Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Đi chân trần trên mảnh thủy tinh: Bài học về sự thận trọng hơn là lòng dũng cảm
Nhiều ý kiến trái ngược đã được đưa ra khi thông tin về bài thực hành đi chân trần trên mảnh thủy tinh được lấy làm ví dụ minh họa cho bài học về lòng dũng cảm.

>> Sách giáo khoa lớp 1 dạy học sinh đi chân trần trên mảnh thủy tinh

Học sinh thực hành đi trên thủy tinh tại trung tâm giáo dục ABA. (Ảnh: Facebook)

Học sinh thực hành đi trên thủy tinh tại trung tâm giáo dục ABA. (Ảnh: Facebook)

Nội dung bài học nằm trong cuốn sách mang tên “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1”, do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.

Chủ biên cuốn sách, TS Phan Quốc Việt cho biết, bài thực hành đi trên thủy tinh đã được áp dụng phổ biến tại TT Đào tạo tư vấn và phát triển ABA (thuộc Tâm Việt Group) trong 10 năm qua và không gây nguy hiểm với trẻ.

Trong khi đó, đa số ý kiến của đọc giả cho rằng thử thách đi chân trần trên mảnh thủy tinh không phải là cách để rèn luyện về lòng dũng cảm, lại càng không thể là bài học rèn luyện kỹ năng sống đối với những học sinh 6 tuổi.

“Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn, mà chúng tôi dạy dũng cảm. Dũng cảm là trong khủng hoảng phải làm chủ được cảm xúc. Bởi nếu không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào hết“, ông Việt trao đổi trên báo VnExpress.

Nhiều trẻ nhỏ hiện nay chỉ cần thấy kim tiêm là khóc, thì những bài rèn luyện kỹ năng như này sẽ giúp trẻ đối diện với sợ hãi và vượt qua chúng, ông Việt chia sẻ quan điểm.

Có thể thấy, sự phản đối tập trung vào hai lý do chính, thứ nhất là đối tượng là các em nhỏ (6 tuổi), thứ hai là mức độ nguy hiểm của hành động.

Vậy hãy phân tích một chút về những lý do này.

Thứ nhất, việc đi chân trần trên mảnh vỡ thủy tinh có hoàn toàn nguy hiểm?

Thực tế, việc có thể đi chân không trên mảnh thủy tinh đã được giải thích một cách rộng rãi, kèm theo nhiều hình ảnh chứng minh cho thấy, việc này không đáng sợ như nhiều người tưởng. Tuy nhiên, một điều khẳng định là không được tự thực hiện một mình, và phải nắm rõ được nguyên tắc đảm bảo an toàn.

https://www.youtube.com/watch?v=X3szrdXqlbs

Theo một số trang như Howstuffworks, Wikipedia, Magic Secret Explained, về nguyên lý, nếu như bạn chỉ giẫm lên một mảnh thủy tinh sắc nhọn, áp suất sẽ rất lớn do toàn bộ trọng lực của cơ thể dồn lên một mảnh thủy tinh duy nhất – lực này đủ lớn để đâm thủng da chúng ta.

Khi giẫm lên nhiều mảnh, áp lực về trọng lượng cơ thể sẽ được dàn đều trên mỗi phần da tiếp xúc với thủy tinh. Do đó, sẽ không gây đứt da, chảy máu.

thuy-tinh

Một mảnh thủy tinh sắc nhọn có thể cứa đứt màng bóng bay dễ dàng. Nhưng khi áp lực được dàn đều, quả bóng bay không bị vỡ dù bị ép xuống.

Chìa khóa của vấn đề là “áp suất”. Trong vật lý học, áp suất (viết tắt là p hoặc P) là lực trên một đơn vị diện tích tác dụng theo chiều vuông góc với bề mặt của vật thể. Theo đó, người bước lên thủy tinh buộc phải bước vuông góc và không được xê dịch bàn chân. Còn mảnh thủy tinh thì không được quá bé. Nhiều mảnh quá bé sẽ làm tăng độ sắc nhọn cho thảm thủy tinh.

Ông Việt cũng xác nhận, mức độ an toàn là mảnh vỡ thủy tinh phải to cỡ 3 cm2 và độ dày 3 cm, và thầy hướng dẫn phải dùng băng dính để dính lại những mảnh rất nhỏ trước khi bước qua.

Như vậy, đi chân trần trên mảnh vỡ thủy tinh chỉ không nguy hiểm khi người thực hành hiểu rõ về độ an toàn của thảm thủy tinh, cách thức bước, và không được sợ hãi để không xê dịch bàn chân khi bước qua.

Thậm chí, nhiều trường hợp người thực hành vì lượt đầu đi qua thành công nên hào hứng tiếp tục bế, cõng nhiều người đi qua, dẫn đến đứt chân, chảy máu.

Việc chảy máu là hoàn toàn có thể nếu các yếu tố trên không được đảm bảo. Xem video:

https://www.youtube.com/watch?v=rxKO2uUCScI

Thứ hai, cho các em nhỏ (6 tuổi) thực hành đi chân trần trên mảnh vỡ thủy tinh.

Những yếu tố đã chỉ ra cho thấy, trẻ em không thể tự mình thực hiện bài thực hành này, nếu không có người hướng dẫn kèm theo. Cần có người hướng dẫn để đảm bảo về kỹ thuật bước đi, độ an toàn của mảnh thủy tinh (độ lớn, độ sạch), đỡ tay để trẻ nhỏ không ngã .

Những hình ảnh thực hành tại Trung tâm ABA cho thấy, độ dài của thảm thủy tinh đã rút ngắn đi khá nhiều khi áp dụng với người lớn. Có ít nhất 3 người lớn hướng dẫn cho một em nhỏ.

giam-manh-thuy-tinh
(Ảnh chụp màn hình/Facebook)

Có thể hiểu bài thực hành sẽ giúp trẻ dạn dĩ, tự tin vào năng lực bản thân, tuy nhiên không thể áp dụng rộng rãi, và càng không thể công bố thông tin một cách phổ biến mà không kèm theo cảnh báo nguy hiểm và giải thích về nguyên tắc thực hành – đây là lý do vì sao việc đi trên thủy tinh lại bị phản đối khi được lấy làm ví dụ minh họa trong cuốn sách dạy kỹ năng sống cho trẻ em.

Thực tế, hầu như chỉ duy nhất người hướng dẫn hiểu được mức độ nguy hiểm, cũng như cách thức để đảm bảo an toàn cho việc này. Do đó, việc đưa hình ảnh người lớn hoặc trẻ em đi chân không trên mảnh thủy tinh lên sách, lên mạng xã hội (facebook) mà không kèm thông tin giải thích, cảnh báo sẽ dẫn đến việc bắt chước, tự làm.

Lấy ví dụ minh họa đi chân trần trên mảnh thủy tinh để rèn luyện lòng dũng cảm trong sách kỹ năng sống cho trẻ lớp 1 là không nên

Theo đó, đi chân trần trên mảnh thủy tinh trên thực tế nên được coi là bài học về sự thận trọng hơn là về lòng dũng cảm, và nó dành cho người lớn hơn là cho trẻ em. Là thận trọng từ việc viết sách cho đến xuất bản sách, hay phổ biến hình ảnh trên mạng Internet.

Đối với trẻ em, lòng dũng cảm là khi các em được trang bị đầy đủ thao tác để làm việc đó, như cứu người bị đuối nước, không sợ kim tiêm đâm… Lòng dũng cảm là về tinh thần, do đó, trước khi động viên các em có lòng dũng cảm thì người lớn cần phải dạy các em các kỹ thuật để tự đảm bảo được an toàn trước đã.

(*) Người viết đã từng thực hành đi chân trần trên mảnh thủy tinh, theo sự hướng dẫn, một cách an toàn.

Phan A

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc