Lũ rút, để lại hoang tàn đổ nát. Người dân Quảng Bình vừa dọn nhà, vừa phải lo tìm kiếm cái ăn, dù nguy hiểm luôn chực chờ.
Đau thương ngập tràn
Xã cồn bãi Quảng Minh nằm giữa sông Gianh, huyện Quảng Trạch. Mặc dù vùng thấp trũng, người dân đã quen với mưa lũ, sông nước nhưng vì mưa lớn kéo dài liên tục, nước dâng lên bất ngờ nên tất cả những kinh nghiệm có trước đó cũng không giúp gì được cho người dân.
Cả xã chìm trong biển nước, nhà nào cũng bị ngập đến mái, đây là vùng mà lực lượng cứu hộ địa phương không thể tiếp cận trong cơn lũ.
Con đường nhỏ đầy ụ đất, hố “bom” do lũ xới dẫn chúng tôi xuyên qua làng xóm trong cảnh hoang tàn, xơ xác. Chỗ thì gốc cây to bự nằm vắt vẻo trên đường dây điện, chỗ thì xác trâu bò, gà lợn chết phình bụng lẫn trong rác.
Cảnh xót nhất là tất cả tài sản của bà con như giường tủ, áo quần, lúa má, nồi niêu… được mang ra phơi lẫn lộn với nhau; cái thì vắt trên hàng chè tàu đầy bùn, cái để trên bức tường rào bằng xi-măng đã sập nát vụn.
Trong khi trong nền nhà, bùn non vẫn đọng từng lớp dày chưa kịp dọn hết. Tất cả như một bãi chiến trường.
Trâu bò, lợn gà đều chết và trôi hết rồi, bà con chỉ biết gắng gượng phơi lại số lúa bị ngâm nước mấy ngày trời, trong khi trời chưa hề hửng nắng mà vẫn mưa rải rác.
Lúa được phơi bất cứ ở đâu từ hiên nhà ra ngoài sân đến cả mặt đường. Chị Nguyễn Thị Hoa gọi cả đứa con nhỏ ra cùng đảo lúa cho nhanh khô, còn chị liên tục quờ hai bàn tay đen lấm trong vạt lúa.
Nghe có người hỏi thăm, chị òa khóc nức nở, lấy áo quệt nước mắt, kể: “Nhà trồng được ba sào lúa, nhưng giờ coi như hỏng hết rồi. Cũng cố phơi, thà ăn cơm hẩm còn hơn nhịn đói. Mình khổ được chứ hai đứa con nhỏ thì làm sao?”.
Tập trung giúp đỡ dân
Ngày 7.10, đoàn công tác T.Ư do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhân dân vùng lũ Quảng Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nêu những con số đáng buồn: “Hơn 100.000 căn nhà bị ngập chìm, chết 36 người, mất tích 20 người. Từ ngày tái lập tỉnh (năm 1989) đến nay thì đây là đợt lũ lụt có số người chết và mất tích lớn nhất. Hiện còn hai tàu cá ở Quảng Trạch mất liên lạc. Ước tính thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng”.
Phát biểu tại cuộc họp với đoàn công tác và các cơ quan ban ngành tỉnh Quảng Bình, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Chiều nay (7.10), khi ngồi trên máy bay đi kiểm tra vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh, tôi thấy nước cũng đã rút 2 – 3m nhưng tình hình ngập còn rất lớn nên nhiệm vụ của địa phương còn nhiều. Do chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên rất khó dự báo, ở Quảng Bình thì lượng mưa chưa từng thấy. Giải pháp kiên quyết thực hiện trong thời gian tới là ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện bốn tại chỗ và nhanh nhạy hơn. Phải nghiên cứu kỹ đặc điểm bão lũ của hai vùng nam và bắc tỉnh để có từng giải pháp khác nhau. Nếu không có sự ứng phó kịp thời thì thiệt hại có lẽ không lường hết”.
Phó thủ tướng đã chuyển lời thăm hỏi ân cần nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến nhân dân vùng lũ tỉnh Quảng Bình.
Cuối cùng, Phó thủ tướng kết luận: “Một số việc cần phải làm trong thời gian tới đây là tiếp tục chăm lo, thăm hỏi, tổ chức an táng một cách chu đáo những người đã thiệt mạng. Đối với những hộ bị thiệt hại nhà cửa thì chủ động ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân kịp thời. Bộ Y tế cử cán bộ xuống từng địa bàn để nắm tình hình sức khỏe và cung ứng thuốc men, thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nhân dân về giống. Về cơ sở hạ tầng, lưu ý tập trung chăm lo khôi phục trường học, đường sá. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục tìm kiếm những tàu bị nạn…”.
Về giúp đỡ người dân Quảng Bình , Phó thủ tướng cũng đồng ý với đề nghị hỗ trợ trước mắt 1.000 tấn gạo và 100 tỉ đồng. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng có ý kiến sẽ bàn lại để tìm cách khắc phục những mặt yếu của Nhà máy thủy điện Hố Hô, nếu không sẽ gây nguy hại khôn lường cho người dân trong khu vực.
Bài và ảnh: Trương Quang Nam
Theo Thanhnien
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!