Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Từ vụ “Cưỡng chế dồn điền đổi thửa”: Không thể cưỡng chế trái luật

Sau khi báo NTNN số 61/2014 đăng bài “Chuyện lạ ở Thanh Oai (Hà Nội): Cưỡng chế bắt dân dồn điền, đổi thửa”, rất nhiều bạn đọc đã điện thoại phản ứng về cách hành xử của chính quyền địa phương.

Phóng viên NTNN đã trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách- Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết: Ngày 9.5.2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND, chỉ rõ: Thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đoàn kết, có sự đồng thuận cao của nhân dân. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, triển khai, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của thành phố về công tác DĐĐT. Xây dựng phương án DĐĐT theo hướng dẫn của thành phố và tổ chức thực hiện sau khi được UBND cấp huyện phê duyệt.

Ông đánh giá thế nào về việc chính quyền xã Xuân Dương sử dụng lực lượng an ninh để cưỡng chế người dân như báo nêu?

– Về nguyên tắc, việc DĐĐT phải được thực hiện dân chủ, công khai và có sự tự nguyện, đồng thuận từ nhân dân. Pháp luật hiện hành không có quy định cho phép việc cưỡng chế, bắt buộc người dân phải thực hiện việc DĐĐT.

Thực hiện dồn điền đổi thửa cần phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, có sự đồng thuận của nhân dân.

Thực hiện dồn điền đổi thửa cần phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, có sự đồng thuận của nhân dân.

Các biện pháp cưỡng chế hành chính có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế chỉ được tiến hành khi có các căn cứ luật định, và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục cưỡng chế. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ các hành vi để xác định sai phạm.

Việc cưỡng chế với hành vi phá hủy lúa, bắt người… vi phạm quy định nào của pháp luật và phải xử lý thế nào, thưa ông?

– Có thể nói, nếu sự việc đúng như báo chí đưa tin thì đó là những hành vi trái pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ sai phạm, các hành vi này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng. Việc xác định chính xác các sai phạm và chế tài xử lý còn phụ thuộc vào diễn biến cụ thể của sự việc, cũng như kết quả điều tra. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xác minh và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, giải tỏa bức xúc và lấy lại niềm tin của người dân.

Xã lấy ra mỗi sào 20,5m2 để đắp bờ, làm đường nội đồng. Việc lấy đất như vậy dựa trên căn cứ nào?

– Theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND, kế hoạch làm mới, cải tạo, nâng cấp đường trục chính giao thông, thủy lợi nội đồng và kinh phí thực hiện cũng phải được HĐND xã thông qua và UBND cấp huyện phê duyệt. Do đó, chủ trương lấy 20,5m2 đất mỗi sào để làm đường nội đồng là đúng hay sai còn phụ thuộc vào nội dung này có trong phương án và kế hoạch đã được phê duyệt hay không?

Xã có thẩm quyền lấy đất như thế không, thưa ông?

– Đất đai là thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân. Việc lấy đất của người dân (vì bất kỳ lý do gì) cũng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tức là phải vận động người dân hiến đất hoặc có quyết định thu hồi, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, chứ không thể áp đặt, cưỡng chế trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 44 Luật Đất đai năm 2003, UBND cấp xã không có thẩm quyền thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của người dân.

Việc làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng là phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, giúp cho bà con canh tác, vận chuyển thuận lợi hơn. Tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng, người dân cũng nên ủng hộ. Vấn đề là, UBND cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thấy rõ lợi ích đó để họ tự giác thực hiện. Đồng thời, việc lấy đất cũng phải dân chủ, công khai và minh bạch.

Cảm ơn luật sư!

(Theo Dân Việt.)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc