đi xe buýt đến chỗ hẹn cho dù có ôtô. “Nếu họ hỏi tôi những câu như ‘Anh ở cùng bố mẹ hả’ là tôi biết họ tìm kiếm gì rồi”, anh nói.

Liu cho biết anh trải qua 20 cuộc hẹn hò qua mai mối rồi mới tìm được người bạn gái phù hợp hồi năm ngoái. Liu biết đó chính là người phụ nữ của đời anh sau ba tháng hẹn hò. “Suốt thời gian đầu nàng nghĩ tôi không có nhà nhưng vẫn yêu tôi. Người như nàng giờ hiếm lắm”, anh nói.

Ngọc Sơn (theo NYT)

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc