Home » Sức khỏe, Tiêu biểu sideshow » Giấc ngủ và sức khỏe ở trẻ nhỏ
Vấn đề liên quan tới giấc ngủ ở trẻ nhỏ không chỉ khiến các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy chúng ta cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

Trẻ nhỏ cần được ngủ đầy giấc ban đêm.

Khi một nhóm các ông bố bà mẹ tụ tập thì không bao lâu sau, chủ đề các cuộc đối thoại thường chuyển sang vấn đề giấc ngủ hoặc bao nhiêu trẻ không ngủ đủ giấc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi bố mẹ quan tâm đến giấc ngủ của trẻ bởi một số chuyên gia cho rằng khoảng 35% trẻ em gặp khó khăn liên quan đến giấc ngủ.

Hơn nữa, ngày càng nhiều nghiên cứu cho rằng những vấn đề này đang ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ, bao gồm việc học tập, tăng trưởng và thậm chí cả khả năng miễn dịch.

Tiến sĩ Sarah Blunden là chuyên gia tâm lý học và nghiên cứu giấc ngủ từ Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ thuộc Đại học Nam Úc. Bà phát biểu trong một Hội nghị về Tâm lý học tại Melbourne gần đây rằng các vấn đề về giấc ngủ có liên quan đến hành vi hoặc bệnh lý ảnh hưởng tới trí nhớ, khả năng tập trung, suy nghĩ và hành vi của trẻ.

Với trẻ nhỏ, nguy cơ phổ biến liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ do bệnh lý là chứng ngưng thở trong khi ngủ. Tuy nhiên, chứng mộng du, rối loạn vận động chi định kỳ hoặc hội chứng nhức chân về đêm và những bệnh lý khác như hen suyễn hoặc exzema cũng có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Các vấn đề giấc ngủ liên quan đến hành vi bao gồm tình trạng khó ngủ hoặc tình trạng buồn ngủ khi thức, không chịu đi ngủ hoặc ra khỏi giường vào ban đêm.

Nghiên cứu của tiến sĩ Blunden phát hiện thấy hiện tượng ngáy (thường liên quan tới chứng ngưng thở) ảnh hưởng tới trí tuệ và khả năng tập trung của trẻ. Một số vấn đề khác về giấc ngủ liên quan tới một số triệu chứng như thiểu năng hành vi hoặc giảm trí nhớ.

Những phát hiện này cho kết quả đồng nhất với những nghiên cứu phát hiện thấy một số người kém ngủ có những triệu chứng của bệnh rối loạn mất tập trung và tăng động (ADHD) và thường bị chẩn đoán sai.

Giấc ngủ và hiện tượng ngáy

Một nghiên cứu khác của Úc đã được trình bày ở một số hội nghị chuyên ngành về giấc ngủ hồi đầu năm nay nhưng chưa được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành đã cung cấp các thông tin về mối quan hệ giữa hiện tượng ngáy và các triệu chứng kiểu rối loạn mất tập trung và tăng động (ADHD).

Tiến sĩ Margot Davey, bác sĩ chuyên khoa nhi về giấc ngủ và một nhóm nghiên cứu tại Đại học Monash, đã theo dõi một nhóm trẻ trong độ tuổi từ 7–12. Các nhà nghiên cứu đã so sánh 140 trẻ có hiện tượng ngáy và mắc chứng ngưng thở trong khi ngủ với 35 trẻ không có hiện tượng này. Nghiên cứu phát hiện thấy những trẻ có hiện tượng ngáy học tập, giải quyết các vấn đề, trí nhớ, khả năng tập trung chú ý kém hơn và dễ tức giận cũng như có nguy cơ bị chẩn đoán mắc chứng ADHD.

Phát hiện trong nghiên cứu của Tiến sĩ Davey đã chứng minh những phát hiện về những vấn đề ở những trẻ bị mắc chứng nghẽn thở khi ngủ ở mức từ trung bình đến nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người bị các vấn đề về đường thở nhẹ hơn cũng bị ảnh hưởng tới khả năng học tập và hành vi.

Chứng nghẽn thở khi ngủ là tình trạng khi các cơ cổ họng và đường hô hấp trên chèn liên tiếp lên đường thở trong khi ngủ, gây cản trở khả năng thở bình thường và phần nào khiến người bệnh thức dậy nhiều lần trong đêm. Ngáy là triệu chứng chính nhưng những trẻ mắc chứng nghẽn thở trong khi ngủ cũng có thể gặp những hiện tượng như ngủ không say, thở đường miệng, thở khó, ngưng thở hoặc đái dầm.

Tiến sĩ Mandie Griffiths, bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ và đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi Hoàng Gia Melbourne, cho biết khoảng 15 – 20% số trẻ ngáy vào một thời điểm nào đó và chỉ có 3% trẻ bị chứng nghẽn thở cản trở trong giấc ngủ.

Có thể nhiều bậc cha mẹ nhận biết được trẻ ngáy hoặc những dấu hiệu khác cho thấy chứng nghẽn thở khi ngủ ở trẻ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Mandie Griffiths, một số ông bố bà mẹ ngủ quá say có lẽ đã bỏ qua những dấu hiệu này.

Tiến sĩ Griffiths cho biết những trẻ đã ngáy trong một thời gian dài và có các triệu chứng khác nên đi khám bởi bác sĩ đa khoa có thể giới thiệu trẻ đến khám ở các chuyên gia hoặc cần nghiên cứu thêm về các vấn đề liên quan đến giấc ngủ của trẻ.

“Việc điều trị cho trẻ có những vấn đề về giấc ngủ rất quan trọng. Việc điều trị có thể mang lại sự khác biệt lớn trong đời sống của trẻ,” bà nói. “Chứng nghẽn thở khi ngủ có thể gây ra hiện tượng ngủ vào ban ngày, các vấn đề về hành vi và học tập. Nếu diễn ra trong thời gian dài, chứng nghẽn thở khi ngủ làm tăng nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Theo tiến sĩ Griffiths, trong hầu hết các trường hợp, cắt bỏ amidan hay tuyến adenoid (tuyến sau thanh quản) bị sưng thường điều trị được tình trạng này. Mặc dù vậy, một số trẻ có thể cần các loại thuốc sịt đường mũi hay đeo mặt nạ áp suất đường thở tích cực liên tục (có tác dụng tạo áp suất liên tục tới đường thở và phổi, mở khí quản để có thể thở bình thường) vào ban đêm.

Davey cho biết mặc dù kết quả theo dõi cho thấy những tín hiệu tích cực sau thời gian điều trị, một số nghiên cứu mới đây cho rằng kết quả này không tốt như đánh giá ban đầu. Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Davey hiện đang theo dõi trẻ tuổi mẫu giáo để tìm hiểu liệu việc điều trị khi trẻ còn nhỏ có mang lại kết quả tích cực hơn hay không.

Một số nhóm trẻ, trong đó có trẻ mắc chứng ADHD, liệt não, tự kỷ và các hội chứng về phát triển, có tỉ lệ mắc các chứng rối loạn giấc ngủ cao hơn.

Vấn đề về giấc ngủ liên quan đến hành vi

Trên thực tế, các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến hành vi phổ biến hơn các vấn đề do bệnh lý.

“Khi sinh ra, trẻ em không bị kém ngủ. Tuy nhiên, do bẩm sinh có giấc ngủ không sâu, trẻ em thường được coi là những đứa trẻ khó ngủ,” Tiến sĩ Blunden giải thích. “ Các vấn đề về giấc ngủ bị hiểu sai đáng kể và chưa được chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia có thể giải quyết các triệu chứng này.”

Blunden cho biết trẻ mới biết đi cần từ 12–14 giờ ngủ mỗi ngày trong khi học sinh tiểu học cần ngủ khoảng 10-12 giờ. Nghiên cứu cho thấy nếu không ngủ đủ khoảng thời gian cần thiết, trẻ sẽ hoạt động kém hiệu quả.

“Trẻ sẽ dễ cáu giận, hung hăng, hoạt động quá khích, đứng ngồi không yên và không thể tập trung hay ghi nhớ thông tin, ảnh hưởng tới quá trình học tập. Trẻ dễ bị ốm và có nguy cơ bị tai nạn cao hơn,” Tiến sĩ Blunden cho biết.

Các ông bố bà mẹ, hoặc những đứa trẻ không muốn ngủ, có thể liệt kê nhiều lý do cho các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến hành vi như:

• Trẻ không thể ngủ – bởi chúng không biết cách tự ngủ, không muốn ngủ hoặc đã quen với việc bố mẹ ru ngủ
• Trẻ quá phấn khích hoặc bị kích thích
• Trẻ không muốn ngủ một mình
• Trẻ bị ốm, sợ hãi hoặc lo lắng
• Trẻ cảm thấy không được dành nhiều thời gian bên bố mẹ. Đó là lý do chúng thức để muốn được bố mẹ chú ý

Phân loại các vấn đề về giấc ngủ

Bố mẹ cần trò chuyện với con cái để tìm hiểu nguyên nhân các vấn đề về giấc ngủ. Bố mẹ cũng cần đảm bảo rằng trẻ có thói quen đi ngủ đúng giờ. Thói quen hàng ngày điều độ như ăn tối, tắm hoặc thời gian và phòng ngủ yên tĩnh cũng có thể giúp trẻ thư giãn trước giờ đi ngủ. Trẻ sẽ chuẩn bị đi ngủ tốt hơn trong căn phòng yên tĩnh và thoải mái.

Các chuyên gia về giấc ngủ khuyến cáo các phương thức sau:

• Khuyến khích trẻ tự ngủ từ 6 tháng tuổi (đặt trẻ xuống giường khi chúng đang buồn ngủ chứ không phải sau khi chúng đã ngủ).
• Đặt ra cơ chế thưởng (một biểu đồ ngôi sao với những vòng may mắn hoặc cuộc đi chơi ưa thích) để khuyến khích trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, đặc biệt khi chúng không ra khỏi giường và tới giường bố mẹ vào ban đêm.
• Nói chuyện với trẻ về những điều khiến chúng sợ hãi hoặc lo lắng có thể là nguyên nhân khiến trẻ thao thức.
• Trước giờ đi ngủ, tập thư giãn, tập thở hoặc các bài tập tưởng tượng như tưởng tượng một nơi vui vẻ trẻ ưa thích ở bãi biển hay công viên và giúp trẻ ‘đến những nơi này’.
• Lắp đèn ngủ nếu trẻ sợ bóng tối.
• Khuyến khích các hoạt động thư giãn như đọc sách, vẽ, nghe nhạc nhẹ vào thời điểm trước khi đi ngủ để giúp trẻ thả lỏng.
• Tắt ti-vi (hoặc không để ti-vi trong phòng ngủ), máy tính, các trò chơi điện tử và các hoạt động khác trước giờ trẻ chuẩn bị ngủ.
• Tránh các bài tập căng thẳng trong vòng vài giờ trước giờ đi ngủ nhưng cần đảm bảo trẻ có thể tập thể dục nhiều vào ban ngày.
• Cấm trẻ uống các loại đồ uống có chất caffeine và hạn chế các thức ăn cay hoặc mặn bởi các loại đồ ăn này có thể khiến trẻ cảm thấy khát và thức giấc lúc nửa đêm.
• Gọi trẻ dạy vào một giờ nhất định hàng ngày.

Nếu những cách làm này không có tác dụng, bạn cần gặp bác sĩ đa khoa để bác sĩ sẽ giới thiệu tới chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ hay nhà tâm lý để tìm hiểu nguyên nhân trẻ khó ngủ và tìm ra một giải pháp.

Tiến sĩ Griffiths cho rằng trẻ phản hồi tốt với phương pháp điều trị và đôi khi trẻ có các vấn đề về giấc ngủ hành vi không nghe lời bố mẹ nhưng nghe lời các chuyên gia.

Theo bayvut

Chuyên đề: , , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc