Home » Xã hội » Trẻ bị bạo lực quá cao, tỉ lệ giáo viên mầm non bị stress đến 60%
Quá một nửa trẻ em bị bạo lực tại gia đình và bạo lực học đường, 2.000 trẻ em có nguy cơ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và gần 3 triệu trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo chưa có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em.

Giật mình: Quá nửa trẻ bị bạo lực, 60% giáo viên mầm non bị stress

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ mất an toàn còn có nguồn gốc từ chính sức khỏe thể chất và tinh thần của chính các thầy cô giáo.

Sáng 8/4, tại Hà Nội, trong hội thảo đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non: thực trạng và giải pháp, do Bộ GD-ĐT, Unicef tổ chức, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH cho biết hằng năm có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ em bị buôn bán.

Quá một nửa trẻ em bị bạo lực tại gia đình và bạo lực học đường, 2.000 trẻ em có nguy cơ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và gần 3 triệu trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo chưa có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em.

Bộ GD&ĐT cho hay, cả nước hiện có 4,8 triệu trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi được huy động đến trường mầm non. Trẻ mầm non hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh tuy nhiên chưa biết cách bảo vệ bản thân nên dễ gặp tai nạn thương tích.

Giật mình: Quá nửa trẻ bị bạo lực, 60% giáo viên mầm non bị stress - Ảnh 1

Sân chơi tại hội thi thể thao mầm non ở quận Tân Phú (TP.HCM) được lót xốp để bảo vệ an toàn cho trẻ tham gia. (Ảnh: TTO)

Việc chăm sóc trẻ không đúng phương pháp cũng dễ gây sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của trẻ. Trên thực tiễn, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mọc lên như nấm.

Tuy nhiên, ở các cơ sở mầm non tư thục, đặc biệt các nhóm lớp cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chủ cơ sở không có chuyên môn sư phạm để quản lý được xác định là nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ mất an toàn.

Bên cạnh những yếu kém về năng lực giáo viên và cơ sở vật chất tại hầu hết các địa phương, theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ mất an toàn còn có nguồn gốc từ chính sức khỏe thể chất và tinh thần của chính các thầy cô giáo.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng T.Ư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không phải cứ gây thương tích như đánh đập, bị ngã mới để lại hậu quả mà trẻ bị cưỡng ép bất cứ điều gì cũng gây căng thẳng, sang chấn tâm lý.

Bà Kim Anh cũng dẫn số liệu nghiên cứu của TS Nguyễn Mạnh Hà (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một điều tra mới đây trên 333 giáo viên cho thấy 90,3% bị stress nghề nghiệp. Khảo sát tại thị xã La Gi (Bình Thuận) kết quả có tới 59,8% giáo viên mầm non bị stress nghề nghiệp.

Độ tuổi từ 40-49 là nhóm có nguy cơ mắc stress trầm trọng nhất. Theo bà Kim Anh, tỷ lệ giáo viên mầm non đối mặt với stress cao hơn những người làm ở ngành nghề khác.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, giáo viên gặp nhiều tình huống như: nôn ói, không chịu xúc thức ăn, nói chuyện và ngậm, giả bộ đi vệ sinh… rất dễ gây ức chế cho giáo viên. Trong trường hợp này, trẻ có quyền được “nghỉ ăn”. Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng hoặc vì áp lực tăng cân, nhiều giáo viên sẽ ép bằng mọi cách để trẻ ăn hết suất.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng đa số trẻ bị bạo hành bởi chính giáo viên. Nguyên nhân được xác định là do giáo viên mầm non bị quá nhiều áp lực về thời gian, cường độ chăm sóc trẻ dẫn đến lúng túng và làm bừa.

Đặc biệt ở các nhóm lớp tư thục, chủ nhóm chạy theo lợi nhuận, không tuyển chọn giáo viên kỹ càng trong khi lương giáo viên thấp khiến họ không có động lực làm việc.

Từ thực trạng này cho thấy để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngay ở những cơ sở mầm non đang trong tầm kiểm soát thì việc quan tâm đúng mức, sắp xếp lao động hợp lý đối với giáo viên, nhân viên cũng là vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, nguy cơ dẫn đến việc thiếu trách nhiệm, bạo hành trẻ mầm non phần nhiều vẫn diễn ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, trong đó chủ yếu là cơ sở không phép. Giáo viên thay đổi liên tục, không qua đào tạo đúng chuyên môn, không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là tình trạng phổ biến ở nhiều nhóm, lớp mầm non.

“Nhiều nơi chủ trường trình bày danh sách giáo viên ảo, không đúng với thực tế” – một ý kiến cho biết. Theo bà Trần Thị Kim Oanh thì “đã ưu tiên tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ miễn phí, ưu tiên dành giáo viên mới ra trường có chất lượng cho các cơ sở mầm non tư thục, nhưng nhiều khi chủ trường đã từ chối ưu ái đó”.

Theonguoiduatin.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc