Home » Cổ truyền » Truyền thuyết về núi Phượng Hoàng ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam

Điện thờ Đạo giáo tại núi Phượng Hoàng. (Ảnh: Secret China)

Tương truyền vào thời nhà Minh, có một người đồ tể họ Triệu sống bên ngoài cổng thành phía nam của Côn Minh. Một ngày nọ, người đồ tể quyết định mổ thịt một con bò, nhưng tìm mãi mà không thấy con dao mổ đâu cả. Có một con bê nằm gần đó, cứ kêu lên buồn bã. Người đồ tể họ Triệu thấy vậy đã đánh nó mấy lần. Con bê đứng dậy, để lộ ra con dao mổ thịt. Ông hiểu ra rằng con bê có lẽ đã cảm thấy mẹ của mình sắp bị mổ thịt nên đã giấu con dao dưới người và kêu lên buồn bã.

Sự hiếu thảo của con bê đã làm người đồ tể cảm động. Ông bỏ công việc của mình và dẫn bò mẹ cùng bê con lên núi Tây Sơn và sống một cuộc đời ẩn dật tại nơi đây.

Người đồ tể họ Triệu này là một người nóng tính. Ông biết rằng mình rất dễ nổi cáu, vì thế ông thường xuyên đọc nhẩm: “Dập tắt ngọn lửa trong lòng, để được gặp Lã Động Tân”. Lã Động Tân là một vị đạo tiên nổi tiếng.

Một ngày nọ, một đạo sĩ già đến nơi ông ở. Ông chu đáo đón tiếp và chuẩn bị trà nóng để mời vị đạo sĩ. Ông thậm chí còn rót trà vào một chiếc chén sứ quý giá chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt. Vị đạo sĩ cầm chiếc chén lên, nhưng rồi cố ý làm rơi nó xuống đất. Ông nhìn chằm chằm vào chiếc chén sứ giờ đây đã vỡ tan, với sự giận dữ hiện trên khuôn mặt.

Quay sang nhìn vị đạo sĩ, bấy giờ ông Triệu mới để ý rằng vị đạo sĩ đã biến mất. Chiếc chén bị vỡ vẫn còn nguyên vẹn và nằm trên bàn. Dưới chiếc chén có lưu một mảnh giấy viết rằng: “Lã Động Tân đã ở đây, nhưng ngọn lửa trong lòng ngươi lại bùng lên một lần nữa”.

Người đồ tể họ Triệu nhận ra vị đạo sĩ không ai khác chính là Lã Động Tân. Ông cảm thấy vô cùng hổ thẹn vì đã nuôi cơn giận dữ đó trong lòng. Không lâu sau, ông qua đời.

Nhiều năm sau đó, một viên quan triều đình tên là Trần Vĩnh Binh đến Côn Minh nhậm chức. Một ngày, ông đi thăm thú núi Tây Sơn, bỗng thấy trong lòng một cảm giác rất đỗi quen thuộc với cảnh vật xung quanh. Ông phát hiện ra câu chuyện về một người đồ tể họ Triệu in trên một chiếc bàn đá và ngạc nhiên khi thấy ngày mất của ông Triệu chính xác trùng với ngày sinh của mình. Viên quan họ Trần bắt đầu hình dung rằng ông được đầu thai từ người họ Triệu kia.

Nghĩ lại, vị quan họ Trần nhớ ra rằng khi ông từng là một viên quan ở tỉnh Phúc Kiến, một vị đạo sĩ đã đến gặp ông và hỏi: “Ông đã dập tắt ngọn lửa trong lòng mình chưa?”. Ông đã lặng người trước câu hỏi đó. Sau vài câu trao đổi ngắn gọn, vị đạo sĩ rời đi, nhưng trước khi rời đi, đạo sĩ hẹn ông sau này gặp lại tại núi Phượng Hoàng.

Sau khi đến Vân Nam, viên quan họ Trần nghe nói trong vùng có một ngọn núi tên là núi Phượng Hoàng và quyết định đến thăm nơi đó. Ông nhìn thấy một đạo sĩ điên trên đỉnh núi, tay cầm hai chiếc bình mở miệng hướng vào nhau. Đạo sĩ mỉm cười hỏi ông: “Đã lâu không gặp. Trông ngài rất tốt. Lần này ngài sẽ lại giật mình thế nào đây?”

Đoàn tùy tùng của viên quan họ Trần la lên, và vị đạo sĩ đột nhiên biến mất. Ông lập tức nhận ra rằng hai chiếc bình mở miệng hướng vào nhau đại diện cho chữ tiếng Hán, “Lã”; còn việc đứng trên tảng đá đại diện cho chữ Hán, “Dương”. “Lã Dương” là tên hiệu của Lã Động Tân, và điều này có nghĩa vị đạo sĩ ấy chính là Lã Động Tân.

Truyền thuyết dân gian kể rằng viên quan họ Trần đã gặp Lã Động Tân ba lần trên núi Phượng Hoàng. Lã Động Tân đã tiết lộ cho viên quan họ Trần rằng ngọn núi ấy là một chốn tiên cảnh. Vì vậy, trong ba năm viên quan họ Trần cai trị vùng này, ông đã ra lệnh xây dựng “Điện Nhẫn Ngọc”, để thờ vị đạo tiên Lã Động Tân. Ngày nay, điện thờ này là một địa điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn du khách.

(Theo Secret China)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc