Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Đảng quay lưng với cơ hội sống còn?
Thời gian góp ý sửa đổi Hiến pháp sẽ được kéo dài thêm 6 tháng cho tới 30/9/2013, Công thư khẩn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiêm Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ban hành hôm 6/3 xác định điều này, cùng lúc chính phủ mở chiến dịch phản bác điều gọi là các ý kiến sai lệnh với đường lối của Đảng.

Dân không còn sợ hãi

Theo Lao Động Online, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng phải tăng cường bài viết với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ để đấu tranh ngăn chặn việc góp ý sửa đổi Hiến pháp mà có quan điểm chống Đảng, chống Nhà nước và chế độ. Trong khi đó theo VnExpress, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cùng ngày 6/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đa nguyên chính trị, đa đảng, xóa bỏ điều 4, đòi tam quyền phân lập, đòi phi chính trị hóa quân đội, tư nhân hóa đất đai là những vấn đề rất nhạy cảm nên cần bày tỏ rõ quan điểm, có cơ sở lý luận phản bác lại.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi thực hiện tối 7/3, Luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP.HCM nói rằng khi kêu gọi góp ý, ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Quốc hội Phan Trung Lý nói là không có vùng cấm, tất nhiên là đóng góp ý kiến thì có nhiều ý kiến khác nhau kể cả những ý kiến đi ngược lại quan điểm Nhà nước Việt Nam. Theo ông Lê Hiếu Đằng, hiện nay tình hình thế giới cũng như trong nước có những vấn đề cần phải xem xét lại, nếu không phù hợp nữa thì phải thay đổi. Đây là sự thật hiển nhiên, chứ không thể giáo điều giữ nguyên những thứ không còn phù hợp và đã trở thành lực cản sự phát triển đất nước. Ông Lê Hiếu Đằng tiếp lời:

“Ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ lập lại ý kiến mấy vị kia thôi và những điều ấy không hợp với lòng dân. Mới đây , chúng tôi được biết là tại Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến TP.HCM bộ phận thanh niên, nhiều anh chị đoàn sinh viên cũ cũng đóng góp những ý kiến rất khẳng khái, trong đó có vấn đề lãnh đạo của đảng Cộng sản, vấn đề quân đội, vấn đề tam quyền phân lập và một số vấn đề khác.

Tôi nghĩ người ta có quyền phát biểu mà không ai có thể ngăn cản được, đó là quyền công dân. Còn anh đem quyền lực để trấn áp thì cũng không thể nào đem lại hiệu quả như các vị đó mong muốn đâu. Đây là một xu thế của xã hội, một xã hội công dân đã trưởng thành có ý thức và bây giờ người ta không còn sợ hãi nữa, người ta thực hiện quyền mà luật pháp cho phép người ta kiến nghị.

Tôi nói Kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức mà nay lên tới 7.000 chữ ký thì tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc không nói trực tiếp cái đó đi, cái nào sai cái nào đúng và tại sao không cho đăng một cách công khai trên báo chí nhà nước kiến nghị đó, chúng tôi đề nghị Hiến pháp mới nếu anh nói anh dựa vào dân thì hãy để người dân phê phán những quan điểm sai trái.”

Cư dân mạng Bùi Thanh Hiếu từ Hà Nội nhận xét về những sự kiện mới nhất qua Công thư khẩn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiêm Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

“Nhà nước kéo dài thời gian góp ý kiến và việc họ nói sẽ chủ động dùng lý luận khoa học để phản biện thì tất nhiên là được, nếu cứ tranh luận sòng phẳng với nhau. Nhà nước vốn dĩ có truyền thông, có báo chí độc quyền còn người phản bác chỉ sử dụng mạng Internet mà mạng này thì bị tường lửa, trên mặt trận công bằng họ chịu rất nhiều thiệt thòi bây giờ còn đe dọa này kia thì càng bất công hơn nữa. Họ chỉ mới khách quan một phần, nếu họ muốn khách quan hẳn thì họ phải cho người của chúng tôi phản biện trái chiều cùng người của họ, phải cho 72 vị ký tên kiến nghị lên truyền hình tranh luận thế mới là dân chủ. Chứ thế này là kiểu diễn một mình một sân.”

Cơ hội để phát triển

Dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo đối phó, ngăn chặn những ý kiến trái ý Đảng như đa nguyên chính trị, đa đảng, đa sở hữu đất đai, phi chính trị hóa quân đội hoặc tam quyền phân lập, nhưng thông tin ghi nhận có những giới chức Quốc hội không phát biểu theo kiểu vuốt đuôi một chiều nữa.

VietnamNet trích lời TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nói rằng: “Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai.”

Vẫn theo lời TS Nguyễn Sĩ Dũng trên VietnamNet, Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới. Đây là thời kỳ của hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Không có những cải cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội, thì Việt Nam không thể thành công. Đã hội nhập thì phải chấp nhận các chuẩn mực của quốc tế. Đã cạnh tranh thì phải giải phóng được mọi tiềm năng của mình. Những rào cản và những trói buộc không đáng có phải được tháo dỡ.

Đồng cảm về vấn đề này, Luật gia Lê Hiếu Đằng phát biểu:

“Đây là một cơ hội cho Đảng và Nhà nước Việt Nam thay đổi để phát triển đất nước chứ không phải như tình hình hiện nay, như TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói là, chúng không nên giáo điều không nên bị vòng kim cô giáo điều ràng buộc, mà những giáo điều này ở các nước khác như nước Nga thì đã rách bươm, người dân Nga không ai chấp nhận. Còn ở các nước khác trong đó có các nước đông âu đã không chấp nhận nữa, tại sao chúng ta lại cứ bo bo giữ nó để nó ngăn trở sự phát triển đất nước và nhất là nó ảnh hưởng khối đoàn kết của dân tộc, không thể huy động toàn lực của dân tộc chiến đấu chống lại nghèo nàn lạc hậu, chống lại những bất bình hiện nay để xây dựng một nước Việt Nam mới ngang vai các nước trong khu vực đông nam á và thế giới. Thành ra bây giờ phải tháo bỏ cái vòng kim cô đó đi.”

Báo chí nước ngoài cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam bị việt vị khi kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Một làn sóng ý kiến đòi tam quyền phân lập để lập pháp, hành pháp, tư pháp có thể kiểm soát nhau, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, tư hữu đất đai, phi chính trị hóa quân đội đã được gởi tới Quốc hội, vấn đề này cũng bùng nổ trên các mạng xã hội.

Quyết định kéo dài góp ý 6 tháng được cho như đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là một mặt của vấn đề, bởi vì song hành với việc mở rộng thời gian là cả một chiến dịch góp ý theo kiểu một chiều nói theo quan điểm của Đảng mà các cơ quan truyền thông Nhà nước đang đồng loạt thực hiện trong vòng nửa năm sắp tới.

Nam Nguyên

Theo rfa

Chuyên đề: , ,

4 ý kiến dành cho “Đảng quay lưng với cơ hội sống còn?”

  1. Phong 09/03/2013

    Ở cơ quan, khi được hỏi ý kiến đóng góp về việc sửa đổi hiến pháp năm 1992 tôi cũng ghi vào văn bản đề nghị bỏ điều 4.

    Tôi nhận thức đây là quyền của mỗi người được nói lên suy nghĩ của mình, không e ngại gì cả.

    Reply
  2. ghost 09/03/2013

    Một ngày trên thế giới không còn bóng ma cộng sản cho dân được nhờ. Cộng sản việt nam đã phá nát nền kinh tế, tham ô lụn bại, thủ tướng tham nhũng mà kêu đồng chí X.

    Reply
    • Tên bạn (bắt buộc) 15/03/2013

      Tôi muốn đất nước phải đi theo quy luật của tự nhiên, thuận lòng người, đảng cộng sản thì phục vụ cho ai? thế giới này có mấy ai theo chủ nghĩa quân phiệt này chứ

      Xóa bỏ đi là điều tốt nhất, tôi mong điều đó xảy ra càng sớm càng tốt, tôi biết khi đó sẽ có rất nhiều người chết, nhưng cũng không sao, bởi chỉ đau một lần mà sẽ không bao giờ phải nghĩ về nó nữa

      Reply
  3. Jonny Nguyễn 09/03/2013

    Tại Trung Quốc dân đang tam thoái (đảng,đoàn,đội) với truyền tay nhau tác phẩm cửu bình ( http:/9binh.com ) , cộng sản toàn thế giới đang ở giai đoạn cuối cùng của tận cùng.

    Reply