Home » Chia sẻ, Tiêu Điểm » GS Nguyễn Lân Dũng: Nhường nhịn nhau là chìa khóa để giữ hạnh phúc
“Người chồng biết nhường nhịn, người vợ biết điều thì mọi chuyện đều êm thấm. Sự nhường nhịn nhau chính là chìa khóa để giữ hạnh phúc”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Nhắc đến Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, người ta không chỉ trầm trồ kính phục bởi tài năng, đức độ của ông, mà còn ngưỡng mộ trước một lối sống dung dị, một gia đình hạnh phúc. VietNamNet đã có cuộc gặp để nghe Giáo sư chia sẻ về cuộc sống đời thường của gia đình ông.

Gia đình Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

“Thắng vợ thì được cái giải gì?”

Đó là câu hỏi mà Giáo sư Lân Dũng tự nhắc mình để giữ bình tĩnh mỗi khi vợ chồng có chuyện tanh luận. Giáo sư bảo, vợ chồng ông có con trai năm nay đã 42 tuổi, bao nhiêu năm sống chung ông chưa từng bao giờ nặng lời với vợ.

Ông kể: “Vợ tôi làm lãnh đạo ở một bệnh viện lớn, nhiều lúc căng thẳng ở bệnh viện về, bà nói với tôi những điều chưa xác đáng lắm, nhưng tôi không cãi lại bao giờ. Tôi vẫn thường bảo là “Thắng vợ thì được cái giải gì? Thắng vợ thì đẹp đẽ gì”. Sau đó bà có nói với tôi là: “Sao hôm nọ bà nói sai mà ông không nói lại”. Tôi trả lời đúng như vậy”.

Theo ông, những gia đình trẻ hay xảy ra mâu thuẫn vì ai cũng hiếu thắng, tranh phần thắng về mình. Nếu cả hai vợ chồng biết nhường nhịn nhau thì gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc.

“Trong cuộc sống không thiếu gì những lúc nóng nảy, buồn bực. Trong trường hợp đó mà lại hiếu thắng, gân cổ lên cãi nhau thì rất dễ đổ vỡ, những đổ vỡ nhỏ dẫn đến đổ vỡ lớn. Người chồng biết nhường nhịn, người vợ biết điều thì mọi chuyện đều êm thấm. Người chồng biết nhường vợ thì người vợ sẽ càng yêu thương và tôn trọng mình hơn. Tính hiếu thắng đối với xã hội là không hay, đối với gia đình lại càng không hay. Sự nhường nhịn nhau chính là chìa khóa để giữ hạnh phúc”, Giáo sư chia sẻ.

Giáo sư Lân Dũng cho biết, sự gương mẫu của bố mẹ ông ảnh hưởng đến ông rất lớn. Cha ông – cố Giáo sư Nguyễn Lân là một người hết sức mẫu mực và thương yêu vợ con. “Tôi có thể khẳng định, trong mắt bố tôi chỉ có duy nhất một người phụ nữ là mẹ tôi. Cho đến giây phút cuối đời, cả đàn con – tám anh chị em chúng tôi đều không tìm thấy giây phút nào đó bố mình xa rời hình ảnh của mẹ”, ông chia sẻ. 

Hiểu được rằng sự chung thủy rất quan trọng trong cuộc sống hôn nhân gia đình, nên giáo sư học tập lối sống của cha, hết sức nghiêm túc trong các mối quan hệ để tránh bị hiểu nhầm. 

Ông chia sẻ: “Tôi là người của công chúng nên rất nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ nhưng tôi rất giữ gìn, không để xảy ra việc gì khiến vợ phải suy nghĩ , cho nên vợ tôi rất tin tưởng ở tôi. Ngược lại cũng thế, tôi cũng tin tưởng vợ tôi mặc dù bà cũng quan hệ rất rộng, trên cương vị lãnh đạo một bệnh viện lớn như vậy. Tin tưởng nhau thì không xảy ra chuyện gì cả. Với các con tôi cũng cố gắng truyền đạt lại tinh thần đó. Yêu nhau bằng sự tin cậy lẫn nhau là giữ gìn hạnh phúc cho mình và cho con cái mình”. 

Người phụ nữ cần biết nữ công gia chánh 

Xã hội hiện đại, nhiều thứ đã thay đổi nhưng theo Giáo sư Lân Dũng, sự đảm đang, dịu dàng, nết na vẫn là những phẩm chất tốt đẹp mà người phụ nữ Việt Nam cần gìn giữ. Mặc dù bình đẳng nhưng phụ nữ có chức năng khác nam giới, người phụ nữ nên biết nữ công gia chánh để chăm sóc gia đình. 

“Người phụ nữ phải biết nữ công gia chánh, biết chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho bản thân. Trước mặt chồng phải luôn luôn là người phụ nữ đáng yêu. Nhiều người có con sau đó quên mất điều đó, ăn mặc lôi thôi, xuề xòa quá, tự nhiên người chồng giảm đi cảm hứng vốn có. Sự gương mẫu của người phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy dỗ con cái. Người mẹ mẫu mực mới có những đứa con ngoan”, ông chia sẻ. 

Bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu, vợ của GS Lân Dũng rất thành công trong việc “giữ lửa” gia đình bằng sự khéo léo, giỏi giang. Mặc dù giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Quân y 108, học hàm học vị cũng không thua kém chồng, nhưng bà luôn hoàn thành vai trò của một người vợ, người mẹ trong gia đình.

Theo Giáo sư, gia đình ngày nay dễ đổ vỡ bởi con người coi nặng đồng tiền và đồng tiền làm mất đi đạo lý truyền thống. Bố mẹ ham kiếm tiền bằng mọi giá nên đã lơ là việc giáo dục con cái 

“Trong cuộc kháng chiếc trước đây, ai cũng nghèo như ai nhưng sống hòa thuận, vui vẻ, con cái được bố mẹ chăm sóc chu đáo. Hiện nay sự chênh lệch giàu nghèo thật là ghê gớm. Nhiều gia đình rất giàu nhưng chưa chắc đã hạnh phúc bằng người nghèo. Người nghèo sống đơn giản, coi trọng hạnh phúc gia đình. Còn khi đã giàu người ta lại càng tham. Sự tham làm biến đổi tư cách con người. Người chồng quá giàu thường sẽ coi thường việc giữ gìn hành phúc gia đình, có vợ muốn có thêm “bồ bịch”. Chỉ cần trong mắt người vợ thấy chồng có tình ý khác thường thì niềm tin yêu sẽ mất đi, làm cho gia đình đổ vỡ. Ngược lại người vợ không chung thủy thì cũng làm tan vỡ gia đình”, giáo sư trao đổi.

Giáo sư cho rằng: Hạnh phúc gia đình cần phải được xây dựng từ hai phía. Vợ chồng cùng tôn trọng nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Phụ nữ và nam giới cần bình đẳng với nhau. Tuy nhiên cũng cần phải hiểu đúng nghĩa bình đẳng để tránh thua thiệt cho phụ nữ.

“Mặc dù bình đẳng, người vợ cũng làm việc, cũng kiếm tiền nhưng khó có thời gian được như người nam giới, bởi họ còn phải chăm sóc con cái, gia đình. Thế nên không phải người đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn vợ là có quyền bắt nạt vợ, được phép ăn nói nặng lời với vợ. Điều đó chỉ đem lại sự đổ vỡ. Hạnh phúc phải được xây dựng từ hai phía”, giáo sư nói. 

Kim Minh

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc