Trong lúc Quốc hội Việt Nam sắp sửa có đợt đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp cao của đất nước, một vị dân biểu nói ông ‘rất lo lắng cho kết quả cuối cùng’.
Nói từ Hà Nội, nơi ông đang tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa 13 hôm thứ Hai ngày 20/5, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nói các quan hệ có dính đến lợi ích có thể ‘chi phối phần nào lá phiếu.
Trong kỳ họp kéo dài hơn một tháng này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và tiến hành đánh giá mức độ tín nhiệm của các chức danh do Quốc hội bầu.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Việt Nam các lãnh đạo chóp bu như chủ tịch nước, thủ tướng, các phó thủ tướng, các vị bộ trưởng bị đưa ra cho Quốc hội đánh giá.
Lo ngại
“Băn khoăn của tôi cũng như dư luận xã hội là làm sao cho kết quả cuối cùng chính xác đúng lòng dân và đúng thực tế,” ông nói.
“Nếu hiệu ứng cuối cùng không tác động đến dư luận xã hội và người dân không đồng thuận thì đó là thử thách lớn nhất của Quốc hội,” ông nói thêm.
Ông đưa ra dẫn chứng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng lấy ý kiến tín nhiệm nhưng kết quả cuối cùng là ‘hòa cả làng chả giải quyết được gì cả’.
Khi được hỏi về lo lắng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng qua những phát biểu mới đây về sự ‘công tâm, khách quan’ của các đại biểu Quốc hội qua lá phiếu tín nhiệm của mình, đại biểu Quốc cho rằng quan ngại này là ‘có cơ sở’.
“Quan hệ xã hội là hiện thực xã hội mà chúng ta không thể không thừa nhậ̣n. Tập tính con người Việt Nam là cả nể lẫn nhau, cảm tính là chủ yếu,” ông giải thích một số yếu tố có thể làm kết quả lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm bị sai lệch.
“Ngay cả những quan hệ xã hội gắn liền với lợi ích cũng sẽ chi phối phần nào (lá phiếu),” ông nói thêm và cho biết Quốc hội cũng đã có tính đến việc ‘chạy phiếu’.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 13/5 ngay sau khi Trung ương Đảng vừa bầu bổ sung Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Có khi người tốt bị loại, anh cơ hội lại có phiếu cao. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, điều đó cần hết sức quan tâm để làm sao thực hiện lấy phiếu cho chính xác.”
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ quan ngại các đại biểu Quốc hội có thực sự ‘công tâm, khách quan’ với lá phiếu của mình hay không.
‘Thiếu giám sát của dân’
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Dương Trung Quốc, là trong cơ chế hiện nay các đại biểu Quốc hội ‘không chịu sự giám sát trực tiếp của cử tri bầu ra mình’.
Đại biểu Quốc đề xuất ‘phải công khai ai bầu cho ai thì người dân mới biết đại biểu mình bầu ra có làm hợp với ý mình hay không’.
“Nếu chỉ nhấn nút trong hệ thống điện tử thì tính công khai rất bị hạn chế,” ông nói.
Ông giải thích rằng mặc dù việc bỏ phiếu kín có thể đảm bảo khách quan khi đối tượng bị bỏ phiếu không biết ai đã bất tín nhiệm mình nhưng điều bất lợi là người dân không giám sát được hành vi bỏ phiếu của vị đại biểu đại diện cho họ.
Ông cho biết đến giờ các đại biểu Quốc hội đã nhận được văn bản từ các chức danh sẽ được đưa ra đánh giá tín nhiệm. Tuy nhiên, chỉ với thông tin như thế sẽ ‘không hoàn toàn đầy đủ’, ông nói.
“Qua cảm tính cũng không chính xác,” ông nói thêm.
“Đánh giá một con người cũng không phải đơn giản. Anh phải có đầy đủ thông tin và có quan điểm cá nhân.”
“Lần đầu tiên nếu hiệu ứng cuối cùng không tác động đến dư luận xã hội, nếu người dân không đồng thuận thì đó là thử thách lớn nhất của Quốc hội chứ không phải ở các vị bị lấy phiếu,” ông nói.
Lấy phiếu và bỏ phiếu
Theo trình tự đánh giá tín nhiệm đã được Quốc hội thông qua thì công việc này sẽ trải qua hai giai đoạn là ‘lấy phiếu tín nhiệm’ và ‘bỏ phiếu tín nhiệm’.
Lấy phiếu tín nhiệm là đưa ra bàn cân để xem một vị nào đó được tín nhiệm cao hay thấp, còn bỏ phiếu tín nhiệm là quyết định vị đó có còn được tín nhiệm để tiếp tục tại vị hay không.
Khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu một vị nào đó bị hơn 2/3 hoặc hơn một nửa số đại biểu Quốc hội đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hai lần liên tiếp, thì vị đó sẽ được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.
Tuy nhiên Quốc hội cũng dự trù người bị lấy phiếu tín nhiệm có mức tín nhiệm quá thấp thì có thể xin từ chức ngay không phải đợi đến bỏ phiếu tín nhiệm.
Quốc hội cũng đã tính đến việc chuẩn bị phương án nhân sự thay thế một khi một chức danh nào đó được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm dường như sẽ cho Quốc hội lần đầu tiên có quyền quyết định vấn đề nhân sự lãnh đạo của đất nước vốn lâu nay thuộc quyền quyết định của Đảng mà Quốc hội chỉ có việc gật đầu phê chuẩn.
Trong dư luận rộng rãi có nhiều ý kiến bất mãn với thành tích điều hành kinh tế xã hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoặc của một số nhân vật trong nội các của ông như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Tuy vậy, giới quan sát tin rằng vị thế của Thủ tướng Việt Nam đã vững mạnh hơn sau Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản hồi đầu tháng.
Theo bbc
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!