Home » Chia sẻ » Giới trẻ Đà Lạt tạo dựng sự nghiệp với khoa học

Nhiều bạn trẻ ở Đà Lạt khi ra trường đã chọn cách tự mở doanh nghiệp riêng, hoặc ban ngày đi làm công chức, tối về nghiên cứu khoa học tại nhà. Tuy ở bước “vạn sự khởi đầu nan” nhưng họ tỏ ra tự tin và quyết tâm gắn bó với công việc chuyên môn song hành với kinh doanh.

img30

Kỹ sư nông nghiệp Phạm Văn Thịnh chăm sóc giống hoa lan nơi vườn hoa tại gia. (Võ Chung).

‘Đúng nghề, đúng ngành’

Với tấm bằng kỹ sư ngành nông học, Phạm Văn Thịnh, 25 tuổi, được nhận vào làm việc trong một cơ quan nhà nước cấp tỉnh hẳn hoi. So với bạn bè cùng lứa thì đây là một công việc khá may mắn với Thịnh. Đến nhà Thịnh vào cuối tuần, thấy anh đang cặm cụi ngồi nhân giống lan trong một phòng thí nghiệm nhỏ.

Thịnh trải lòng: “Lương công chức của mình không nhiều. Phải sống tiết kiệm lắm mới đủ tiền điện thoại, cà phê và ăn sáng”. Nhưng đó là xét về vật chất, còn cái lợi về tinh thần thì không đong đếm được: Thịnh được làm đúng chuyên ngành đã học, có điều kiện tiếp xúc, cập nhật những thông tin khoa học…

Từ đây, Thịnh nhận thấy một nhu cầu rất lớn của bà con nông dân Đà Lạt cần cây giống hoa các loại. Chàng kỹ sư trẻ thuyết phục gia đình bỏ ra hơn 80 triệu đồng mua một tủ nuôi cấy mô để bắt đầu nhân giống hoa.

Phòng nuôi cấy của anh chỉ là căn gác cũ được cơi nới thêm. Sau hai năm gắn bó với công việc này, ngoài Thịnh ra các anh chị em trong nhà đều có thể làm được. Thịnh không những nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô mà còn có cả một vườn hoa để nhân giống bằng phương pháp lai tạo cổ điển, sau đó chọn lọc ra giống hoa tốt nhất để phát triển, chăm sóc.

Khác với Thịnh, Phan Thanh Sang (bạn bè hay quen gọi là Sang Còi) sau khi tốt nghiệp không chọn làm việc cho đơn vị nào, mà đứng ra thành lập một doanh nghiệp tư nhân chuyên về nghiên cứu, lai tạo, nhân giống hoa, cây cảnh. Không những thế, Sang còn có một cửa hàng để kinh doanh giới thiệu sản phẩm của mình tại vườn hoa Đà Lạt cho du khách thập phương.

Ngoài trang trại tại Đà Lạt, để phát triển lên quy mô lớn hơn, Sang đi xuống vùng Đơn Dương thuê đất đầu tư. “Công việc thực sự hứng thú với tôi bởi có rất nhiều cơ hội để thể hiện mình và tìm đến thành công. Ngoài nhu cầu cây giống của nông dân nơi đây, việc đưa hoa giống gửi đi tiêu thụ ở các địa phương khác không phải là quá khó khăn khi mình có thương hiệu ổn định”, Sang tự tin nói.

Nguyễn Thị Khánh Ngân, một cô gái ‘con nhà nòi’ (bố mẹ làm ngành khoa học) có nhiều năm phụ giúp gia đình trong công việc nhân giống trong phòng thí nghiệm. Khánh Ngân hào hứng kể về công việc hiện tại đang rất tốt tại trại nhân giống hoa, cây cảnh của mình: “Với hơn mười người làm công mà nhiều lúc tôi vẫn phải từ chối đơn đặt hàng vì không cung ứng kịp sản phẩm cho nhu cầu của bà con nông dân ở khu vực xung quanh Đà Lạt”.

Kinh doanh qua mạng

Có thể các bạn trẻ ở Đà Lạt còn thiếu nhiều kinh nghiệm kinh doanh khi ở giai đoạn ‘vạn sự khởi đầu nan’ thế nhưng sự tự tin, am hiểu về công nghệ thông tin đã và đang là những lợi thế để họ tận dụng tối đa nhằm quảng bá sản phẩm của mình.

Với phòng nuôi cấy mới tạm dừng ở quy mô gia đình, mỗi năm Phạm Văn Thịnh đã thu về gần cả 100 triệu đồng. Hơn 50% khách hàng của anh lại là ở bên ngoài Đà Lạt như các địa phương Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định… Có người chỉ mua giống hoa về về trồng vài cây trang trí trong vườn nhà. Nhưng nhiều nhất vẫn là bán số lượng lớn cho các vựa hoa, vườn hoa.

Điều thú vị là Thịnh cho biết anh ‘chẳng mất đồng nào để quảng cáo sản phẩm’. Thịnh hay lên các trang cho rao vặt miễn phí, tham gia các diễn đàn để có cơ hội giới thiệu sản phẩm. Khách hàng muốn mua giống hoa sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Thịnh và anh sẽ gởi hàng đi.

Với Sang Còi thì anh đã lập hẳn một website để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình. Không chỉ là giới thiệu các sản phẩm, hoạt động kinh doanh của công ty, trang web còn là nơi để nông dân, những người quan tâm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, cách phòng chống các bệnh thường gặp cũng như chữa trị những loại bệnh khó của hoa, cây cảnh.

Những người làm công

Quê ở Quảng Nam, Nguyễn Thị Thanh Vân vào Đà Lạt học hành và cô đã gắn bó luôn với mảnh đất ‘mộng mơ’ này sau khi ra trường với công việc nuôi cấy mô. Vân kể: “Tôi cũng đi làm qua vài nơi, nhưng từ khi làm với ông chủ trẻ Đăng Quỳnh tôi thấy thoải mái hơn”. Theo Vân, Đăng Quỳnh mới 24 tuổi vừa đồng trang lứa với cô lại có kiến thức chuyên môn, dễ dàng trao đổi với nhau trong công việc. Quan trọng nữa là những người chủ trẻ như Quỳnh sẵn sàng dám thử nghiệm làm cái mới chứ không khư khư giữ nguyên những gì đã có sẵn.

Trần Thị Kim Trâm đang theo học Cao học ngành Công nghệ Sinh học và có kinh nghiệm bốn năm làm việc trong các phòng nuôi cấy mô ở Đà Lạt. Cô thích nhất là được làm việc với sếp là người trẻ tuổi, bởi: “Muốn thử nghiệm một phương pháp mới cũng không quá khó đề xuất và được tin tưởng tạo điều kiện. Đề tài tốt nghiệp của mình cũng được thực hiện tại phòng nuôi cấy mô này luôn”. Trâm còn cho biết rằng “khi làm việc thì luôn xem sếp trẻ là chủ của mình, nhưng ngoài giờ có thể xem nhau như đồng nghiệp, bạn bè”.

Từ người chủ đến các nhân viên làm công, những người trẻ ở Đà Lạt theo nghề nghiên cứu khoa học, kinh doanh sản phẩm giống hoa, cây cảnh đang phát huy được nhiều lợi thế về kiến thức, chuyên môn, sự năng động, hoạt bát và nét gắn kết bởi tương đồng trang lứa. Từ đây, họ đã và đang đem đến một sức sống mới cho nghề nuôi cấy mô ở ‘vương quốc hoa’ Đà Lạt.

Theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc