Home » Xã hội » Ngày mai, bão số 1 sẽ đổ bộ vào Hải Phòng – Nghệ An

Bão số 1 đã di chuyển xuống phía Nam và nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Đây là cơn bão mạnh, vùng ảnh hưởng rộng, dự báo là sẽ gây mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất rất cao.

Sáng sớm nay 16.7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, bàn và triển khai các biện pháp đối phó với bão số 1.


Bản đồ dự báo đường đi của bão số 1 – Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, sáng nay, tâm bão số 1 đã nằm trên đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, 12.

Trong ngày hôm nay, bão chủ yếu di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20 km/giờ, đến sáng mai 17.7, bão đã hoành hành ở khu vực giữa Vịnh Bắc Bộ và sẽ cập bờ vào khoảng 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều cùng ngày. Tâm bão đi vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An.

Chịu ảnh hưởng của bão, trên Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, 8, sau tăng lên cấp 10, 11. Sóng biển trên khu vực biển từ phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa cao 7 – 8m, Vịnh Bắc Bộ cao 5 – 6m.

Trên đất liền, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, nước biển dâng cộng với thủy triều cao từ 4 – 5m.

Tính đến sáng nay, Bộ đội Biên phòng đã bắn pháo hiệu báo bão tại 38 điểm. Huy động 2.868 cán bộ chiến sĩ và hàng trăm phương tiện hỗ trợ người dân phòng chống bão. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu 2, 3, 4, 5 sẵn sàng tham gia phòng chống bão và ứng phó với các tình huống xảy ra.Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện một số tàu trong số 33 tàu của Quảng Ngãi hoạt động ở khu vực nguy hiểm đã về bờ hoặc đang di chuyển đến nơi an toàn. 9 tàu khác đang ở đảo Trụ Cầu nhưng chưa được vào trú tránh bão và 5 tàu khác bị mất liên lạc.  

 

Về diễn biến mưa, ông Tăng cho biết, chiều nay các tỉnh khu 4 cũ bắt đầu có mưa, sáng mai có mưa to.

Các khu vực bão đổ bộ, theo ông Tăng, mưa sẽ cấp tập trong lúc bão đi qua với lượng mưa từ 200 – 300mm. Các tỉnh vùng núi lượng mưa có thể lên đến trên 400mm. “Các tỉnh miền núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh đồng bằng ven biển, kể cả các thành phố, trong đó có Hà Nội có thể bị úng ngập”, ông Tăng cảnh báo.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát lưu ý, người dân và bộ máy phòng chống thiên tai từ các bộ ngành đến địa phương cần sẵn sàng các phương án đối phó với mưa bão, lũ.

Ông Phát cho rằng, chúng ta đã thông báo và kêu gọi được hàng chục ngàn tàu thuyền vào bờ hoặc di chuyển đến nơi an toàn nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là trên biển còn có bao nhiêu thuyền, bao nhiêu ngư dân đang hoạt động thì lại không nắm rõ.

Vì thế, ngay trong hôm nay, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi phải tiến hành nắm thông tin về từng con tàu để có cách ứng phó hiệu quả nhất. Trong ngày hôm nay, các địa phương cũng xem xét tình hình để ra lệnh cấm biển cho kịp thời.

“Các địa phương cần rà soát và lên phương án di dời dân tại các khu vực có nguy cơ cao, kiên quyết di dời toàn bộ người dân đang nuôi trồng thủy sản ở ngoài đê và không để họ quay trở lại chòi canh. Người dân và các cấp chính quyền phải chằng chống nhà cửa, neo giữ cần trục, cần cẩu ở các công trường đang thi công, sẵn sàng hộ đê vì không loại trừ khả năng lũ xuất hiện trên các sông suối”, ông Phát nói.

Về công tác chống úng ngập, ông Phát yêu cầu, các địa phương tiến hành tiêu nước đệm trên đồng ruộng, riêng Hà Nội phải có phương án chống úng cho khu vực nội đô, hết sức lưu ý đến an toàn về điện.

Ông Phát cũng đề nghị Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức sẵn sàng phương tiện và lực lượng để ứng cứu kịp thời đối với công trình cầu Phú Lệ trên quốc lộ 21 thuộc H.Hải Hậu (Nam Định) do đang có nguy cơ xảy ra sự cố cao khi bão đổ bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần hết sức cảnh giác trước những diễn biến tiếp theo của bão số 1.

“Khi tàu thuyền đã vào bờ, cần hướng dẫn cho ngư dân neo đậu an toàn. Thực tế cho thấy, trong bão thì tàu thuyền gặp nạn trên biển rất ít nhưng lại bị chìm và hư hỏng nhiều khi neo đậu trong bờ. Kỹ thuật neo đậu đã được ban hành và tập huấn, các tỉnh phải chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương rà soát và chuẩn bị sơ tán dân vào thời điểm thích hợp căn cứ vào diễn biến bão, tổ chức chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn các công trình thủy điện, chuẩn bị sẵn sàng lương thực và thuốc men đề phòng tình huống bị chia cắt…

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan thành lập 2 đoàn công tác, đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 1 tại Quảng Ninh – Hải Phòng và Nam Định – Thanh Hóa.

Quang Duẩn

Theo thanhnienonline


Comments are closed.