Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » “Tẩy chay” thịt lợn, dưa hấu vì tin đồn thất thiệt
Khoảng 10 ngày nay, nhiều người dân Quảng Bình không dám mua thịt lợn, dưa hấu vì tin vào những tin đồn vô căn cứ kiểu “cả nhà chết vì ăn dưa”, hoặc “một chị bán thịt lợn lăn đùng ra chết vì… nhiễm bệnh tai xanh”.

Nháo nhác vì tin đồn

Khoảng 10 ngày nay, ở Quảng Bình bỗng nhiên xuất hiện tin đồn ở xã Mai Thủy – Lệ Thủy (có “dị bản” cho rằng sự việc xảy ra ở xã Lý Trạch – Bố Trạch) có một bà mẹ mua dưa hấu về nhà, hai đứa con nhỏ bổ dưa ra ăn. Vừa ăn được nửa quả thì hai đứa bé lăn ra chết mà bà mẹ không hề hay biết. Khi ông bố trở về, thấy hai đứa con nằm chết, đã nổi giận lôi đình đánh chết vợ cho bõ tức. Sau đó, thấy vợ con chết cả, người đàn ông này cũng đi… tự tử.

Tình trạng lợn ốm, chết là có thật nhưng do các bệnh thao mùa chứ không phải vì "tai xanh".

Cùng thời gian, rộ lên tin đồn hàng nghìn con lợn ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy chết hàng loạt vì bệnh “tai xanh”, và những con lợn chết này được nông dân bán tống bán tháo cho các tiểu thương để mổ thịt đem bán ra thị trường.

Ở huyện Lệ Thủy, tin đồn còn trở nên ly kỳ hơn khi có thông tin nói rằng có chị tiểu thương bán thịt lợn bỗng gục chết ngay khi đang bán hàng vì bị nhiễm… “tai xanh”. Tin đồn càng loan nhanh khi ở Quảng Trị xảy ra hai trường hợp tử vong với các triệu chứng nhiễm liên cầu lợn.

Tin đồn rợn người về cái chết vì bệnh “tai xanh” khiến người dân nhiều huyện, TP ở Quảng Bình gạt thịt lợn ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Theo ghi nhận của PV, tại chợ Mai (Lệ Thủy), hàng chục hàng thịt lợn rơi vào cảnh ế ẩm với doanh lượng bán ra giảm trên 50% so với ngày thường. Nhiều quày thịt lợn đã phải mua thêm thịt bò để bán thêm vì sợ lỗ.

Tại chợ Đồng Hới, thực trạng cũng không kém phần đìu hiu khi mỗi quày thịt thường ngày bán được khoảng 50 kg nay chỉ còn trên dưới 20 kg dù thịt lợn bán ra đều có dấu kiểm dịch. Tại nhiều khu chợ nhỏ khác, quá nửa số hàng thịt đóng cửa vì không có người mua. Ngoài các tiểu thương, những người bị thiệt nặng nề nhất chính là nông dân nuôi lợn, vì chi phí đầu vào không ngừng tăng lên mà heo thịt bị ép giá, không tiêu thụ được.

Chị T.T.D.H (giáo viên, ở huyện Lệ Thủy) nói: vì quá nhiều thông tin đáng ngại cộng với việc trực tiếp chứng kiến lợn bệnh chất chồng trên xe chở ngoài đường khiến 2 tuần nay chị không dám mua thịt lợn ăn, thay vào đó là thịt bò và cá nhưng cũng không dám mua cá đánh bắt xa bờ vì sợ… nhiễm phóng xạ.

Nông dân trồng dưa cũng khốn đốn vì “cơn bão” tin đồn ăn dưa chết người. Ở các xã Lộc Ninh, Lý Trạch và Hàm Ninh – những vựa dưa của Quảng Bình – mặc dù tư tương vẫn thua mua dưa chính vụ nhưng giá mua tại vườn đã giảm từ 3.000 đồng/kg xuống còn 2.000 – 2.500 đồng/kg.

Lượng dưa tiêu thụ ở thị trường tại chỗ cũng sụt giảm tệ hại, khiến những người bán dưa không khỏi hoang mang. Chị Nga, một người bán dưa dọc QL1A đoạn qua xã Lộc Ninh (TP Đồng Hới) buồn bã: “Mấy ngày nay nắng to, tôi mua nhiều dưa để bán nhưng nay giá bán đã giảm nhiều so với đầu mùa mà người mua vẫn thưa thớt, mời mua họ cứ nói ăn sợ chết mới khổ chứ”.

Cần tỉnh táo trước tin đồn thất thiệt

Trong khi chính quyền xã Mai Thủy khẳng định không có trường hợp nào chết vì ăn dưa hấu trên địa bàn, thì nhiều người dân xã Mai Thủy cũng khẳng định với PV không có câu chuyện đó trong xã. Song họ lại nói thêm “nghe nói chuyện này xảy ra ở Bố Trạch”!

Mặc dù đã xác minh nhiều nguồn thông tin, song không ai xác nhận với PV về câu chuyện ăn dưa chết người ở Lý Trạch, Nhân Trạch hay bất kỳ xã nào ở huyện Bố Trạch. Như vậy, có thể khẳng định tin “ăn dưa chết người” chỉ là đồn nhảm, thiếu căn cứ.

Tương tự, lãnh đạo các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy cũng khẳng định chưa xuất hiện dịch heo tai xanh ở địa phương. UBND huyện Lệ Thủy cho biết trong vài tuần lại đây, có khoảng 400 con lợn bị ốm, chết nhưng do bệnh tụ huyết trùng và các bệnh theo mùa chứ không phải heo tai xanh.

Theo ông Đặng Thái Tôn – Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy: do người dân không nắm rõ tình hình, bị tác động bởi những tin đồn đoán nên nhiều người không ăn thịt lợn, gây ra nhiều thiệt hại cho cả người nuôi và người bán.

Còn theo Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình, thời gian qua Chi cục đã quản lý rất chặt các cơ sở giết mổ, đều kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch đối với sản phẩm thịt lợn bán ra thị trường, không có chuyện đóng dấu “xóa bệnh tích” cho lợn ốm, chết. Chi cục xác nhận tình trạng lợn ốm, chết nhưng là do các bệnh theo mùa như dịch tả, thương hàn… chứ Quảng Bình chưa phát hiện dịch “tai xanh”.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, trong mọi trường hợp, người dân nên ăn chín, uống sôi để tránh các bệnh tiêu hóa về mùa hè.

Trước thực trạng này, đề nghị các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình tiếp tục có những thông tin chính thống, kịp thời để khuyến cáo người dân và ngăn chặn ảnh hưởng của những tin đồn thất thiệt tới tâm lý người dân.

Theo dantri


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc