Home » Thế giới » Vấn đề tịch thu đất đai tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, tịch thu đất đai là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng bất ổn xã hội.

Tại Trung Quốc mỗi năm hàng triệu nông dân rời bỏ ruộng vườn để vào sinh sống trong các đô thị (Reuters: David Gray)

Hàng ngàn nông dân và dân làng sinh sống tại vùng ven các thành phố lớn hiện đang bị các tập đoàn xây dựng vốn vẫn đang ‘khát đất’ ép buộc phải di dời để họ có đất xây dựng.

Cưỡng chế di dời

Phóng viên Tom Iggulden cùng nhóm quay phim Đài ABC đã tới thăm một khu vực tại quận Tongzhou, nơi người dân bị cưỡng chế di dời khỏi khu nhà họ từng sinh sống. Khi có mặt tại hiện trường, đoàn ABC đã chứng kiến cảnh xe ủi đang phá hủy một ngôi nhà trong đó chủ nhân được nhà nước hứa bồi thường vài ngàn đô la để bà có thể mua một căn hộ mới với giá hạ. Tuy nhiên chủ nhân ngôi nhà này không bằng lòng với khoản bồi thường và bà không muốn di dời.

Khi tới nơi, toán phóng viên và quay phim bị cảnh sát bao vây và buộc ra khỏi khu vực đồng thời ngăn không cho họ quay phim. Khi đoàn phóng viên đến một địa điểm mới, họ lại bị chính quyền dùng biện pháp mới để ngăn cản: Phóng viên Iggulden cho biết nhiều người tìm cách đứng che chắn máy quay phim đồng thời sử dụng dù che cũng như những tấm bảng bằng ván ép để ngăn không cho đoàn quay phim.

Viễn ảnh đô thị hóa

Trong vòng 15 năm sắp tới, khoảng 300 triệu người sẽ phải rời thôn làng, đồng ruộng để sinh sống trong các đô thị và cảnh cưỡng chế di dời như đoàn phóng viên ABC chứng kiến tại quận Tongzhou sẽ tái diễn ở nhiều nơi trên toàn cõi Trung Quốc.

Chỉ trong năm nay đã có tới 1000 người bị đánh đập hoặc tự tử vì những vụ cưỡng ép di dời mà trong nhiều trường hợp đã bùng phát thành những cuộc bạo động.

Tuy nhiên, mặc cho những vụ phản kháng, việc cưỡng chế di dời vẫn diễn ra tại Tongzhou và nhiều nơi khác tại Trung Quốc. Ông Chen Lijun, nhân viên thuộc Ban Tuyên giáo Quận ủy Tongzhou cho biết chính quyền Bắc Kinh muốn biến Tongzhou thành khu đô thị hiện đại có tầm cỡ quốc tế.

Phóng viên Iggulden cho hay chưa nói tới việc các quan chức, đảng viên thuộc các đảng bộ địa phương muốn làm hài lòng cấp trên tại trung ương, chỉ riêng với khoản lợi nhuận lên tới hàng triệu đô la sắp rơi vào túi các tập đoàn xây dựng, người ta đã có thể thấy rằng người dân không có mấy cơ may thành công trong việc ‘trụ’ lại được nơi căn nhà cũ của họ.

Ông Chen Lijun nói: “Mọi người phải đi qua một quá trình để nhận thức được những điều gì tốt cho họ. Hiện nay có một số người chưa nghĩ vậy nhưng những người chung quanh sẽ thuyết phục để họ thấy được điểm tích cực của việc di dời.”

Theo ông Lijun, cách làm này tỏ ra có hiệu quả vì có tới 98% cư dân đã chịu nhận tiền bồi thường.

Theo bayvut.com.au


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc