Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Học phí tăng và phản ứng của học sinh

Tình trạng học phí tăng cao ở niên học 2016 – 2017 trong lúc tình hình kinh tế đất nước có phần xám xịt, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nơi vừa nhận hậu quả của bùn đỏ, khô hạn do khai thác bauxite và biển chết do Formosa thải độc ra biển. Có thể nói rằng đây là vùng báo động đỏ về sức thu nhập của người dân đang bị kéo xuống mức chạm sàn nên mọi khoản chi phí tăng cao đều trở thành mối nguy cho mỗi gia đình, mỗi người. Hiện tượng học sinh bỏ học hàng loạt ở các tỉnh Bắc miền Trung cũng như học sinh Tây Nguyên biểu tình phản đối học phí cao là một hệ quả trước mắt của tình hình này.

Học sinh Hà Tĩnh, Quảng Bình bỏ học hàng loạt

Cho con bỏ học bởi thực tế đánh bắt ở các tỉnh Bắc Miền Trung vẫn còn trong tình trạng treo lưới, ngư dân không có thu nhập, ông Thiệt, một ngư dân Quảng Bình, chia sẻ: “Ở đây cũng có một số bỏ học để theo cha mẹ lưới cá. Nhưng biển đi về không có thu hoạch, không ai mua nên kinh tế khó khăn. Rồi bỏ nhà đi làm ăn xa, giờ ai cũng chờ vào sự miễn giảm và chính sách của nhà nước nhưng nói thì nghe nói vậy chứ chưa thấy gì đâu, chưa thấy gì hết! Tôi cũng có hai đứa cháu đi học và cũng khó khăn lắm!”.

Ông Thiệt cho biết thêm là hiện nay, bà con ngư dân cũng có người ra khơi nhưng việc đánh bắt rất hạn chế do thời tiết và do biển không có cá, phần khác do sợ độc tố trong biển và nếu có đánh bắt được thì cũng không có nguồn để tiêu thụ. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho ngư dân vẫn nhỏ giọt và dậm chân tại chỗ với vài chục kí gạo, vài thùng mì tôm và vài trăm ngàn đồng cho một gia đình, sau đó không nghe nói gì khác.

Một hiệu trưởng trường trung học phổ thông không muốn nêu tên ở Hà Tĩnh, cho rằng việc bỏ học của các học của hàng chục ngàn học sinh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị là do cha mẹ của các em xúi giục nhằm làm khó cho nhà nước. Bởi theo ông, việc đánh bắt gần bờ đã trở lại bình thường gần một tháng nay kể từ khi bộ trưởng tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cùng một đoàn cán bộ khác xuống biển tắm để chứng minh biển đã sạch.

Như vậy, khi biển đã sạch thì việc đi đánh bắt trở lại bình thường và đời sống kinh tế của người dân hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi môi trường biển. Và khi đời sống trở lại bình thường thì việc tăng học phí là hợp lý. Ông này cho rằng việc tăng các giờ dạy phụ đạo và mỗi giờ tăng, một học sinh đóng sáu ngàn đồng là chuyện rất bình thường, không ảnh hưởng gì đến kinh tế các gia đình.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi ông mỗi tuần có bao nhiêu giờ phụ đạo và số tiền phụ đạo ấy dùng để làm gì thì ông hiệu trưởng không thể trả lời được bởi vì trung bình mỗi tuần có ít nhất là ba giờ học phụ đạo, có nơi lên đến năm giờ. Mỗi học sinh phải đóng sáu ngàn đồng cho một giờ học phụ đạo. Như vậy, mỗi học sinh phải đóng ít nhất là 18 ngàn đồng, có nơi lên đến 30 ngàn đồng cho mỗi tuần.

Trung bình một lớp có 40 học sinh, lấy 40 nhân với 18 thì được 720 ngàn đồng, nếu 5 giờ phụ đạo thì lấy 40 nhân với 30 sẽ được 1,2 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng, thấp nhất mỗi lớp cũng thu về được gần ba triệu đồng, cao hơn thì năm triệu đồng. Và đương nhiên với vài chục lớp học trong một trường, số tiền có thể lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Đó chỉ mới là chuyện học phụ đạo, riêng vấn đề tăng học phí cục bộ, có nơi tăng 33%, có nơi tăng 30%, có nơi tăng 20% đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến số tiền nộp học của mỗi học sinh. Trung bình, một học phổ thông phải nộp 120 ngàn đồng mỗi tháng, và 300 ngàn đồng mỗi tháng ở thành phố, trong đó còn các khoản tiền lệ phí đoàn, tiền vệ sinh lớp, tiền quĩ lớp, tiền mua sách vở, áo quần, tiền bảo hiểm. Đầu mỗi niên học, các học sinh có thể tốn lên đến cả bốn, năm triệu đồng cho các khoản phí. Bởi học phí nộp theo học kì, một niên học mười tháng được chia làm hai lần đóng học phí. Với mức chi phí cao như vậy, có thể nói rằng một số gia đình ngư dân miền Trung sẽ chào thua, chấp nhận cho con bỏ học.

Học sinh ở Đắc Lăk biểu tình phản đối học phí tăng

400.jpg
Một bé gái ở Quảng Trạch, Quảng Bình ngồi bán trái cây ven đường. RFA photo

Học sinh ở Đắc Lăk biểu tình phản đối học phí tăng

Một học sinh trường phổ thông trung học Cao Bá Quát, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lăk ,chi sẻ: “Đó là vì sao chúng con ý kiến ạ. Vì học phí cao mà chất lượng học thì không có. Chúng con đã nhiều lần ý kiến nhưng trường vẫn bắt buộc chúng con đi học phụ đạo. Trường dọa nếu không học thì sẽ bị đuổi học. Mà số tiền chúng con đóng quá cao. Kiunh tế ở đây nhà nào làm tiêu thì khá một chút, còn lại thì nghèo thôi chứ đâu phải khá giả chi đâu! Chúng con đã tổ chức phản đối nhưng vẫn không được, thậm chí khi họp phụ huynh, cha mẹ chúng con cũng bị dõa nếu không cho con đi học thì con sẽ bị đuổi học…”.

Em học sinh này chia sẻ thêm, vào ngày 13 tháng 9 năm 2016, tất cả học sinh trường Cao Bá Quát đã tổ chức biểu tình trước cổng trường nhằm phản đối mức học phí tăng mà theo các em đó là vô lý. Bởi hiện tại, các em đã gánh quá nặng các khoản chi phí do cải cách giáo dục mang lại, nghĩa là sau một lần cải cách giáo dục, các em lại phải thay sách giáo khoa và mức giá của sách mới ra bao giờ cũng cao hơn sách cũ. Rồi các khoản phí bảo trợ nhà trường, phí hoạt động đoàn, hoạt động lớp, xây dựng và nâng cấp nhà trường… Hầu hết các khoản phí đều nhắm trên đầu mỗi học sinh mà thu.

Trong khi đó, vấn đề khiến các em đau đầu nhất vẫn là giờ học phụ đạo, mỗi tuần các em phải học ba buổi phụ đạo, trong đó mỗi buổi có bốn giờ, còn gọi là bốn tiết phụ đạo. Mỗi tiết đóng sáu ngàn đồng. Như vậy mỗi buổi các học sinh phải đóng 24 ngàn đồng, mỗi tuần đóng 72 ngàn đồng, mỗi tháng 288 ngàn đồng. Trung bình một lớp học có từ 30 đến 35 học sinh, có lớp lên đến 40 học sinh, mỗi tháng nhà trường thu tiền phụ đạo mỗi lớp lên đến 10 triệu đồng, một trường có trung bình 30 lớp, như vậy mỗi tháng, chỉ riêng việc dạy phụ đạo, trường thu về ngót nghét 300 triệu đồng.

Em học sinh này cho rằng với mức thu bất minh như vậy, nếu các bạn trong trường không đấu tranh nhằm mang lại sự trong sạch trong môi trường giáo dục thì không ai có thể làm thay thế cho các em. Và em cũng bày tỏ hy vọng rằng sự đấu tranh của em sẽ tạo ảnh hưởng đến nhiều bạn học sinh trên cả nước. Một cuộc đấu tranh trong sáng nhằm mang lại sự trong sáng cho giáo dục Việt Nam.

Một phụ huynh ở Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Cái đó (dạy phụ đạo) nói về lý thì sai, nhưng thực ra thì trường nào cũng vậy hết, trường nào cũng dạy hết, bây giờ tràn lan trường dạy phụ đạo rồi!”.

Theo vị này, bất kể sự đấu tranh nào nhằm mang lại sự công bằng và ánh sáng văn minh cho nền giáo dục của một quốc gia đều là tốt đẹp. Bởi nó mang động cơ tốt đẹp.

Theo rfa.org

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc