Việc Trung Quốc ngăn đập ở thượng nguồn sông Mê Kông khiến các tỉnh miền tây gặp hạn hán. Những con sông khô cạn khiến nước không đổ ra biển được, thì ngược lại nước biển sẽ tràn vào khiến các cánh động nhiễm mặn
Héo hon vì hạn
Nắng hạn kinh hoàng, những con kênh nội đồng trơ đáy. Mọi hoạt động sản xuất của người dân dường như dừng hẳn, làng xóm đìu hiu. Nhiều người đã bỏ xứ ra đi chưa biết ngày về
Đi khắp các xã nằm trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những con kênh nội đồng trơ đáy.
Bán cả vịt non
“Sống ở đây từ nhỏ, nay đã hơn 70 tuổi, lần đầu tiên tôi gặp cảnh khắc nghiệt như thế này” – bà Trần Thị Nga (ngụ xã Khánh Bình) than thở.
Theo nhiều người dân ở đây, thời điểm này của những năm trước, dù nắng nóng vẫn khắc nghiệt nhưng nước trong kênh đủ cho xuồng, ghe vào mua bán. Còn bây giờ, tất cả kênh lớn nhỏ đều cạn khô. Ghe, xuồng nằm la liệt phơi nắng. Thậm chí, có nhiều đoạn sông biến thành nơi thả gia súc.
“Tôi nuôi đàn vịt gần 50 con trong ao nhà, khoảng tháng trước, ao cạn tới đáy nên tôi lùa vịt ra kênh, bao lưới thả tạm. Không bao lâu sau thì con kênh trước nhà cũng trơ đáy, đành phải bán non bầy vịt vì không còn chỗ cho chúng tắm” – ông Nguyễn Văn Hơn (ngụ xã Khánh Bình) ngao ngán.
Hạn hán cho nông dân vùng này đối diện một mùa lúa thua lỗ nặng nề. Không chỉ sản lượng sụt giảm nghiêm trọng mà còn phải trả một số khoản chi phí không ai ngờ đến như thuê xe ôm chở lúa đi bán.
Ông Đặng Minh Hoàng (ngụ xã Khánh Bình Tây) có 0,8 ha đất trồng lúa, hạn hán khiến lúa lép hạt nhiều, năng suất thu hoạch giảm còn 70% so những năm trước. Giá cả bấp bênh cộng với chi phí thuê xe ôm khoảng 10.000 đồng/bao nên chẳng còn được bao nhiêu. Hiện người trồng lúa ở vùng ngọt hóa không biết làm gì hơn là ngồi đợi mưa.
“Chẳng thể trồng gì được, đành chừa lúa lại để ăn dần, chờ mưa mới xuống giống lúa, trồng màu chứ biết làm sao. Giờ chỉ cầu trời cho hạn sớm kết thúc, mưa nhiều thì chúng tôi mới sống nổi chứ kiểu này không làm ăn gì được, lấy tiền đâu mà sống!” – bà Huỳnh Mộng Cầm (ngụ xã Khánh Bình) nói như cầu khẩn.
Bỏ xứ ra đi
Theo báo cáo mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, hiện diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn tăng lên từng ngày, nhất là ở vùng U Minh Thượng (thuộc các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng) và Tứ giác Long Xuyên (thuộc các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên), với ước tính sơ bộ khoảng gần 100.000 ha. Hệ lụy của tình trạng này là rất nhiều người dân bỏ xứ đi nơi khác kiếm kế mưu sinh vì không còn kham nổi chuyện nợ nần.
Ông Lê Hữu Tâm (ngụ ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên) cho biết đây là năm thứ 2 liên tiếp gia đình chịu cảnh mất mùa vì hạn, mặn trên tổng diện tích 25 công lúa. Đặc biệt, trong vụ đông xuân vừa qua, ông không thu hoạch được hạt nào do bông lúa bị xèo hoặc lép hạt. Vụ hè thu trước đó, tuy mất mùa nhưng vẫn vớt vát được vài giạ lúa/công, vụ này thì coi như trắng tay. Hiện gia đình ông còn nợ hơn 50 triệu đồng tiền vật tư nông nghiệp và tiền lúa giống tại các đại lý.
Trước tình hình hạn, mặn gay gắt, ông Tâm cũng như người dân ở khu vực này sẽ phải để đất hoang đến gần cuối năm mới có thể sản xuất được. Trong thời gian này, rất nhiều người phải tạm bỏ xứ đi “lánh nạn” mà không hẹn ngày về.
Bà Mai Thị Nguyên (ngụ xã Hưng Yên, huyện An Biên) cho biết gia đình có hơn 100 công đất cho nhiều người trong xóm thuê sản xuất đã nhiều năm nay. Thế nhưng, hiện toàn bộ người thuê đất đã lần lượt bỏ xứ ra đi để lại cho bà cục nợ là phần diện tích lúa mất mùa chưa thu hoạch.
“Chắc chắn trong vụ lúa này, tôi không thu được đồng nào từ cho thuê đất. Mỗi công trúng lắm cũng chỉ được một vài bao lúa nhưng lại tốn thêm tiền thuê máy cắt thì thu hoạch chỉ thêm lỗ mà thôi” – bà Nguyên nói.
Theo ông Ngô Trấn Hỷ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, hiện toàn huyện có hơn 500 ha đất không thể sản xuất lúa do mặn xâm nhập. Trong khi đó, tại huyện giáp ranh An Minh càng ngày diện tích này càng tăng, hiện đã có thêm khoảng 6.000 ha đất nhiễm mặn không thể trồng lúa. Tại xã Vĩnh Phong của huyện Vĩnh Thuận, khoảng 2.000 ha không trồng được lúa.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết hạn, mặn rất khó để đối phó vì nguồn nước ngọt hạn chế. Trong giai đoạn ngắn, chỉ ưu tiên nguồn nước ngọt cho ăn uống, sinh hoạt và một phần cho chăn nuôi, những vùng canh tác quá thiếu nước và nhiễm mặn phải chấp nhận thiệt hại.
Cũng trong giai đoạn ngắn, việc nghiên cứu cây, con chịu hạn, mặn không kịp thời và hiệu quả. Hiện nay, cần xem xét điều chỉnh thời vụ, chọn các cây, con ít sử dụng nước. Về lâu dài, vẫn cần nghiên cứu cây, con chịu hạn mặn nhưng phải cân nhắc tính hiệu quả cho từng loại cây, con. Trong giai đoạn cấp bách thì phải khoan giếng nước ngầm để bổ sung nhưng về lâu dài phải hạn chế và kiểm soát cẩn thận, tránh làm gia tăng sụt lún và nhiễm mặn tầng nước dưới đất.
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!