Home » Xã hội » ‘Kiện Vedan là chắc thắng’
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiêm Trưởng ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ kiện Vedan, với đại diện báo Đất Việt ngày 20/7.
 
Lường trước được việc Vedan sẽ giở “chiêu” cù nhầy, kéo dài thời gian thương lượng bồi thường thiệt hại cho nông dân, thậm chí kéo dài quá thời hiệu khởi kiện, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định thành lập Ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan, để chuẩn bị tâm thế kiện Vedan ra tòa.
 

Mỗi ha mặt nước, Vedan tính có 1 con cá

Trong buổi trao đổi kinh nghiệm về việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục pháp lý kiện Vedan ra tòa của đoàn công tác báo Đất Việt, ông Cường khẳng định, mọi công tác chuẩn bị tiền tố tụng để đưa Vedan ra tòa đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến ngày 25 – 27/7 sẽ nộp hồ sơ khởi kiện Vedan ra tòa án.

“Trong thời gian 7 tháng, chúng tôi đã làm việc cật lực, với sự tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực, nhưng cũng hết sức công khai, minh bạch, Ban chỉ huy (gồm các Sở NN-PTNT, Tư pháp, Tài nguyên – Môi trường, Tài chính) đã hoàn tất thủ tục 1.064 hồ sơ trong số 1.225 hồ sơ của nông dân với đầy đủ chứng cứ cần thiết để kiện Vedan ra TAND huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thắng kiện Vedan là điều chắc chắn. Để có được bộ hồ sơ hoàn chỉnh cho dân, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Cục môi trường và các văn bản liên quan, Ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ kiện Vedan (BCH) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng lộ trình điều tra, đánh giá thiệt hại do Vedan gây ra. Từ dữ liệu thống kê đã khoanh vùng khu vực bị ô nhiễm, các lực lượng phối hợp đã xây dựng một bảng câu hỏi, tiêu chí phỏng vấn, điều tra, làm căn cứ xác định thiệt hại. Đây cũng là cơ sở để loại trừ những hồ sơ không thuộc đối tượng đi kiện và kê khai không trung thực.

Từ điểm tập kết chất thải chưa qua xử lý này, Vedan cứ xả thẳng nước thải xuống sông Thị Vải. Ảnh: Tấn Thuấn.

Với chủ trương công khai, minh bạch, thiện chí, sau khi có số liệu về thiệt hại, BCH đã cung cấp ngay cho Vedan để họ thẩm định lại. Mặc dù đã rất thận trọng, và ngay cả con số thiệt hại đưa ra cũng chỉ lấy ở mức bình quân chung, nhưng Vedan vẫn không hiểu hay cố tình không hiểu mà cứ cù cưa rồi “cò kè bớt một thêm hai”, đại diện BCH chia sẻ.

Điều lạ là trước những giải thích, chứng minh thuyết phục, Vedan vẫn cố cãi, rồi kết luận: Mỗi ha mặt nước sông của các hộ nông dân chỉ có một con cá! Từ đó họ cho rằng, thiệt hại do Vedan gây ra với nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có 3,6 tỷ đồng, nhưng vì “tình cảm” nên đồng ý hỗ trợ 10 tỷ đồng.

Không còn là chuyện của riêng ai

Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, BCH đã có nhiều buổi làm việc với đại diện của Vedan. Tất cả những thắc mắc, nghi vấn mà phía luật sư của Vedan đưa ra (đại diện cho Vedan là luật sư Hoàng Như Vĩnh – Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư Đồng Nai), BCH đã giải thích cặn kẽ đến từng chi tiết. “Thế nhưng họ cứ đưa ra những yêu cầu hết sức lạ lùng, ’nhầm lẫn’ từ cái này sang cái khác”, ông Cường nói. Và cũng theo ông Cường, thiệt hại mà Vedan gây ra không thể tính được bằng tiền.

Câu chuyện buộc Vedan bồi thường, phải có trách nhiệm với môi trường không còn là chuyện của riêng ai tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ cắt cử cán bộ đi điều tra xác định thiệt hại… đến bố trí hơn 40 nhân viên giúp nông dân sàng lọc hồ sơ đưa đến 8 điểm photocopy miễn phí, công chứng…, 44 luật sư trực thuộc Đoàn luật sư tỉnh túc trực tại trụ sở UBND các xã, để hướng dẫn dân viết đơn khởi kiện, hướng dẫn dân viết đơn xin miễn giảm án phí, vì đa số đều là người nghèo khó. Nhiều hộ dân sống ở vùng sâu cũng được những đội “xe ôm lưu động” len lỏi tìm đến, mời ra UBND xã làm thủ tục khởi kiện cho kịp thời hạn. Bằng mọi giá, tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh phải giúp nông dân đòi lại công bằng, công lý, buộc Vedan phải bồi thường thiệt hại đối với những gì họ đã gây ra.

“Cách làm của Hội Nông dân Đồng Nai chưa đúng”
Đó là khẳng định của ông Đào Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông Dân VN chiều 20/7, khi cùng Ban kiểm tra của Trung ương hội làm việc với Hội Nông dân Đồng Nai về tiến độ đòi Vedan bồi thường cho nông dân trên địa bàn tỉnh này.

Theo ông Lượng, Hội Nông dân Đồng Nai vận động nông dân đồng ý mức hỗ trợ 15 tỷ đồng, không khởi kiện là chưa có căn cứ, vì bản thân mỗi nông dân cũng chưa biết sẽ nhận được bao nhiêu. Lẽ ra Hội Nông dân Đồng Nai phải căn cứ vào thống kê thiệt hại, mức thiệt hại từ Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, rồi mới gặp dân, hỏi họ nên đòi bao nhiêu tiền, có vấn đề gì chưa được…

Về việc Hội Nông dân Đồng Nai tiếp xúc với khoảng 350 hộ nông dân đại diện, ông Lượng cho rằng, những hộ này không thể nào đại diện được cho trên 5.000 hộ dân thiệt hại. Bởi trên 5.000 hộ này chưa có ủy quyền cho 350 hộ dân mà Hội Nông dân Đồng Nai mời. Ông Lượng chỉ đạo, riêng người dân bị thiệt hại muốn khởi kiện Vedan, thì các cấp hội phải tiếp nhận, tư vấn và hướng dẫn.

 

Tấn Thuấn – Gia Khang
Theo baodatviet.vn

Comments are closed.