Thiệt hại không ngừng tăng lên, đời sống nông dân ngày một khó khăn, liệu Trung Quốc có xả nước sông Mekong hay không vẫn còn là điều dự đoán.
Đề nghị quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn – mặn
Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp khoảng 700 tỉ đồng cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi hạn – mặn nhưng con số thiệt hại vẫn tăng lên từng ngày
Phát biểu tại hội nghị Đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế về hỗ trợ khẩn cấp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vào chiều 15-3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho rằng hạn hán và xâm nhập mặn là tình huống thiên tai “có tính chất lịch sử”, đe dọa sinh kế hàng triệu người dân.
Tình hình sẽ xấu hơn
Ông Cao Đức Phát dự báo tình hình sẽ còn xấu hơn trong những tháng tới. Vào tháng 3, tháng 4, lượng nước chảy về trên sông Mê Kông không tăng nên nước mặn tiếp tục xâm nhập đất liền sâu hơn. Hiện nay, gần 1 nửa diện tích ĐBSCL đã bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, 160.000 ha lúa bị thiệt hại. Gần 300.000 hộ gia đình trong những tháng qua không có thu nhập, khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ riêng cây lúa.
“Tư lệnh” ngành nông nghiệp cũng cho biết không chỉ mất thu nhập, hiện khoảng 204.000 hộ gia đình với khoảng 1 triệu người không có nước ngọt sinh hoạt. Ở Hà Nội, người dân mua nước 5.000 đồng/m3 nhưng tại tỉnh Bến Tre, giá cao gấp 12-16 lần. Nhiều bệnh viện, trường học không có nước ngọt nên phải mua nước hoặc sử dụng nước mặn có độ nhạt hơn. Nước trong các khách sạn ở Bến Tre cũng mặn, không cần phải ra biển tắm.
“Không phải tới Vũng Tàu để tắm biển nữa mà có thể cảm nhận được độ mặn ở TP Bến Tre – nơi cách biển 70 km. Hiện 160/164 xã ở tỉnh này bị mặn bao vây” – ông Phát lo ngại.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết 2 tỉnh này đang trải qua thời điểm hạn hán cực kỳ nghiêm trọng suốt nhiều năm qua. Hầu hết các hồ chứa ở đây chỉ còn khoảng 25%, thậm chí nhiều hồ đã cạn kiệt. Ông Nam cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ 6.000 tấn gạo cho 15% dân số của tỉnh.
Trong khi đó, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đề nghị Chính phủ tăng cường ngoại giao với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ nguồn nước, nếu không thì ở hạ lưu không thể chịu đựng nổi.
Khó biết Trung Quốc xả nước hay không
Ông Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã phải hỗ trợ khẩn cấp khoảng 700 tỉ đồng cho các địa phương, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt. Tuy nhiên, con số thiệt hại của các địa phương tăng lên từng ngày.
Đến nay, các địa phương bị ảnh hưởng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 100 triệu USD để xây đập, cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ lương thực, khôi phục sản xuất. Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ bổ sung 1 tỉ USD xây dựng các công trình khẩn cấp, cấp bách để chống hạn và xâm nhập mặn, đối phó thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam cần có đánh giá cụ thể về thực trạng thiên tai, từ đó đưa ra các giải pháp đối phó phù hợp.
Bà Pratibha Mehta, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng phải giúp chính quyền và người dân ứng phó trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, Chính phủ cần có đánh giá liên ngành để hỗ trợ khẩn cấp mang tính sống còn cho nhu cầu người dân. Bà Mehta đề nghị Việt Nam đánh giá lại các thứ tự ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trong bối cảnh thiên tai như hiện nay.
Đại diện Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh cơ quan này đã chuẩn bị xem xét hỗ trợ trung hạn cho Việt Nam. Nhưng trước mắt, Việt Nam cần có đánh giá mang tính toàn diện về những gì đang diễn ra chứ không phải thống kê vụ việc, từ đó có những hỗ trợ phù hợp.
Còn đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á lại cho rằng Việt Nam cần làm sao để quản lý việc sử dụng nguồn nước hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã diễn ra, chứ không chỉ quan tâm đến việc quản lý nguồn nước. Phải làm cho nông dân biết giá trị của nguồn nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Về việc đề nghị Trung Quốc xả nước ở thượng lưu sông Mê Kông để giúp ĐBSCL chống xâm nhập mặn, bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận Trung Quốc có xả nước hay không là điều khó đoán định. Dù vậy, việc Trung Quốc hứa xả nước đã là tín hiệu tích cực.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa công bố thiên tai hạn, mặn cấp độ 1 (mức nguy hiểm). Đây là tỉnh thứ 8 ở ĐBSCL công bố thiên tai đến thời điểm này.
Tại sao lại có hiện tượng này. Đây là điều không ai có thể dự tính được. Việc chờ đợi sự hỗ trợ từ nước khác là phải tiêu tốn không ít thời gian nhưng cây cối thì đang chết dần chết mòn vì thiếu nước, nông dân cũng không thể đứng đó chờ người tới cứu. Có lẽ người dân cần tìm cách tự cứu lấy mình trước khi quá muộn.
Người xưa có câu “Thiên thời địa lợi nhân hòa”. Khi thiên nhiên đến lúc cần phải thay đổi thì mặt đất cũng sẽ thay đổi và con người cũng nên thay đổi. Đó là quy luật sinh tồn của thiên nhiên. Trái Đất chúng ta từ xưa đến nay cũng đã trải qua biết bao thay đổi. Khu vực này nổi lên thì khu vực khác chìm xuống. Nơi nào sống được thì ở đó có con người. Thiên nhiên thay đổi không ngừng nghỉ, vì vậy mà mỗi người phải hiểu một điều rằng không có nơi nào là cố định. Không có nơi nào là điểm dừng chân cuối cùng. Giống như Nhật Bản, động đất, thiên tai liên tục nhưng con người vẫn phải tự xoay sở và sống tiếp. Điều quan trọng là cách nhìn nhận của chúng ta trước thiên tai như thế nào. Có người khóc lóc, suy nghĩ tiêu cực và bất lực trước nghịch cảnh nhưng cũng có người thấy cần thay đổi và tìm cách giải thoát chính mình… Có lẽ đã đến lúc nhìn lại những thiên tai kinh hoàng trước đây, nguyên nhân từ đâu và bài học mà lịch sử để lại cho con người là gì? Thế giới này có nhiều điều kỳ lạ và bí ẩn mà con người không thể nào khám phá hết được. Nó giống như mỗi người sẽ tự quyết định tương lai của chính mình. Tại sao có những nơi không có thiên tai, cuộc sống bình yên còn một số nơi phải đối mặt với nào là chiến tranh, nào là hạn hán, lũ lụt, nào là động đất… “Hành sự tại nhân, thành sự tại thiên”, câu này đủ để chúng ta hiểu được một điều, thiên nhiên nổi giận là do con người. Chúng ta đã làm gì?, Chúng ta sai ở đâu? Một thực tế là dù có biết đươc nguyên nhân nhưng để thay đổi điều đó là việc không hề dễ dàng. Vì nó phụ thuộc vào cách mà con người đối xử với thiên nhiên như thế nào.
Theo nld
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!