Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Cuộc đào thoát của thủ hạ ông Jang Song-thaek
Theo sau số phận bi đát của Jang Song-thaek, phe cánh của ông này vội vã tháo chạy khỏi CHDCND Triều Tiên.
trieu tien

Các ông Ri Yong-ha (ngồi bên trái), Jang Su-gil (sau ông Ri) và Jang Song-thaek (bìa phải) trong một sự kiện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un (ngồi giữa) năm 2012 – Ảnh: Korean Central TV

Các ông Ri Yong-ha (ngồi bên trái), Jang Su-gil (sau ông Ri) và Jang Song-thaek (bìa phải) trong một sự kiện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un (ngồi giữa) năm 2012 – Ảnh: Korean Central TV

Các ông Ri Yong-ha (ngồi bên trái), Jang Su-gil (sau ông Ri) và Jang Song-thaek (bìa phải) trong một sự kiện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un (ngồi giữa) năm 2012 – Ảnh: Korean Central TV

Giới truyền thông Hàn Quốc đưa tin CHDCND Triều Tiên đang đối mặt những cuộc đào tẩu chính trị lớn nhất trong 15 năm qua. Theo đó, các cố vấn và phụ tá thân cận dưới trướng ông Jang Song-thaek, dượng nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lần lượt tìm cách chạy khỏi nước này sau khi ông Jang bị tước hết chức vụ vào cuối tuần qua. 

Nhân vật bí ẩn

Tờ The Korea Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết hiện có 4 nước chạy đua tranh giành một cố vấn chủ chốt của ông Jang, người cách đây mấy ngày được cho là muốn xin tị nạn tại Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát nhân vật bí ẩn, mà theo trang tin YTN và tờ Kyunghyang Shinmun là đang ẩn náu tại một địa điểm bí mật ở Trung Quốc. Người này được cho là giám đốc quản lý tài chính của Jang Song-thaek và nắm thông tin về các quỹ ngầm của gia đình ông Kim Jong-un. 

Hồi đầu tuần, thông tấn xã KCNA công bố tội trạng của ông Jang, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Ngay sau đó, có tin Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngỏ ý muốn tiếp nhận viên cố vấn nói trên của ông Jang trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tuần trước. Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là đã từ chối yêu cầu này. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng nỗ lực dùng kênh ngoại giao để thuyết phục Trung Quốc giao nhân vật trên cho Seoul, giống như trường hợp của Hwang Jang-yop, cựu Bí thư đảng Lao động Triều Tiên đã chạy sang miền nam năm 1997. Theo các nguồn tin ngoại giao, nhân vật nói trên từng chịu trách nhiệm thu hút đầu tư nước ngoài và xử lý mọi công tác tài chính cho đảng Lao động Triều Tiên, do vậy các bên đều muốn tiếp cận nhằm khai thác và tìm hiểu lý do đằng sau vụ rớt đài của Jang Song-thaek. Có tin cho rằng viên cố vấn tài chính đã tháo chạy đến Trung Quốc và liên lạc với Sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh sau khi hai nhân vật thân cận ông Jang là tướng Ri Yong-ha và Jang Su-gil bị xử tử trong tháng 11. 

Đào thoát hàng loạt 

Còn theo tờ Chosun Ilbo, một tâm phúc khác của ông Jang vẫn chưa rõ tông tích là Ri Su-yong, cựu đại sứ tại Thụy Sĩ và Hà Lan. Giữ vị trí ngoại giao lâu năm tại châu Âu, ông Ri là người chịu trách nhiệm về chi tiêu của ông Kim Jong-un khi nhà lãnh đạo theo học tại Thụy Sĩ, đồng thời được cho là quản lý các quỹ bí mật của gia đình ông Kim tại những ngân hàng châu Âu. Sau khi quay về Bình Nhưỡng vào năm 2010, ông Ri tham gia nỗ lực thu hút nguồn đầu tư nước ngoài do ông Jang triển khai. Các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho rằng có thể ông Ri đã chạy thoát, nhưng cũng có thể đã bị giam cầm tại CHDCND Triều Tiên cùng với ông Jang. Còn tờ Mainichi Shimbun ngày 11.12 dẫn các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Triều Tiên cho hay ông Ri đã bị xử tử. 

Cũng theo Chosun Ilbo, một thủ hạ khác của ông Jang đã đến Hàn Quốc và nhận được sự bảo trợ của chính quyền nước này. Ngoài ra, có thông tin một viên tướng nắm trong tay bí mật chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng đào thoát thành công. Giới chuyên gia cho rằng nhiều người thân tín dưới trướng ông Jang, vốn nắm trong tay hoạt động kinh doanh của CHDCND Triều Tiên ở nước ngoài, đã quyết định chạy trốn khi đối mặt với cuộc thanh lọc dữ dội nhất trong nội bộ chính quyền Bình Nhưỡng kể từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo. 

Quan ngại của Trung Quốc

Việc truất phế người nắm đầu tàu về tài chính Jang Song-thaek được đánh giá là hành động nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa CHDCND Triều Tiên với Trung Quốc, theo giới phân tích. Từng thăm Trung Quốc nhiều lần, ông Jang là người được Bắc Kinh kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải tổ nền kinh tế Triều Tiên theo mô hình Trung Quốc. Trong một diễn biến liên quan, Yonhap đưa tin Bình Nhưỡng đã bắt đầu bán ra một số lượng lớn vàng dự trữ cho Bắc Kinh với hy vọng qua được cơn khủng hoảng kinh tế trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên bán vàng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011. Theo số liệu của Hàn Quốc, kho dự trữ vàng của miền Bắc vào khoảng 2.000 tấn, tương đương 8 tỉ USD. 

Nhà đầu tư nước ngoài than vãn về Triều Tiên

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc loan tin Tập đoàn truyền thông Orascom (Ai Cập) đã tạm ngừng đầu tư vào CHDCND Triều Tiên do gặp khó khăn về việc chuyển lợi nhuận khỏi nước này. 

Từ năm 2008, Orascom hợp tác với chính quyền Triều Tiên cho ra đời liên doanh Koryolink – nhà mạng di động 3G duy nhất ở miền Bắc – và đến nay đã đầu tư 200 triệu USD. Việc làm ăn khá suôn sẻ khi Koryolink đã thu hút 2 triệu thuê bao và có lợi nhuận cao, nhưng Orascom vẫn chưa hoàn được vốn. Lý do là Triều Tiên không cho phép chuyển lợi nhuận ra ngoài. Reuters dẫn lời Chủ tịch Oarascom Naguib Sawiris khẳng định sẽ không đầu tư thêm cho đến khi nhận được lợi nhuận. Theo Chosun Ilbo, một số doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động khai khoáng ở Triều Tiên như Tập đoàn KwangShang và Tập đoàn Seayang cũng phải rút vốn vì lý do tương tự. Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về thông tin trên. 

Ái Thu 

Thụy Miên

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc