Con sông Mê Kông dài 4.800 km qua 6 quốc gia, có 19 đập thủy điện. Việc Trung Quốc xả nước từ thượng nguồn, nhưng liệu về tới Việt Nam thì nước còn được bao nhiêu.
Tương lai nào cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long
Hạn mặn miền Tây: Lập lờ nước đập Cảnh Hồng
Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có. Các nhà khoa học và nông dân nói gì? sau khi Trung Quốc vào hôm 15/3/2016 đã bắt đầu xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống các nước lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam.
Khả năng cứu nạn mong manh
Tám ngày sau khi Trung Quốc xả nước từ đập Thủy điện Cảnh Hồng tỉnh Vân Nam xuống hạ nguồn, ngày 22/3/2016 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long khi vào lãnh thổ Việt Nam hầu như không thay đổi. Đồng quan điểm với một số nhà khoa học khác, TS Dương Văn Ni, giảng viên Khoa Môi trường Đại học Cần Thơ cho rằng, nước xả từ đập thủy điện tỉnh Vân Nam Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng rất ít tới lượng nước về tới Việt Nam, chưa nói tới chuyện cứu hạn hán xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. TS Dương Văn Ni nhận định:
“Chúng tôi đã nghiên cứu chế độ thủy văn của sông Mekong trong rất nhiều năm, vào đầu mùa mưa nước mưa và nước băng tan ở phía Trung Quốc nó làm bão hòa các tầng đất khô, rồi nó lấp đầy các vũng trũng phía thượng nguồn trước, trong đó chỉ có một lượng rất ít chảy xuống dưới hạ nguồn. đặc biệt là Cơ chế vào đầu mùa mưa gần như lượng nước trên sông Mekong chảy vào Biển Hồ Campuchia, cho đến khi Biển Hồ đầy nước rồi thì mới có lượng nước đáng kể chảy về đồng bằng sông Cửu Long.
Với cơ chế đó, giả dụ như đập Cảnh Hồng Trung Quốc lúc này mà xả một lưu lượng nước đủ lớn như vào đầu mùa mưa… cái này thì khó mà đạt được con số đó lắm. Giả dụ như họ xả một lượng nước lớn như vậy thì đầu tiên lượng nước đó nó cũng ngập những vùng trũng, vùng khô hạn ở phía thượng nguồn trước, đặc biệt nó sẽ chảy vào Biển Hồ trước khi nó có thể chảy một lượng đáng kể xuống đồng bằng sông Cửu Long. Từ cơ chế thủy văn như vậy, cá nhân tôi, tôi tin hoàn toàn là lượng nước chảy về đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể.”
Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ có bài viết trên báo SaigonTimes Online cho rằng, trông đợi việc xả nước thủy điện từ đập Cảnh Hồng để cứu nạn cho đồng bằng sông Cửu Long là rất mong manh. GS Tuấn nhấn mạnh rằng, hồ chứa Cảnh Hồng khi tích nước tối đa tới dung tích phát điện là vào khoảng 249 triệu m3 nước. Giả sử Trung Quốc xả nước theo yêu cầu của Việt Nam là tối thiểu 2.300 m3/giây thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Nhị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang bằng vào kinh nghiệm bản thân từ nông dân trở thành lãnh đạo, cũng hoài nghi việc Trung Quốc xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng có thể giúp ích cho đồng bằng sông Cửu Long. Ông nói:
“Cái đó có hay không có thực tình tôi cũng không quan tâm lắm đâu, bởi vì nó dài hơn 4.000 cây số lận mà mùa này là mùa kiệt bản thân Trung Quốc ở bên đó cũng đang thiếu nước nữa, dọc đường thì những quốc gia phiá dưới cũng thiếu nước nữa… Cho nên thiệt ra mà nói trong mùa mưa nước về tới đây cũng phải ba tuần lễ, thành ra khả năng đó không có hy vọng gì đâu… Chính phủ quan hệ với họ rồi nói với nhau làm gì đó… chứ tôi không thấy hy vọng gì vì nếu có thì cũng chẳng được bao nhiêu…”
Khoảng 40% diện tích tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bị xâm nhập mặn. Đã có 8 trong số 12 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long công bố thiên tai xâm nhập mặn. Kiên Giang nằm trong số này, tình hình thiếu nước và nhiễm mặn đang làm nông dân điêu đứng, sau vụ đông xuân thất bát vì ảnh hưởng mặn nay tình hình đang nguy ngập hơn. Bác ba nông dân phát biểu:
“Có tin bên Trung Quốc mở đập nhưng tình hình bây giờ nước đã mặn nhiều rồi, vụ lúa sắp tới chưa biết có thể làm được hay không nữa. Những năm trước mực nước sông thường cao hơn mực nước biển, năm nay theo tôi thấy mực nước dưới sông quá trời cạn rồi… thành thử nước biển xâm nhập vào những con sông lớn, một số cống ngăn mặn người ta làm cẩu thả không kín nên mỗi ngày nước mặn vô một ít. Bây giờ hầu hết tỉnh Kiên Giang chúng tôi từ nơi gần cống chạy dài lên 50-60 cây số đều bị mặn hết, một số người nuôi tôm độ mặn đến nỗi con tôm không lớn được… độ mặn theo tôi biết khoảng từ 7 đến 8 phần ngàn… Cho dù độ mặn 3 phần ngàn nói là cây lúa có thể sống được, nhưng khi bơm nước lên gặp trời nắng hạn sẽ khô khốc lại trở thành muối độ mặn có thể tăng gấp đôi.”
Tìm cách khác sinh nhai
Nhiều nông dân ở Kiên Giang đang nghĩ đến chuyện bán ruộng để tìm cách khác sinh nhai, nhưng một khi không thể trồng lúa được thì giá ruộng đất ở đây sẽ rẻ như bèo, thậm chí không có người mua. Người nông dân chúng tôi hỏi chuyện cho biết tới nay chưa nhận được trợ giúp gì từ chính quyền, mặc dù có nghe thông tin về việc này. Bác ba nông dân trình bày nguyện vọng của mình:
“Nông dân chúng tôi chỉ mong làm sao nhà nước khoanh cái nợ ngân hàng, để cho người nông dân giảm tiền lãi khoanh nợ lại. thứ nữa là làm sao các cống ngăn mặn phải bảo đảm cho tốt, phải đầu tư cho nông nghiệp nhiều hơn nữa. Và trước mắt làm sao giảm độ mặn, nếu tình hình này mà kéo dài thì có thể không còn làm lúa được.”
Chuyện Trung Quốc xây dựng hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Lan Thương thượng nguồn sông Mekong đã làm giảm lưu lượng nước xuống khu vực hạ lưu. Tuy nhiên, theo TS Dương Văn Ni, chuyện hạn mặn xảy ra cho đồng bằng sông Cửu Long không phải là câu chuyện thiên tai xảy ra tức thời. Đây là loại thiên tai, mà theo ông, đã được giới khoa học cảnh báo từ cách đây hàng chục năm. Bởi vì xu thế mực nước sông Mekong càng ngày càng giảm. Giảm một mặt do lượng mưa trong khu vực theo hiện tượng biến đổi khí hậu làm nó giảm. Nhưng mặt khác các quốc gia thượng nguồn sông Mekong cũng tăng cường việc sử dụng nước, mở ra những vùng đất nông nghiệp có lượng tưới tiêu nhiều hơn, các cụm tuyến công nghiệp dọc theo hai bên bờ sông Mekong cũng tiêu thụ nước không ít… TS Dương Văn Ni tiếp lời:
“Nguy cơ thiếu nước cho đồng bằng sông Cửu Long đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Ngay nội bộ đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta có hai vùng trữ lũ rất lớn là Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Trong những năm gần đây do chạy theo sản lượng lúa, chúng ta đã đắp rất nhiều đê bao để ngăn không cho nước lũ tràn vào khu vực này, để tăng diện tích canh tác lúa vào mùa lũ lên. Cái đó làm cho lượng nước ngọt vào đồng bằng sông Cửu Long không giữ lại, do đó khi mùa hạn đến thì lượng nước tại chỗ của đồng bằng sông Cửu Long không còn để có thể đẩy bớt cái mặn ra. Một mặt khác thì các công trình thủy nông của đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây lại thiên về xu thế là làm sao đưa nước ra thật nhanh vào mùa mưa và ngăn chặn nước vào mùa lũ để tăng diện tích canh tác lên. Hệ thống đó góp phần tăng sản lượng lúa, nhưng mặt khác làm cho lượng nước dự trữ tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long mất đi rất là nhanh chóng… Và do đó khi thiếu nguồn cung cấp nước từ thượng nguồn, đồng bằng song Cửu Long rớt vào tình trạng hạn nặng rất nghiêm trọng…”
Các chuyên gia cho rằng, Câu chuyện tháo nước đập Cảnh Hồng được xem như một động thái chính trị xoa dịu và không thực tế của các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng Trung Quốc. Trong mùa khô hạn tác động bởi El Nino hiện nay, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long sống nhờ nông nghiệp, chỉ biết cầu trời sớm đổ mưa để có nước tưới và rửa bớt mặn. Trong khi các nhà khoa học thì đã nhìn thấy tận cùng nguyên nhân của vấn đề, nhưng chính sách phát triển cây lúa một cách ồ ạt trong 40 năm qua, cùng với chủ trương quốc gia về đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó có sự thay đổi trong một sớm một chiều.
Nam Nguyên
Tho RFA
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!