Bện nhân BN17036 đã tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 trước đó, nhưng khi xét nghiệm vẫn nhận được kết quả dương tính với virus.
Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, BN17036 làm việc tại tiệm tóc Phương Hiếu (có địa chỉ tại 161 Nam Cao, phường Tân Phú, Thủ Đức, TP.HCM). Vào khoảng 7 giờ ngày 30/6, khi được xét nghiệm nhanh cùng bạn là chị N.T.Q.N ở Trung tâm Y tế huyện Tam Bình (Vĩnh Long), BN17036 nhận kết quả dương tính, trong khi chị N. thì ngược lại.
Việc đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng vẫn cho kết quả dương tính với virus làm dấy lên nhiều mối quan tâm từ cộng đồng trong thời gian gần đây.
Hồi giữa tháng Sáu (17/6), Reuters cho biết có hơn 350 bác sĩ ở Indonesia bị nhiễm virus corona dù đã được tiêm chủng, đặc biệt hàng chục bác sĩ phải nhập viện với các triệu chứng như sốt cao.
Nguồn thông tin cũng cho biết, vaccine tiêm cho các bác sĩ ở Indonesia là của hãng Sinovac (Trung Quốc).
Giải thích về điều này, hiệp hội y tế Indonesia cho rằng số lượng các ca nhiễm mới sau tiêm chủng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nếu đem so sánh với tổng số người đã tiêm vaccine, theo báo Thanh Niên.
Trong khi đó, Giáo sư y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia (Anh) cho rằng, có thể vaccine Sinovac không đạt hiệu quả như nhiều vaccine khác, hoặc bệnh viện ở Indonesia không đủ điều kiện điều trị các ca bệnh nặng. Do đó, việc vẫn có trường hợp tử vong dù đã được tiêm ngừa là điều khá bình thường.
Ngoài ra, chỉ trong vòng 9 ngày kể từ khi triển khai tiêm vaccine AstraZeneca đại trà, Đài Loan đã có tới 178 người tử vong. Mặc dù các cuộc khám nghiệm cho rằng những người tử vong không có liên quan đến vaccine, nhưng liên tiếp các trường hợp dương tính với virus cũng như biến chứng bất thường xuất hiện ở nhiều nơi đã khiến dư luận phần nào hoang mang và thiếu tin cậy.
Trước đó, vào ngày 20/6, Việt Nam cũng đã nhận được 500.000 liều vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Bộ Y tế cho biết lô vaccine này sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm gồm: Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới.
Về vấn đề này, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, sau khi tiêm mũi 1, cần mất ít nhất 14 ngày để vaccine bắt đầu có tác dụng. Bên cạnh đó, khả năng bảo vệ sau mũi 1 vẫn còn cực thấp. Chỉ khi tiêm mũi thứ 2 từ một tháng trở đi thì vaccine mới có hiệu quả, nhưng khả năng bảo vệ vẫn không phải tuyệt đối và dao động ở mức khoảng 60 – 90% tuỳ loại. Vì vậy, dù đã tiêm đủ 2 mũi thì người đó vẫn có khả năng mang mầm bệnh và lây nhiễm cho người khác.
Liên quan đến ca nhiễm mới ở Vĩnh Long, hiện ngành y tế tỉnh đã truy vết được 8 trường hợp F1 của BN17036 và đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Bảo Vy
Theo NTDVN.com
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!