Đĩa nhạc Pháp thập niên 1970, cuốn sách cũ hay con thú thủy tinh… là các món ‘second hand’ bày bán tại khu chợ đậm không gian Pháp – Việt, lần đầu tiên diễn ra ở Idecaf, TP HCM, nhằm quyên tiền vì trẻ nghèo.
Thường lệ, vào chiều thứ bảy, khoảnh sân trước thư viện Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp Idecaf, TP HCM khá vắng lặng. Nhưng chiều 2/4, không khí ở đây náo nhiệt, sôi động hẳn vì lần đầu tiên CLB tiếng Pháp của Viện mở phiên chợ mua bán đồ cũ.
Dạo qua hơn 10 gian hàng, khách tham quan cảm thấy thích thú vì vật phẩm bày bán tại đây khá đa dạng, đầy màu sắc sống động. Từ các loại quần áo, khăn váy, sách vở, chén đĩa, đồ chơi, đĩa DVD, băng cassette đến các món đồ gỗ trang trí nội thất nho nhỏ, mắt kính, tạp chí, đồ sơn mài, xe đạp… đều được trình bày chăm chút sao cho bắt mắt. Gọi là đồ cũ nhưng các món hàng ở chợ không hề cũ kỹ, ngược lại, chúng khá mới, xinh xắn.
“Mua đồ cũ, góp tiếng cười”, một khẩu hiệu của phiên chợ. Tại phiên đầu tiên vào chiều 2/4 ở TP HCM, chợ diễn ra từ 14h đến 16h. |
Chỉ vào bộ thú bằng thủy tinh hình 12 con giáp nằm trên quầy, chị Tạ Thị Diễm Đào, thành viên của CLB tiếng Pháp, cho biết, đây là món quà của người bạn thân tặng mà chị rất thích. Khi biết có phiên chợ bán đồ cũ quyên tiền cho trẻ nghèo, chị không ngần ngại góp quà tham gia. Ngoài bộ thú, gian hàng của chị, vốn là chiếc bàn con, bày những cuốn tạp chí cũ, đĩa nhạc Pháp gốc, bộ tượng gỗ ông Phúc – Lộc – Thọ ngồi trong quả đào, vài chiếc túi nhỏ móc bằng len… “Mua đồ lưu niệm chất lượng cao giá rẻ, vì trẻ nghèo đây!”, chị Đào luôn miệng tươi cười chào hàng. Với mức từ 20.000 đến 50.000 đồng, trong thoáng chốc, nhiều món đồ của chị được khách tham quan mua sạch.
Ở góc khác, chị Nguyễn Thị Thúy Anh và người bạn của mình ngồi bệt trên miếng nhựa trải dưới đất, nhiệt tình rao hàng. Các món đồ của hai cô gái trẻ là tò he bằng đất nung, vài chiếc cặp tóc, móc khóa, vòng đeo tay hạt nhựa nhiều màu… Với giá bán khá rẻ, từ 1.000 đến 20.000 đồng, gian hàng của hai cô được nhiều vị khách nhỏ tuổi và bạn trẻ ghé qua.
Bạn Thúy Anh (áo xám, ngồi) tại gian hàng của mình. |
Đang học cao học ngành vi sinh vật tại Đại học Khoa học tự nhiên, TP HCM và tiếng Pháp ở Idecaf, Thúy Anh cho biết, cô và bạn của mình rất thích hoạt động này vì vừa có dịp làm quen với công việc kinh doanh, vừa có cơ hội giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Cô chia sẻ thêm: “Ban tổ chức quy định, cuối phiên, mỗi gian hàng góp 50% doanh thu vì mục đích từ thiện. Tôi hy vọng mình bán nhanh hết hàng để tiền quyên góp được nhiều”.
Là chợ nhưng cảnh mua bán ở đây diễn ra vui nhộn, không tiếng kỳ kèo, trả giá bực dọc, thay vào đó là tiếng cười thích thú khi ai đó mua được món hàng ưng ý, tiếng trầm trồ của vị khách tìm được chiếc đĩa nhạc Pháp cũ ưng ý…
Trần Hồng Quân, 9 tuổi, học sinh trường Lương Định Của cùng nhiều em bé tham gia phiên chợ với mục đích khác hẳn. “Em và các bạn đến đây để thực tập tiếng Pháp”, cậu bé nói. Các em nhỏ này cầm trên tay những mảnh giấy trắng và đến từng quầy hàng hỏi han đủ thứ về các món hàng bằng tiếng Pháp. Đáp lại, những người lớn cũng vui lòng trả lời bằng tiếng Pháp. “Em thấy cách học này rất thú vị!”, Hồng Quân nói.
Ông Hervé Fayet (phải), phụ trách CLB tiếng Pháp Idecaf, chúc mừng vị khách (áo xanh) trúng đấu giá bộ ly bằng sứ ở mức 850.000 đồng. |
Trong không khí mua bán náo nhiệt, một người đàn ông Pháp cầm chiếc micro luôn miệng mời gọi mọi người tham gia màn đấu giá nho nhỏ giữa buổi họp phiên.
Sau một hồi rao giá, ông bán được bộ ly bằng sứ với giá 850.000 đồng cho một vị khách. “Đừng quên rằng món tiền này sẽ được đóng góp cho trẻ em nghèo Việt Nam. Xin cám ơn các bạn rất nhiều!”, đưa tay quệt vội mồ hôi đổ ròng trên mặt, ông nhã nhặn nói lời cám ơn.
Đó chính là Hervé Fayet, người phụ trách CLB tiếng Pháp của Idecaf. Vợ của Hervé Fayet là chị Đoàn Thị Minh Cẩm – chủ thương hiệu thời trang Camy. “20 năm trước, một lần đi dự tiệc ở Việt Nam, tôi tình cờ gặp cô ấy. Ngay khoảnh khắc đầu tiên, tôi đã biết cô ấy sẽ là vợ của mình”, Fayet chia sẻ vui về vợ.
Từ tình yêu dành cho người phụ nữ của mình, Fayet dần yêu luôn quê vợ. Ông tự hào khoe mình gần như là người Việt vì có thâm niên sống ở đây 20 năm. Là giảng viên ở TP HCM, bên cạnh chuyên môn, Fayet nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.
“Ở quê hương tôi, vào mỗi cuối tuần, người dân thường mang đồ cũ đến các phiên chợ để mua bán, trao đổi. Thấy đây là nét sinh hoạt lành mạnh, nhiều ý nghĩa, tôi nung nấu ý định mở một phiên chợ tương tự như thế ở TP HCM”, Hervé Fayet chia sẻ.
Ý tưởng của ông được vợ, con trai và những thành viên của CLB tiếng Pháp ủng hộ rất nhiệt tình. Ngày chợ khai trương, bố mẹ của Fayet, vừa từ Pháp sang Việt Nam nghỉ lễ, cũng cùng cháu nội xắn tay vào bán hàng giúp.
Hervé Fayet hy vọng, nếu phiên chợ đầu tiên thành công, CLB tiếng Pháp sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này định kỳ để có thể quyên được nhiều tiền hơn vì mục đích thiện, đúng như khẩu hiệu của CLB: “Tham gia phiên chợ nhỏ, trao tiếng cười em thơ”, “Mua đồ cũ, góp tiếng cười”.
Bài, ảnh Thoại Hà
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!