Home » Uncategorized » Nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ

Những biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế thời gian qua đang gây nhiều quan ngại, liệu nó có thể trở thành một cuộc chiến tranh tiền tệ hay không?

Tình trạng căng thẳng giữa các cường quốc kinh tế đang ngày càng leo thang do những người điều hành hệ thống tài chính của mỗi nước nhìn thấy nhiều lợi ích khi phá giá đồng nội tệ.

Câu hỏi đặt ra trong tình huống này là liệu chúng ta có đang lâm vào một cuộc chiến tranh tiền tệ hay đó chỉ là những mâu thuẫn vụn vặt?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã dứt khoát phủ định nguy cơ nổ ra chiến tranh tiền tệ. Trong một cuộc trao đổi trên truyền hình gần đây với người dẫn chương trình Charlie Rose, ông cho rằng rủi ro để những tranh chấp tỷ giá giữa các quốc gia phát triển thành chiến tranh là không thể.

Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình của người đồng cấp Brazil Guido Mantega. Tháng trước, ông này phát biểu công khai rằng “một cuộc chiến tranh tiền tệ trên quy mô quốc tế” đã bùng phát.

Khi được hỏi về khái niệm chính xác thế nào là một cuộc chiến tranh tiền tệ, người phát ngôn của Bộ tài chính Mỹ đã trả lời bằng email như sau: “Tôi không nghĩ mình có thể đưa ra một định nghĩa chính xác về thuật ngữ này. Theo như tôi được biết, ngài Bộ trưởng tài chính Brazil là người đã sáng tạo ra nó, vì thế tốt hơn hết là bạn nên hỏi thẳng ông ấy”.

Như vậy, câu trả lời thực sự cho thắc mắc này là: không một ai biết chính xác khi nào và với điều kiện gì thì cuộc xung đột kinh tế toàn cầu sẽ trở thành “chiến tranh”.

Ngay cả ngài Geithner, người tuyên bố chắc chắn rằng điều đó không có khả năng xảy ra, có vẻ như cũng mù mờ về khái niệm này. Nhưng mặc cho chúng ta có gọi những tranh chấp tiền tệ đang diễn ra là gì đi nữa, thì lời cảnh báo của Mantega không phải là vô căn cứ.

Bằng chứng gần đây nhất là việc Ngân hàng trung ương Nhật tháng trước đã bơm ra gần 20 tỷ yên – động thái can thiệp đầu tiên vào thị trường ngoại hối của chính phủ Nhật trong sáu năm qua. Hàn Quốc cũng đã ra tay kiềm chế đồng won tăng giá thông qua một vài lần can thiệp trong khoảng một năm trở lại đây.

Hơn thế nữa, nhiều quốc gia từ Singapore cho tới Columbia đều lên tiếng lo ngại về việc đồng nội tệ của họ đang mạnh lên, điều đó hoàn toàn có thể dẫn đến những hành động tương tự như của Nhật Bản.

Lý do quan trọng nhất thúc đẩy các quốc gia lựa chọn can thiệp vào giá trị đồng nội tệ là: tỷ giá hối đoái thấp sẽ làm hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu rẻ hơn, cạnh tranh hơn – một chiến lược mà hầu hết các chính phủ trên thế giới đang nhắm đến hòng đưa nền kinh tế nước mình phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng.

Trong một động thái khác, những người đứng đầu ngân hàng trung ương các nước cũng đang cố gắng bơm thêm các liều thuốc kích thích vào nền kinh tế, ví dụ như cắt giảm lãi suất hay thậm chí in một lượng lớn tiền mặt ngoài lộ trình tăng cung tiền như Ben Bernanke đang làm.

Cuộc chiến tranh tiền tệ diễn ra vào thập kỷ 30 cuối cùng đã dẫn đến chiến tranh thương mại, làm Đại suy thoái trở nên tồi tệ hơn nữa. Các quốc gia đua nhau dựng lên những rào cản thương mại, khiến lượng hàng hóa lưu thông trên toàn cầu giảm sút nghiêm trọng.

Mark Thoma, kinh tế gia đại học Oregon, cho rằng với những dấu hiệu như hiện nay thì nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại không phải là quá xa vời, đặc biệt là với quyết định mua thêm trái phiếu chính phủ bằng cách in tiền của Fed.

Hoàng Sơn
Theo Fortune

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc