Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Bão Chanthu có thể gây ngập lụt và lũ quét tại Việt Nam

Bão Chanthu (bão số 2) với diễn biến phức tạp dự đoán có thể gây ngập lụt và lũ quét rất lớn ở vùng núi phía Bắc nước ta. Trong khi đó, các địa phương vẫn đang bộn bề giải quyết hậu quả cơn bão số 1 vừa đi qua.

Tâm bão nhỏ, khả năng mưa lũ cao

Tại cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLB TW) với sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chuyên gia ngành khí tượng đưa ra nhận định: bão Chanthu có diễn biến tương tự 2 cơn bão vào vùng biên giới Việt – Trung năm 2007-2008 đã gây ra tình hình ngập lụt, lũ quét rất lớn.

Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, theo tính toán, chiều nay bão sẽ đổ bộ vào đất liền đúng lúc mức nước triều lớn. Do phạm vi gió mạnh tương đối tròn, đối xứng và tâm bão nhỏ nên khả năng mưa sẽ rất cao, không giống như cơn bão Conson (bão số 1) vừa qua.

Theo tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ: 4 giờ sáng nay (22/7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 450 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Tây Tây Bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Đến 4 giờ ngày mai (23/7) vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách Móng Cái khoảng 110 km về phía Đông. Sức gió giảm đi chút ít, mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Bão Chanthu áp sát biên giới Việt – Trung, tâm bão nhỏ nên nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa lớn và lũ quét. (Ảnh: NCHMF).

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, đi dọc theo vùng biên giới Việt – Trung và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc khu Đông Bắc. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Vùng biển vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, phía Bắc sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Từ đêm nay, ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Chưa tìm thấy 17 người mất tích sau bão Conson

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, bão Chanthu hình thành ngay sau khi cơn bão Conson vừa qua, lại được dự báo ban đầu là chỉ đi vào đất liền của Trung Quốc, nên đã có địa phương tỏ ra lơ là trong việc phòng chống bão.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo PCLB TW, hiện các địa phương đã liên lạc được với gần 44.000 tàu thuyền để vào nơi neo đậu an toàn hoặc hoạt động ven bờ từ Quảng Ninh đến Bình Định. Tuy nhiên vẫn còn 2 tàu với 27 ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa chưa liên lạc được.

Trong khi đó, theo thống kê về thiệt hại cơn bão Conson, hiện còn 17 người bị mất tích thuộc 3 tàu đánh cá của Quảng Ngãi. Tại tỉnh Ninh Bình, Thái Bình đã tiêu úng xong toàn bộ diện tích lúa bị ngập. Hai tỉnh Hà Nam, Nam Định hiện còn hơn 1.000 ha lúa bị ngập, dự kiến đến hết 22/7 sẽ tiêu hết. Hư hỏng ở Cầu Bính (Hải Phòng) tạm được khắc phục, đã thông cầu cho xe máy, xe thô sơ.

Phó Thủ tướng yêu cầu nghiêm khắc rút kinh nghiệm những vấn đề tồn tại trong việc ứng phó với cơn bão vừa qua. Trong đó ngành khí tượng phải xem xét lại các giải pháp kỹ thuật về dự báo, đo mưa, không thể để tình trạng dự báo sai về mưa như trong cơn bão vừa qua. Đặc biệt giải quyết việc 17 người còn mất tích, 2 tàu hiện vẫn chưa liên lạc được.

Nhằm đối phó với bão Chanthu, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đề phòng những diễn biến bất thường của bão. Rà soát, nắm chắc số tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền và các ngư dân biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh. Cùng đó cần quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, đặc biệt lưu ý tàu thuyền, khách du lịch, lồng bè thủy hải sản, dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, khu vực gần các bãi thải khai thác than, hầm lò, các hồ chứa.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, đề phòng mưa lũ chia cắt, chủ động triển khai việc di dời dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Phạm Thanh


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc