Home » Kinh doanh » Doanh nghiệp FDI ngán nhất chuyện ‘lót tay’
Kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chỉ ra những kết quả đáng chú ý về môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Mặc dù báo cáo về PCI đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tiến hành qua 6 năm, nhưng 2010 mới là năm đầu tiên diện khảo sát được mở rộng tới các doanh nghiệp FDI (trước đây chỉ thực hiện trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam).

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc mở rộng đối tượng này xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu yếu tố thúc đẩy FDI của các địa phương. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, lấy ý kiến tại 1.155 công ty, tương đương khoảng 20% số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Kết quả ban đầu do nhóm nghiên cứu PCI tại khu vực FDI công bố sáng nay (16/3) cho thấy chi phí lao động, sự ổn định chính trị và ưu đãi thuế vẫn là những yêu tố hàng đầu hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến với các địa phương tại Việt Nam.

“Mặc dù thứ tự có thể thay đổi qua thời gian nhưng đây luôn là các yêu tố được lựa chọn, bất kể tiêu chí phân loại nhà đầu tư là loại hình, tuổi, ngành nghề hay hình thức gia nhập thị trường của nhà đầu tư”, Tiến sĩ Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu, đến từ dự án VNCI cho biết.

Cũng theo vị Phó giáo sư của trường Đại học California, Việt Nam hiện đang rất quan tâm tới việc thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại (được nhóm nghiên cứu gọi là Thế hệ doanh nghiệp FDI tương lai). Với nhóm này, yếu tố được quan tâm nhất là chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, quyền sở hữu tài sản và các quyền lợi liên quan đến hợp đồng.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc thu hút FDI tại các địa phương là các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chịu trong quá trình gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh.

Điều tra PCI cho thấy 20% doanh nghiệp FDI được hỏi phải cho các khoản không chính thức trong quá trình đăng ký kinh doanh, 40% phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu. Trong khi có đến 70% doanh nghiệp phải chịu các khoản “bôi trơn” để thông quan hàng hóa được nhanh hơn.

Các chuyên gia của VCCI và VNCI cho biết hiện không có sự khác biệt đáng kể giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong các khoản chi phi chính thức. Thậm chí ở một vài lĩnh vực (đặc biệt là các ngành dịch vụ bị quản lý chặt), mức phí “lót tay” mà nhóm FDI phải chịu thậm chí còn cao hơn (có lĩnh vực cao hơn đến 50%).

Các địa phương nên chú trọng đến cải cách thủ tục và môi trường pháp lý trong thu hút đầu tư. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Các địa phương nên chú trọng đến cải cách thủ tục và môi trường pháp lý trong thu hút đầu tư. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài cũng chưa thực sự hài lòng với tính minh bạch của môi trường pháp lý địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng khả năng tiếp cận tài liệu, thông tin của tỉnh được khối FDI đánh giá thấp, tương tự các doanh nghiệp trong nước. Việc giải quyết tranh chấp tại tòa án cũng ít được sử dụng.

Cảm nhận của doanh nghiệp về chi phí gia nhập thị trường tại Việt Nam thậm chí còn xấu hơn khi số nhà đầu tư phải đợi hơn một tháng để hoàn tất thủ tục nhiều gấp đôi thống kê tương tự với doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, các thủ tục, quy định, độ ổn định trong sử dụng đất và chất lượng lao động cũng bị đánh giá là kém hơn trước đây.

Từ những kết quả nêu trên, nhóm nghiên cứu của VCCI và VNCI cho rằng việc thu hút đầu tư địa phương không nên chỉ dừng lại ở các biện pháp ưu đãi mà cần tập trung vào công tác thông tin, xúc tiến và thay đổi cơ cấu đầu tư.

Báo cáo cũng đề xuất các địa phương nên quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông, đào tào nghề, giảm tải các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng hiệu quả của các chính sách ưu đãi FDI không nằm ở mức độ mà phụ thuộc vào tính phù hợp của chính sách. “88% doanh nghiệp lựa chọn địa phương có ưu đãi ít hơn nhưng phù hợp hơn để đầu tư”, báo cáo nhất mạnh.

Theo khảo sát của VCCI và VNCI, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đến từ 47 quốc gia khác nhau và 75% là các doanh nghiệp châu Á. 84% các công ty đang hoạt động là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân trung bình so với vốn đăng ký là 62%. Khối FDI khá thành công với tỷ suất lợi nhuận trung bình là 20% một năm (tương đương 17.000 USD trên mỗi đơn vị lao động). Tuy nhiên, 20% doanh nghiệp báo cáo lỗ trong năm qua. Hiện cũng chỉ có 13,5% các dự án được coi là đầu tư công nghệ cao và sử dụng trang thiết bị hiện đại.

Nhật Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc