Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Học sinh giỏi cấp quốc gia đậu hai trường ĐH nhưng không thể nhập học

Học sinh nơi vùng xa chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với các nơi khác. Mới đây một học sinh người dân tộc, dù là học sinh giỏi cấp quốc gia, đạt giải 3 môn địa lý trong cuộc thi giành cho học sinh giỏi toàn quốc, thi đại học đủ điểm đậu 2 trường ĐH ở Hà Nội, thế nhưng lại không học đại học do ở nơi vùng xa không nhận được bất kỳ một thông tin nào.

Bố con em Đặng Thị Huyền không có được niềm vui trọn vẹn tại lễ tuyên dương học sinh – sinh viên xuất sắc. Ảnh Quang Lộc – tienphong.vn

Bố con em Đặng Thị Huyền không có được niềm vui trọn vẹn tại lễ tuyên dương học sinh – sinh viên xuất sắc. Ảnh Quang Lộc – tienphong.vn

Đó là trường hợp của học sinh Đặng Thị Huyền, người dân tộc Hoa, sinh năm 1998 ở  thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Dù là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh nghèo khó ở nơi vùng xa xôi, nhưng Huyền là học sinh giỏi cấp quốc gia, đạt giải 3 toàn quốc môn địa lý.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016, điểm thi của Huyền là Ngữ văn 7; lịch sử 7; địa lý 9, tính cả điểm ưu tiên khu vực thì điểm xét tuyển đại học của Huyền là 27,5 điểm. Huyền làm hồ sơ gửi vào trường đại học Luật Hà Nội, nhưng nguyện vọng 1 là 28 điểm nên Huyền bị thiếu mất nửa điểm, nhưng vẫn đậu nguyện vọng 2.

Thế nhưng vì nơi vùng xa, đi lại rất khó khăn tốn kém, nên gia đình Huyền không biết phải gửi giấy báo điểm cho nhà trường, khiến đánh lỡ mất cơ hội học đại học.

Chỉ đến khi mới đây, lúc chuẩn bị đi Hà Nội theo lời mời dự lễ tuyên dương học sinh – sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc năm 2016, Huyền một được một nhà báo cho biết phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học.

Sau lễ tuyên dương học sinh xuất sắc diễn ra hôm qua (ngày 5/11) một nhóm nhà báo và quan chức đã đến nghe câu chuyện của Huyền, cô học sinh giỏi này cho biết: Em hoàn toàn không biết năm nay có quy định thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường để xác nhận nhập học, mà vẫn đinh ninh rằng phải có giấy báo nhập học của trường gửi về nhà rồi mang hồ sơ xuống trường để nhâp học luôn.

điện thoại của em thời gian đó lại hỏng nên em không liên lạc với các bạn để biết thông tin này.

Cô học sinh này ngân ngấn nước mắt kể với phóng viên vietnamnet rằng: “Nhà em lại ở xa. Muốn tới được chỗ có thể truy cập mạng để đọc thông tin cũng phải đi tới 15km đường núi nên em không biết được thông tin này” 

Huyền cũng nghẹn nghèo nói với phóng viên báo Dân Việt rằng: “Giờ em không biết phải làm thế nào cả. Không biết ai có thể giúp em. Chỉ mong có một phép màu để thời gian quay ngược trở lại, để cánh cửa vào giảng đường ĐH đừng khép lại”

Sáng ngày 5/11 một tờ báo điện tử đưa câu chuyện của Huyền, một quan chức thuộc Cục Khảo thí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điện thoại hướng dẫn Huyền viết đơn lên Cục để giải quyết.

Đồng thời thông qua báo Tiền Phong, Huyền gửi thư đến Bộ Giáo dục và Cục Khảo thí. Nội dung lá thư được đăng tải trên báo Tiền Phong như sau:

“Cháu là con em dân tộc ít người ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh, chị, em nên từ nhỏ cháu luôn cố gắng học tập để thoát nghèo. Trong các năm học ở cấp 2, cấp 3 cháu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học 2015 – 2016, trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, cháu đạt giải Ba môn Địa lý. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, cháu đạt: Văn 7,5 điểm; Sử 7 điểm, Địa 9 điểm. Tính thêm điểm cộng ưu tiên là 27,5  điểm.

Nhận giấy báo điểm, cháu làm hồ sơ gửi xét tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội (nguyện vọng 1 vào ngành Luật Kinh tế, nguyện vọng 2 vào ngành Luật). Đến khi biết điểm chuẩn NV1 Trường ĐH Luật Hà Nội không đủ (trường lấy 28 điểm) nhưng thừa điểm NV2 (trường lấy 26,25 điểm), cháu đinh ninh là mình đỗ nhưng chờ mãi không thấy giấy báo. Vì gia đình cháu nằm ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn, đi lại vất vả, mạng lưới công nghệ thông tin không phát triển nên cháu không kịp thời cập nhật thông tin để gửi giấy báo điểm cho Trường ĐH Luật. Do vậy, Trường ĐH Luật Hà Nội coi cháu là “thí sinh ảo”. Cháu đã làm mất cơ hội học tập duy nhất của bản thân…

Gia đình cháu nghèo, bố mẹ quanh năm làm nương, làm rẫy cũng chỉ đủ nuôi 3 anh em bữa no, bữa đói. Cả bố và mẹ đều biết rất ít chữ và chưa từng ra khỏi thôn làng. Nếu không được tiếp tục đi học, cháu sẽ bị gia đình bắt lấy chồng rồi sinh con như bạn bè cùng trang lứa ở nơi cháu sinh sống. Giờ cháu không biết phải làm thế nào cả. Chỉ mong có một phép màu để thời gian quay ngược trở lại… Cháu cũng không biết nhờ ai giúp đỡ. Cháu xin gửi đơn cầu cứu này đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Khảo thí Bộ Giáo dục và Đào tạo mong được xem xét, tạo điều kiện cho cháu thêm một cơ hội để cháu tiếp tục được theo học… Cháu xin hứa sẽ cố gắng hết sức để học tập tốt, sau này góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là tỉnh Hà Giang – một tỉnh nghèo nhất cả nước và gặp rất nhiều khó khăn”

Báo Tiền Phong cũa đưa tin lãnh đạo tờ báo này đã có liên hệ với Văn phòng Bộ Giáo dục, và Văn phòng này hứa khi nhận được đơn của Huyền sẽ báo cho lãnh đạo Bộ ngay về trường hợp này.

Trang vietnamnet đưa thông tin cho biết Bộ Giáo dục đã nhận được đơn thư của học sinh Đặng Thị Huyền và cho biết Huyền không chỉ đậu ĐH Luật Hà Nội mà còn đậu cả ĐH Sư Phạm Hà Nội.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí cho vietnamnet biết Cục đã chủ động liên lạc với em Huyền để biết ý định của em, sau đó sẽ liên lạc với nhà trường để giải quyết việc này.

Câu chuyện của học sinh giỏi cấp quốc gia Đặng Thị Huyền cũng gợi lên câu hỏi là, liệu có bao nhiêu trường hợp nữa không may giống như Huyền mà không một ai biết đến?

Bởi còn rất nhiều học sinh nơi vùng sâu xa, vì hoàn cảnh nghèo khó không tiếp cận được thông tin, mà không phải ai cũng may mắn biết được sự việc giống như trường hợp của Huyền.

Ngọn Hải Đăng

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc